[REVIEW] Hộp Nhạc Ma Quái - Trailer còn hay hơn cả phim
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
Hộp Nhạc Ma Quái có nội dung được tóm gọn hoàn toàn trong trailer.
Kéo xuống để xem tiếp
Trải qua biến cố mất cả cha lẫn mẹ, cô bé Sophie giờ được người dì – Annabelle Spear – chăm sóc. Cả hai dọn đến một thị trấn mới và thuê một căn nhà mới với mục đích bắt đầu lại từ đầu. Không có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ em, đặc biệt là một đứa trẻ bị sang chấn tâm lý như Sophie khiến Annabelle rơi vào trạng thái luôn bị căng thẳng. Mọi chuyện xấu đi khi Sophie tìm thấy chiếc hộp gỗ chứa một hộp nhạc cũ được người chủ đã mất của căn nhà chôn ngoài vườn. Chiếc hộp nhạc gắn liền với linh hồn dữ tợn – Lania – đã bám lấy Sophie, khởi động hàng loạt những sự kiện siêu nhiên với ý đồ sát hại cô bé. Annabelle phải chạy đua với thời gian để cứu lấy tính mạng của cháu gái. Vì khi giai điệu của hộp nhạc kết thúc, Lania sẽ lấy mạng Sophie.
Mới nghe qua, Hộp Nhạc Ma Quái - The Music Box hiện lên như một bộ phim hấp dẫn.
Quả thật, Hộp Nhạc Ma Quái có phần mở đầu khá tốt bằng màn giết chóc của vong hồn Lania. Cô bé Jade – nạn nhân đầu tiên của hộp nhạc ma ám – bị Lania siết cổ đến chết. Dù không quay cận cảnh, từng tiếng thở đứt quãng đau đớn của cô bé hòa vào giai điệu ớn lạnh của hộp nhạc khiến người xem nổi gai óc. Nhưng càng về sau cảm giác đáng sợ, hồi hộp mà phim đã cố công gầy dựng ban đầu cứ chết dần chết mòn trên tiết tấu chậm đến phát bực.
Điểm cộng duy nhất của bộ phim đến từ những pha hù dọa đã trở thành kinh điển đến sáo mòn trong thể loại kinh dị.
Ánh đèn chớp tắt. bóng người ẩn hiện, một ngôi nhà cổ kính với hành lang dài tăm tối, tiếng động phát ra ở chốn không người, các sự vật tự động di chuyển, cái bóng ám ảnh in lên tường, sự hiện hữu đằng sau của một linh hồn, tiếng cười khúc khích của trẻ em trong góc tối… Đạo diễn tận dụng nhưng góc quay hẹp và lia máy cận cảnh khiến không gian trở nên ngột ngạt. Chính sự eo hẹp của các cảnh quay làm cho khán giả cảm thấy nhân vật sẽ không có đường thoát thân nếu có xảy ra bất trắc. Không ngoài dự đoán, sau những hiệu ứng âm thanh và phông nền tối, các màn jump-scare lập tức diễn ra. Những pha hù dọa như vậy dù đã trở nên quen thuộc với các tín đồ phim kinh dị nhưng lần nào cũng đạt được mục đích cuối cùng: làm người xem sợ chết khiếp dù biết trước tình hình.
Nhưng chỉ có nhát ma thì không đủ làm nên một bộ phim hay. Điều đó còn phụ thuộc vào yếu tố diễn xuất và kịch bản - hai yếu tố quan trọng mà Hộp Nhạc Ma Quái thiếu trầm trọng.
Kịch bản của phim dông dài và đầy những chi tiết mâu thuẫn.
Ở giai đoạn đầu, diễn biến phim chậm rãi được các pha hù dọa nhấn nhá với mục tiêu xây dựng nhân vật Annabelle, giải thích lí do cô bé Sophie phải sống với dì, làm hợp lí sự xuất hiện của hộp nhạc. Các gạch đầu dòng trên đều quy về một mục đích chính là tạo không gian ma ám và làm tiền đề cho phần cao trào. Thông thường, nếu có màn mở đầu như vậy, thì càng về sau tiết tấu phim phải càng dồn dập. Vậy mà, Hộp Nhạc Ma Quái cứ rề rà chuyển cảnh rồi lâu lâu lại tung ra những pha nhát ma. Giờ thì các pha jump-scare đã mất đi tính sợ hãi, trở thành yếu tố xuất hiện cho có.
Bà đồng Nills – phiên bản nhái, vàng hoe của Lorraine Warren – sau một hồi chứng tỏ sự am hiểu của bản thân về thế lực siêu nhiên lại lấy câu “Tôi không biết” để trả lời cho giải pháp giải quyết vấn đề. Chuyện càng trở nên rối rắm hơn khi bà giải thích cho Annabelle rằng căn phòng gác mái là nơi an toàn nhất trong nhà vì được khắc ấn kí bảo vệ. Ở cuối phim, vong hồn Lania chỉ có thể làm bật cửa chứ không thể bước vào để hại Sophie. Trong khi vừa đầu phim, khi Annabelle đang xem xét nội thất trong chính căn gác mái này thì Lania lại có thể thoải mái đứng ở góc phòng chờ đợi máy quay xoay đến mình.
