[REVIEW] Giờ Săn Đã Điểm (Netflix) – Màn xả súng nhạt nhẽo, thiếu đột phá
Đánh giá phim · VLynd ·
Giờ Săn Đã Điểm (Time To Hunt) chưa xứng đáng với kỳ vọng của khán giả.
Kéo xuống để xem tiếp
Hiểu được thị hiếu của khán giả châu Á nói chung và khán giả Việt nói riêng, Netflix ngày càng đẩy mạnh đầu tư các bộ phim đến từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, có lẽ vì chạy theo số lượng mà chất lượng lại không được như mong đợi và Giờ Săn Đã Điểm (Time to Hunt) rơi vào trường hợp này. Quy tụ một dàn diễn viên thực lực, nội dung dễ thu hút nhưng nói thật, phim chẳng khác nào một màn xả súng nhạt nhẽo, vô hồn, thiếu đột phá như khối phim hành động hạng B khác.
Giờ Săn Đã Điểm lấy bối cảnh một Hàn Quốc u ám, rệu rã, đối lập với vẻ lộng lẫy thường thấy trong các bộ phim truyền hình hào nhoáng. Tại một khu ổ chuột, 4 thanh niên trẻ gồm Joon-seok (Lee Je-hoon), Jang-ho (Ahn Jae-hong), Ki-hoon (Choi Woo-sik) và Sang-soo (Park Jung-min) âm mưu thực hiện một vụ cướp sòng bạc để đổi đời. Xui xẻo thay, 4 cậu trở thành mục tiêu săn đuổi của Han (Park Hae-soo) – kẻ được mệnh danh là không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi con mồi bị tiêu diệt. Và như thế, cuộc đi săn căng thẳng giữa một người đàn ông và bốn cậu trai bắt đầu.
Giờ Săn Đã Điểm mở đầu ấn tượng với phần âm nhạc tạo sự hồi hộp, bối cảnh hoang tàn, bầu không khí ảm đạm tràn ngập khắp các con đường. Bối cảnh ấy góp phần giúp khán giả hiểu rằng các nhân vật chính có xuất phát điểm không may mắn và tự bản thân họ cũng hiểu rằng chẳng có phép màu nào giúp họ đổi đời nhanh bằng một vụ cướp. Người viết có thể không đồng tình với suy nghĩ của 4 thanh niên này nhưng việc xây dựng như thế cũng tạm coi là hợp lý. Tuy nhiên, biên kịch kiêm đạo diễn Yoon Sung-hyun đã khiến Giờ Săn Đã Điểm lê thê hơn bằng những đoạn hội thoại dài dòng, dằn vặt nội tâm một cách mệt mỏi.
Những tưởng phim trở nên hấp dẫn hơn khi 4 nhân vật lên kế hoạch và thực hiện vụ cuớp. 4 chàng trai trẻ tấn công một sòng bạc được bảo kê, một không gian không quá rộng lớn với gam màu đỏ, cam giúp bầu không khí trở nên bức bối, tăng sự hồi hộp. Tuy nhiên, đó chỉ là điểm sáng hiếm hoi trong Giờ Săn Đã Điểm. Phần còn lại đạo diễn cố tình câu giờ bằng các vụ xả súng lặp đi lặp lại, từ địa điểm này sang địa điểm khác với nhịp phim chậm rãi, giảm đi sự lôi cuốn.
Sự hụt hơi của Giờ Săn Đã Điểm còn đến từ việc xây dựng nhân vật Han – kẻ đi săn. Lại một màn xây dựng phản diện cực kỳ nguy hiểm, cực kỳ ngầu nhưng trở nên nực cười trước “aura nhân vật chính”. Theo phim, Han là một cảnh sát bí ẩn nhưng lại hoạt động cho xã hội đen, quyết tâm kết liễu cho bằng được 4 thanh niên “trẻ trâu” vì chúng trót dại động vào sòng bạc. Tuy vậy, hắn vẫn có khả năng huy động lực lượng cảnh sát đánh sập một tổ chức buôn lậu vì dám nhúng mũi vào chuyện của hắn. Chẳng biết các nhà sản xuất có dự định khai thác phần 2 không, khi để ngỏ cái kết giữa Han và Joon-seok.
Nhắc đến đoạn kết, thật không tin nổi một phim Hàn Quốc lại thực hiện cái kết tầm thường đến thế. Phải chăng vì là phim chiếu trên Netflix mà Giờ Săn Đã Điểm kết bài y chang phim hành động hạng B của Hollywood. Phim có thể nêu được vấn đề của những thanh niên bị coi ở dưới đáy xã hội nhưng rốt cuộc xuyên suốt bộ phim lại không giải quyết được gì, thêm phần kết trông thật ngầu nhưng lại thiếu tính nhân văn.
Giờ Săn Đã Điểm quy tụ dàn diễn viên thực lực, có kinh nghiệm diễn xuất nên phần thể hiện của họ trong phim khá trọn vẹn. Thực chất, với một nội dung đơn giản như vậy, người xem cũng không cần trông chờ quá nhiều vào những đoạn diễn biến nội tâm dài dòng, lê thê. Vì là phim hành động, được phân loại độ tuổi 18+ nên các cảnh xả súng chân thật, nổ ầm ầm và máu me văng tứ phía. Nhưng có lẽ vì nhịp phim quá chậm nên người viết cảm giác vẫn chưa đã lắm, cần nhiều sự dồn dập, căng thẳng hơn.
Nói tóm lại, nếu đã coi nhiều bộ phim hành động, hình sự với nhịp phim dồn dập, không phút nào nghỉ ngơi và có nội dung hấp dẫn hơn thì người viết khuyên bạn có thể bỏ qua Giờ Săn Đã Điểm.