[REVIEW] Khử Nghiệp (Tailgate)
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
Khử Nghiệp đơn giản là ức chế.
Khử Nghiệp (Tailgate) là một phim kinh dị có ý tưởng với nhiều cảm xúc, nhưng phần lớn là ức chế với một gã chồng không mấy thông minh.
Khử Nghiệp là một phim kinh dị, tâm lý, giật gân của Hà Lan, kể về một gia đình trung lưu rất đỗi bình thường đang lên đường về thăm ông bà của sắp nhỏ. Nhưng họ khởi hành muộn hơn so với dự kiến, nên người chồng Hans đã phải chạy quá tốc độ để kịp về thăm nhà. Mọi chuyện có vẻ căng thẳng khi mẹ anh ta không ngừng gọi điện hối thúc con trai. Rồi Hans nhấn ga, và tạt đầu xe một tài xế khác trên cao tốc, nhưng chính hành động gây hấn của anh ta khiến tài xế ấy nhớ mặt. Từ đây, cuộc rượt đuổi giữa hai bên bắt đầu. Một bên là những con người bình thường, bên kia là tên sát nhân hàng loạt nung nấu nỗi ám ảnh với luật lệ.
Dù buồn cười là thế, Khử Nghiệp vẫn là một phim kinh dị, với pha xử lý khá cồng kềnh không kém phần kịch tính vào lúc đầu. Nội dung của bộ phim này không có gì nhiều để đào sâu. Nó chỉ gói gọn trong một buổi sáng, dưới cái nắng của một ngày Hà Lan đẹp trời. Bù trừ cho cái nông của kịch bản là mặt kỹ thuật khá tốt. Đây rõ ràng là một phim kinh phí thấp với bối cảnh đơn giản, nhưng phong cách dàn dựng tình tiết hiệu quả bảo đảm thông điệp của phim được hiểu.
Khử Nghiệp là một phim gọn gàng và sạch sẽ, rất ít máu dù phản diện chính là một kẻ sát nhân hàng loạt. Đây cũng là một phim kinh dị kỳ quặc với các nhân vật hầu hết đều là các công dân tuân thủ luật lệ. Điều ngang trái ở đây là kẻ sát nhân chắc hẳn là kẻ gương mẫu nhất với thói quen bật đèn xe báo hiệu ở các ngã rẽ, tuân thủ quy định an toàn làm việc với hóa chất và thậm chí sử dụng biển báo khi dừng xe. Trong khi đó, con mồi của ông ta lại “lên dĩa” vì vi phạm những điều luật chung. Mở đầu bằng cuộc truy sát một người chạy xe đạp đã vi phạm…gì đó – nhưng chắc chắn là khá nhỏ vì đây là nước Hà Lan, đã khẳng định tông giọng có phần hài hước u ám của phim.
Sang đến nhân vật chính, nghĩ đến anh ta phải bỏ mạng cùng vợ và 2 đứa con gái nhỏ vì lỡ tạt đầu xe ai đó không thể trái ngang và quái đản hơn. So với những sinh viên đã lỡ tông người hay đi lạc vào địa phận của những kẻ ăn thịt người của điện ảnh Hollywood, nguyên nhân cái chết này sao mà buồn cười và…đáng đời. Có gì đó rất thỏa mãn chứng kiến sự chật vật của Hans trước cơn thịnh nộ của Ed – tên sát nhân. Sững sờ trước một tội ác lớn là chuyện quá bình thường, chúng ta, con người hiện đại, dễ nổi đóa trước những hành động chỉ được xem là lông gà, vỏ tỏi. Và có vẻ như Khử Nghiệp đang thỏa ước nguyện đen tối của ta mỗi khi có kẻ bấm còi ở nơi dừng đèn đỏ, nhưng trên một phương diện khác, cả nỗi sợ khi bản thân là kẻ hành xử tương tự.
Cô đọng lại, tiền đề của Khử Nghiệp chỉ gói gọn trong câu “định luật quả táo chẳng chừa một ai”. Người xem hoàn toàn có thể cổ vũ cho cái chết của nhân vật nam chính với tất cả sự hả hê. Hans là tổ hợp hoàn hảo của những tính nết đáng ghét xuất phát từ tính nam độc hại và hành động ngu xuẩn hại cả gia đình. Hắn ta là cội nguồn của mọi sự ức chế mà phim để lại mỗi khi kịch bản đến chỗ “quay xe” khá gắt. Bực bội là thứ mà Hans ban phát cho mọi người ở phim và cả khán giả cũng không tránh được sự hào phóng của anh ta, khiến bạn muốn nhảy cẫng lên trước những quyết định phi logic và cái tôi đàn ông nhỏ mọn. Tuy nhiên, nếu các phim tương tự đến từ Hollywood, Khử Nghiệp sẽ khó để làm hài lòng người xem.
Có ý tưởng là thế, nhưng truyền thuyết thành thị mang tên Khử Nghiệp không xuất sắc cho lắm và có độ bền bỉ kém. Nó gặp khó khăn khi cố làm khán giả sợ hoặc kinh hãi bất chấp nhạc nền dồn dập và sự đeo bám nhiệt tình của tên sát nhân mang nhiều nét tương tự với Michael Myers. Khử Nghiệp làm rất tốt ở khâu kể, với ngôn ngữ điện ảnh mạch lạc diễn hoạt các tình tiết bằng hình ảnh thay cho lời nói, nhưng nó không thể ngắt nhịp, thêm thắt hay “chạy” nhịp phim với hiệu quả tương tự. Toàn bộ bộ phim dàn trải từ đầu cho đến đoạn cao trào rất cần sự bùng nổ. Khái niệm rượt đuổi như mèo vờn chuột ban đầu mang lại nhiều cảm xúc lẫn sự hào hứng. Nhưng lâu dần, do không thể sử dụng hiệu quả các yếu tố hù dọa và màn đối đầu chóng vánh khiến Khử Nghiệp không thể vượt lên cái mác trung bình.
Tựu trung lại là Khử Nghiệp khá giống với những câu chuyện ngụ ngôn với ý định răn đe người đọc nên ứng xử cho tốt với người xung quanh, không chừng nó sẽ cứu bạn khỏi hiểm cảnh. Vì giờ chẳng nhận ra ai là ma, ai là quỷ. Nhưng chỉ với ý tưởng này, bộ phim cần nhiều hơn nữa để trở nên tốt hơn. Thật tình thì phim phù hợp với những ai hứng thú với kỹ thuật điện ảnh hơn là kịch bản. Đúng là phim có kịch bản tử tế thật, nhưng xuất sắc không phải từ dành cho nó.