[REVIEW] Fear Street Part 2: 1978 - Chương 2 dùng lại công thức cũ nhưng gay cấn và kịch tính đến cùng!
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
Lặp lại các nước đi của phần đầu không có nghĩa là Fear Street Part 2: 1978 quá rập khuôn để thưởng thức.
Sau mở đầu tương đối hứa hẹn của Fear Street Trilogy (Netflix), loạt phim dựa trên nguyên tác văn học cùng tên do R. L. Stine chấp bút có chương 2 bùng nổ trong Fear Street Part 2: 1978.
Fear Street Part 2: 1978 tiếp tục ngay sau phần đầu tiên Fear Street Part 1: 1994, khi Sam bị ám và lên cơn cuồng sát. Deena vừa muốn giữ mạng, vừa không thể ra tay với bạn gái, liền liều chết khống chế Sam, rồi cùng em trai tìm đến Cindy Berman (Gillian Jacobs), người duy nhất sống sót trong trận thảm sát trại hè Nightwing và lời nguyền phù thủy năm 1974. Tại đây, Deena và em trai được trở về cột mốc 1974, nghe câu chuyện thực sự đã diễn ra tại đó, về cách chấm dứt lời nguyền. Nhưng giải pháp cho vấn đề Deena đang gặp phải có một cú twist bất ngờ.
Giống như Fear Street Part One: 1994, kịch bản ở đây có xu hướng lặp lại những điều liên quan đến Sarah Fier, phù thủy cũng sớm trỗi dậy chiếm hữu Johnny - bạn trai ngọt ngào của Cindy và biến anh ta thành một kẻ giết tàn bạo. Bên cạnh đó, bộ phim cũng lặp lại công thức của các phim slasher đi trước, bày biện các kiểu con mồi quen thuộc như lũ thiếu niên nổi tiếng, cô nàng đàng điếm, anh chàng tốt bụng và “final girl”.
Tuy nhiên, dù có nhiều cặp tình nhân có thể góp phần truyền thống cho phim, Fear Street Part 2: 1978 lựa chọn một cặp chị em. Phim vẫn ưu ái mô tuýp nhân vật nữ chính mạnh mẽ, mồm mép, gai góc và không dễ ưa. Cặp chị em Cindy (Emily Rudd) và Ziggy (Sadie Sink) có thể không phải các “final girl” kiểu mẫu, nhưng họ đủ tổn thương, mềm yếu để mang đến cái nhìn sâu hơn cho các kiểu “con mồi” của dòng phim slasher.
Fear Street Part 2: 1978 vẫn sử dụng mô hình của phần đầu, đem đến hoài niệm cho các fan thể loại slasher. Nếu 1994 lấy cảm hứng từ thập niên 90, thì phần phim lần này lấy bối cảnh thập niên 70, thời mà dòng kinh dị slasher đang trên đà phát triển, nên không mấy ngạc nhiên khi 1978 mang âm hưởng của các bộ phim như Scream, Halloween, Texas Chain Saw Massacre, Carrie và đặc biệt là The Town That Dreaded Sundown. Tuy nhiên, lặp lại các nước đi của phần đầu không có nghĩa là Fear Street Part 2: 1978 quá rập khuôn để thưởng thức.
Nhìn nhận một cách khách quan, làm một trilogy đi ngược dòng thời gian, thay vì lối kể tuyến tính thông thường là một quyết định mạo hiểm. Những bộ phim như thế này thường đáng mất yếu tố bất ngờ, do người xem của phần trước đã biết được kết cục dành cho các nhân vật quá khứ trong phần 2. Nhưng Fear Street Trilogy đã tìm được cách để tận dụng dòng thời gian ngược đời này. Đó là thêu dệt một câu chuyện có nhiều góc khuất. Fear Street Part 2: 1978 là một bộ phim như thế.
Phần thứ 2 của trilogy có thể không thêm được gì vào truyền thuyết Sarah Fier nòng cốt của trilogy ngoài cách phá giả lời nguyền, nhưng nó đã thành công mở rộng thế giới của Fear Street và cung cấp 1 bức tranh toàn cảnh về bóng tối bủa vây Shadyside qua nhiều thế hệ.
