[REVIEW] First Kill - Bruce Willis không cứu nổi câu chuyện nhàm chán
Mếu bạn mong chờ vào một màn trình diễn rực lửa, dữ dội, bắn nhau tan nhà nát cửa nữa của Willis thì bộ phim này sẽ không dành cho bạn.
Người hùng "bất tử" của loạt phim Die Hard kinh điển - Bruce Willis - lại một lần nữa quay lại vai trò cảnh sát trưởng gương mẫu trong tác phẩm mới nhất của đạo diễn Steven C. Miller - First Kill (tựa Việt: Đòn Quyết Định). Tuy nhiên, nếu bạn mong chờ vào một màn trình diễn rực lửa, dữ dội, bắn nhau tan nhà nát cửa nữa của Willis thì bộ phim này sẽ không dành cho bạn. First Kill đem đến một câu chuyện ít bạo lực và thực tế hơn, tuy nhiên việc giải quyết các chi tiết sơ sài khiến cho bộ phim không có nhiều điểm nhấn tích cực.
Bối cảnh bộ phim bắt đầu với câu chuyện về gia đình của nhà môi giới thành đạt ở Phố Wall là Will (Hayden Christensen). Cùng với người vợ Tammy (Chelsea Mee), Will gặp khó khăn trong việc cân bằng thời gian dành cho con trai Danny (Ty Shelton) với công việc của mình, cậu bé dần trở nên nhút nhát và trở thành đối tượng bị bắt nạt tại trường học. Để giúp con trai trở nên mạnh mẽ và cứng rắn hơn, Will quyết định đưa vợ con trở về quê nhà. Trong một chuyến đi săn của hai cha con, họ tình cờ bắt gặp cuộc thanh trừng nội bộ của một nhóm cướp ngân hàng. Will trong phút giây bảo vệ con trai mình đã phải hạ sát một tên trong băng cướp này. Và mọi rắc rối từ đây bắt đầu, Will phải đi tìm số tiền của bọn cướp để trao đổi cho tính mạng của con trai mình nằm trong tay Levi (Gethin Anthony), dưới sự nghi ngờ của viên cảnh sát trưởng thị trấn, bạn thân người cha quá cố của anh, Howell (Bruce Willis).
Bộ phim khởi đầu khá từ tốn, vừa phải với nhiều tình tiết tập trung vào gia đình của Will khi họ rời xa cuộc sống bận rộn tại New York để trở về thị trấn nhỏ nơi vừa xảy ra vụ cướp ngân hàng. Will và con trai bắt đầu dính vào rắc rối liên quan đến số tiền của bọn cướp tại thị trấn và cảnh sát trưởng Howell thì có sự chú ý đến nam chính của chúng ta. Câu chuyện được xây dựng ban đầu khá tốt, tuy nhiên khi sự chú ý bắt đầu được đẩy lên cao trào thì kịch bản lại nảy sinh những lỗi không đáng có trong một tác phẩm đề tài này. Đạo diễn đưa ra khá nhiều chi tiết nhưng cách giải quyết lại đơn giản đến mức phi lý. Băng cướp và kế hoạch cướp ngân hàng được đề cập quá qua loa và người viết cũng không lý giải được tại sao chúng có thể cuỗm được $2 triệu rưỡi với những chi tiết như trong phim đề cập. Diễn biến trôi qua khá chậm chạp, tuy phù hợp với bối cảnh của thị trấn nhưng dễ làm khán giả buồn ngủ vì các tình tiết không thực sự gây cấn và cách giải quyết của các tuyến nhân vật hết sức thiếu thuyết phục.
Vai phản diện chính của bộ phim được thể hiện khá tốt và sẽ gây bất ngờ cho khán giả. Dẫu vậy, kịch bản phim càng về sau càng đuối làm cho hắn ta không có được sự khôn ngoan phù hợp với vị trí của mình và cao trào bộ phim kết thúc khá chóng vánh khiến người viết có đôi chút thất vọng vì với dàn diễn viên dày dạn kinh nghiệm của bộ phim thì cái kết hoàn toàn có thể kịch tính hơn nữa.
Diễn xuất của các diễn viên cũng có những sự trái chiều. Hayden Christensen kể từ sau 3 phần tiền truyện của thương hiệu ăn khách Star Wars vẫn chưa thể bật lên về mặt diễn xuất mà chủ yếu chỉ gây ấn tượng nhờ vẻ mặt điển trai. Chàng Anakin Skywalker năm nào vào vai Will khá một màu và những biểu cảm vẫn "đơ" như mọi khi, khuôn mặt baby của Christensen qua năm tháng vẫn chưa thực sự phù hợp với vai người cha có đứa con 11 tuổi bị một kẻ cướp ngân hàng bắt giữ. Bruce Willis với kinh nghiệm dày dặn, chưa kể vai diễn cảnh sát trưởng như được đo ni đóng giày, thể hiện khá tròn vai, tuy nhiên việc không giữ vai chính bộ phim cũng như lối diễn cảnh sát quá quen thuộc khiến khán giả sẽ không mấy ấn tượng về vai diễn này của Willis cho dù nó cũng có những sự bất ngờ thú vị xoay quanh nhân vật Howell.
Điểm sáng diễn xuất thuộc về cậu bé Danny với sự tương tác rất tốt với kẻ cướp ngân hàng Levi. Những cuộc trò chuyện, sự gắn bó giữ đứa trẻ bị bắt làm con tin và kẻ phản diện sẽ khiến chúng ta cảm thấy đôi lúc không phải con người muốn xấu xa mà là do cuộc sống bắt họ phải như vậy. Tuy nhiên, ai ai cũng phải đưa lựa chọn và Danny đã có cho mình điều đó, cậu bé sau mọi chuyện đã trở nên rắn rỏi và mạnh mẽ theo cách của riêng mình.
Bối cảnh chủ yếu là những cánh rừng ôn đới trải dài, nhưng việc lựa chọn góc quay chưa thực sự tốt khiến cho các trường đoạn rượt đuổi nhìn rối mắt và lộn xộn, khán giả sẽ khá khó khăn để theo dõi trọn vẹn. Nhiều cảnh quay chưa được chau chuốt và bị mờ. Các trường đoạn hành động cũng xuất hiện rất hạn chế và không có điểm sáng nào có thể khiến khán giả nhớ đến sau khi rời rạp.
Tuy sở hữu hai diễn viên giàu kinh nghiệm nhưng họ đã qua thời kì hoàng kim của sự nghiệp, vốn dĩ đã không còn đủ sức hút phòng vé, lại thêm kịch bản khá gượng ép, cách giải quyết các vấn đề sơ sài thiếu điểm nhấn, rất khó để tác phẩm có thể làm nên chuyện. Khán giả nhớ đến Bruce Willis chủ yếu qua vai diễn tay cảnh sát gan góc, các trường đoạn hành động gay cấn nghẹt thở trong Die Hard, nhưng dần dà về sau lối diễn cũ kĩ này đã không còn được đón nhận nữa. Trong First Kill, dù Willis đã có một vai diễn tốt, nhưng việc được đặt trong một cái nền kịch bản nhàm chán thì quá khó để tác phẩm có thể tạo ra được một sức bật nơi phòng vé. Và có lẽ First Kill nên nghĩ tới việc tự cứu lấy mình trước khi muốn tung "đòn quyết định".