Bà White – người chủ đã mất của căn nhà – được mô tả là một bà đồng mạnh mẽ lại chọn cách xuất hiện sau khi bà Nills ra về để rồi chỉ Annabelle đến một manh mối khác. Manh mối này lại dẫn cô đến người mẹ của Jade. Sau một hồi ngồi hồi tưởng và giải thích động cơ của Lania, vấn đề làm sao để thoát khỏi vong hồn này lại bị bỏ ngõ. Cả người mẹ và bà đồng White không đưa ra được bất cứ giải pháp nào để cứu lấy một đứa bé sáu tuổi đang cận kề cái chết. Điều đáng nói ở đây là tại sao bà White không liên lạc với Annabelle ngay trong buổi cầu cơ, nhất là khi Nills, một người đồng nghiệp am hiểu thế lực siêu nhiên, đang hiện diện ở đó để giúp đỡ cô? Tại sao bà không để lại bất cứ giải pháp nào để trấn áp Lania trong khi lại ghi chép tỉ mỉ về thân thế của hộp nhạc và chôn nó trong vườn của mình? Trò chơi thám tử này ở đoạn sau là một nỗ lực tệ hại kéo dài bộ phim đang lâm vào bế tắc.
Đoạn cao trào cuối cùng cũng ập đến sau đoạn giải thích của người mẹ rồi kéo dài đến chưa đầy… 5 phút.
Giải pháp để trấn áp vong hồn của Lania là… chôn lại hộp nhạc xuống đất. Nhưng không phải Annabelle đã chôn nó một lần rồi sao? Không. Lần đó không tính vì cô đã đào lên lại để đưa cho bà Nills xem xét. Nhưng lần chôn cuối phim lại có tác dụng ngay tức khắc.
Đoạn kết phim khiến tất cả những ấn tượng tốt đẹp ít ỏi về bộ phim mất sạch sau 100 phút ngồi vật vã với Hộp Nhạc Ma Quái. Cái kết vô duyên của phim làm tôi nhớ lại một bộ phim khác dở không kém – Búp Bê Phù Thủy(2017) với cái kết tương tự không thể kém duyên hơn.
Diễn viên – nhân tố hài hước của phim
Antonio Lujak vào vai Loris – bác sĩ tâm lý của Sophie – có lối diễn xuất trái ngược hoàn toàn với diện mạo lãng tử của mình. Nét mặt cố gắng biểu đạt cảm xúc trong khi giọng nói bằng phẳng không chút nhấn nhá khiến người xem phải bật cười dù anh đang diễn phân cảnh rất quan trọng như phân cảnh máy quay trị liệu của anh đã quay được vong hồn quỷ dữ đang bám lấy Sophie. Sự mâu thuẫn giữa biểu cảm khuôn mặt và giọng nói đều đều không sỏi tiếng Anh giả tạo vô tình biến Loris thành cây hài bất đắc dĩ cho phim. Thật đáng quan ngại khi sự xuất hiện của anh làm cả rạp phá lên cười trong khi nam diễn viên toàn thực hiện những phân cảnh nghiêm túc.
Rachel Daigh sẽ muốn quên đi màn trình diễn của mình nếu cô có dịp xem lại phim này. Mắc phải những lỗi tương tự như bạn diễn Antonio, Rachel sẽ khắc họa một Annabelle lạc lối, mệt mỏi với trách nhiệm nuôi dạy cháu gái khá thành công với điều kiện… cô không nói bất cứ lời thoại hay cố gắng biểu đạt bất cứ cảm xúc nào. Bởi càng cố làm điều đó, vai diễn càng trở nên giả tạo. Điều an ủi duy nhất là diễn xuất của cô có cải thiện dần khi phim ngày càng đi về cái kết.
Mối quan hệ giữa các nhân vật cũng vì thế mà trở nên gượng gạo. Giữa Annabelle và Loris không hề có một chút sự đồng điệu tâm hồn hay các dấu hiệu cho thấy có sự lãng mạng giữa hai người. Annabelle chỉ mới gặp Loris không lâu. Nhưng rồi cả hai lại vồ vập nhau ngay sau khi trở về từ nhà bà Nills. Đạo diễn John Real đang cố đeo bám công thức của một bộ phim mà nữ chính bắt buộc phải có đối tượng yêu đương. Hậu quả là sự kết nối giữa nữ chính và nam phụ trở nên nửa vời và vô nghĩa. Mối quan hệ dì – cháu cũng bị mất đi sự sâu sắc khi gặp phải diễn xuất của dàn diễn viên như thế này.
Hộp Nhạc Ma Quái (2018) không thể tiếp nối thành công của những phim kinh dị mang chủ đề tương tự. Sự yếu kém về kịch bản và cả dàn diễn viên chính lẫn phụ khiến bộ phim trở thành cực hình sinh ra từ sự lười biếng từ khâu dàn dựng đến diễn xuất. Đoạn trailer đặc sắc của phim là một sự cứu rỗi đối với người xem. Vì ít ra, họ không phải trải qua 100 phút nhàm chán cũng hiểu hết cốt truyện.