Nếu bạn là fan của Stephen King, thì bạn sẽ nhanh chóng nhận ra nguồn cảm hứng chính đằng sau khái niệm của thị trấn Shadyside. Đây là một phiên bản ít bí ẩn nhưng độc hại hơn của Derry – thị trấn giả tưởng đầy rẫy tai họa được King tạo ra. Tương tự như Derry, Shadyside như một địa điểm tập trung hết cái xấu xa và tồi tệ của cuộc đời. Nếu phần đầu tiên chỉ cho người xem cảm nhận được thoang thoảng tính tồi tệ đó qua lời nói hằn học của Deena, thì phần 2 đưa ra lời giải thích và bằng chứng vật lý gây ra những nỗi khổ đau của nơi đây. Nhưng không như Derry, nơi mà bóng tối chỉ thể hiện qua các bi kịch, nỗi hắc ám của Shadyside không chỉ gói gọn ở những kẻ giết người mọc lên như nấm. Thị trấn này đầu độc cả những người may mắn không bị Sarah Fier “lựa chọn” với đói nghèo, tệ nạn và tự hủy hoại bản thân. Có gì đó ăn mòn linh hồn của con người nơi đây và nó hiện hữu dưới trại Nightwing.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng và mở rộng thế giới, khía cạnh của Shadyside mà Fear Street Part 2: 1978 cho chúng ta thấy trong đây còn khơi gợi nhiều câu nghi vấn chắc chắn sẽ được trả lời vào phần cuối cùng của trilogy. Chi tiết ấy là những kẻ sát nhân chỉ theo đuổi các thành viên của Shadyside mà không hề ngó ngàng đến những kẻ ở Sunnyvale. Điều này không khỏi khiến người ta băn khoăn liệu những cư dân bên Sunnyvale mới là kẻ đứng sau những nghi thức phù thủy thực sự và nhờ vào ma thuật để đảm bảo thời kỳ hưng thịnh cho nơi đó, với cái giá là sự sống của Shadyside – như một con ký sinh trùng giấu mặt?
Nói mọi thứ đều ở cách thực hiện không sai chút nào trong trường hợp của 1978. Khi câu chuyện được thực hiện một cách e dè, thận trọng trong 1994, thì Fear Street Part 2: 1978 thả lỏng và hoàn toàn tận hưởng việc làm sống lại các khuôn mẫu của thể loại slasher. Tức, khởi đầu có chút chậm, nhưng càng về sau càng dồn dập. Nhịp phim càng nhanh.
Đặc sản của Fear Street Part 2: 1978 vẫn là những cái chết đẫm máu, những màn chém giết bạo lực và các cuộc rượt đuổi kịch tính. Phần 2 ghê rợn và thô hơn hẳn 1994, với nhiều yếu tố người lớn và số người chết cao hơn. Điều làm những cái chết trở nên ám ảnh hơn là nạn nhân lần này có đủ độ tuổi, dù phần lớn các pha bổ rìu đều được thực hiện trong bóng tối. Nhưng tiếng hét tuyệt vọng và âm thanh lưỡi rìu va chạm với thịt, xương thì vang lên rõ rệt với âm thanh nền dồn dập làm điểm nhấn.
Nhìn chung, Fear Street Part 2: 1978 vượt qua mức “ổn áp” của phần đầu, mang đến chương thứ 2 gay cấn, kịch tính hơn cho trilogy. Điều quan trọng là nó vẫn mang lại cú twist làm người xem bất ngờ dù biết trước kết cục nào sẽ xảy đến với các nhân vật. Hơn nữa, phim đã thành công trong việc xây dựng nhiều nghi vấn khiến người xem tò mò về chương cuối cùng của Fear Street Trilogy sắp tới. Mọi việc đúng là không thể nhìn bề ngoài. Xem ra truyền thuyết về Shadyside còn ẩn chứa nhiều bí ẩn hơn nữa.