[CẢM NHẬN] La Sinh Môn – Rốt cuộc là câu chuyện về chân lý hay nhân tính?

Đánh giá phim · VLynd ·

Dưới góc nhìn trinh thám hay cảm nhận nhân tính, La Sinh Môn đều làm hài lòng những khán giả khó tính nhất.

Cách đây gần 70 năm, đạo diễn Kurosawa Akira đã trình làng đến thế giới tác phẩm kinh điển Rashōmon (La Sinh Môn) và đưa điện ảnh Nhật Bản lên một cao tầm mới. Không chỉ thắng giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venezia, La Sinh Môn còn vinh quang đem về một giải Oscar danh dự (tương đương hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất hiện nay). Với cách kể truyện độc đáo, La Sinh Môn có sức ảnh hưởng đến những bộ phim sau này. Tuy ra mắt vào năm 1950 với một số hạn chế nhưng khán giả sẽ dễ dàng bị lôi cuốn theo mạch phim ly kỳ.

Mở đầu bằng một cảnh mưa rơi tầm tã ở ngôi đền La Sinh Môn bỏ hoang, một lữ khách ghé vào trú mưa và nghe câu chuyện án mạng lạ lùng nhất từ bác tiều phu và vị sư thầy. Cùng một xác chết của samurai, cùng một người phụ nữ bị cưỡng hiếp và cùng một tên cướp Tajōmaru khét tiếng nhưng vụ án lại rơi vào bế tắc khi lời khai của ba người đều khác nhau và ai cũng hợp lý. Tên cướp Tajōmaru kể rằng, vì quá si mê nhan sắc người vợ của samurai mà lừa trói anh ta hòng chiếm đoạt cô vợ, về sau chính hắn có một cuộc giao đấu với samurai theo lời năn nỉ thiết tha của cô vợ và kết liễu anh ta bằng cây kiếm của hắn. Tuy nhiên, cô vợ lại kể rằng sau khi bị Tajōmaru làm nhục trước mặt chồng, vì quá đau khổ trước ánh nhìn khinh bỉ của người mà mình yêu thương nên đã trót dùng dao đâm vào ngực anh trong cơn hoảng loạn. Sự việc ngày càng trở nên rối ren hơn khi anh samurai nhập hồn vào bà đồng và kể lại rằng chính anh không thể chấp nhận nổi những lời xảo trá mà vợ anh dành cho tên cướp nên đã tự vẫn trong uất ức. Vụ án vẫn rơi vào bế tắc, thậm chí vào những phút gần cuối, bác tiều phu tiết lộ rằng chính bác đã chứng kiến hết mọi chuyện và câu chuyện đó cũng không giống như ba người kia kể lại, nhưng bác đã không dám kể trước quan toà và lời khai đó cũng không hẳn là sự thật. Câu chuyện về chân lý vẫn luôn là một dấu hỏi to đùng dành cho khán giả. Xét theo diễn biến và tâm lý của ba nhân vật trong án mạng, lời khai của họ đều rất hợp lý. Chính vì thế, khán giả phải tự định đoạt điều mà họ ưng ý nhất.

Quả là một ý tưởng xuất sắc khi câu chuyện vẫn còn bỏ ngỏ, sự thật là do khán giả quyết định và phim không hề xác định đâu mới là câu chuyện chính xác. Mỗi người có thể suy luận theo hướng mà họ muốn theo quan điểm nhân sinh quan của cá nhân. Cái mà đạo diễn Akira muốn truyền tải chính là nhân tính. Ông đã khéo léo khi cài cắm sự hiện diện của nhà sư. Trong cảnh mở đầu phim, sư thầy trầm ngâm khi ngẫm nghĩ về cái chết của con người. Nhà sư cho rằng, hàng triệu cái chết của con người do thiên tai, bệnh dịch cũng không sao sánh bằng sự bất nhơn như câu chuyện mà ông vừa chứng kiến. Ông bất bình trước tình cảnh con người sống nhưng không tin tưởng lẫn nhau.

Trước hết là tình hình hôn nhân của hai vợ chồng. Qua những khung hình, khán giả dễ nhận ra đây là một đôi rất hạnh phúc cùng đi dạo trong rừng tràn ngập niềm vui. Thế nhưng, khi chuyện không hay xảy ra, thái độ của hai người trở nên khác hẳn. Người chồng không khỏi ném ánh mắt khinh bỉ trước sự mềm yếu của vợ và trái lại, người vợ để bảo toàn tiết hạnh mà không ngần ngại yêu cầu tên cướp giết chồng mình nhân danh luân lý. Về phía tên cướp, hắn có thể nói những lời ngon ngọt với cô vợ nhưng sẵn sàng trở mặt, cho rằng cô ta cũng như bao ả đàn bà khác, coi thường người phụ nữ mà hắn vừa hãm hại và thề thốt. Đỉnh điểm là trước cảnh đứa trẻ sơ sinh bị bỏ hoang, người khách vãng lai đã chiếm đoạt bộ kimono – vật duy nhất đi cùng đứa bé với lý do “cha mẹ nó vui vẻ rồi bỏ bê nó” nên chúng ta cũng không khác gì. Trước những tình huống đó, không khán giả nào không có thái độ bất bình, mất niềm tin vào tình người như nhà sư. Không cần một tình huống quá đau thương như thiên tai, chỉ cần sự cố nhỏ mà con người dễ dàng trở mặt với nhau vì lợi ích cá nhân. Phải chăng, “không ích kỷ thì ông không sống được” trong cái xã hội nhiễu loạn này? Con người sẵn sàng đánh mất nhân tính vì lợi ích cá nhân đến thế sao?

Một yếu tố khác khiến người xem trăn trở không kém chính là sự trọng nam khinh nữ khắc nghiệt trong xã hội Nhật Bản ngày xưa. Rõ ràng một người phụ nữ tay yếu chân mềm dù có chống cự cỡ nào cũng không thắng nổi tên cướp hung bạo. Đau đớn thay, người chồng lại không buồn xót thương mà vội coi thường sự yếu đuối của người vợ mà trước đó anh hết mực thương yêu. Dẫu biết tiết hạnh là một điều vô cùng quan trọng nhưng phụ nữ trở nên rẻ rúng trước điều mà họ không thể chống cự lại dễ dàng đến thế sao? Nếu thế, việc người vợ quẫn trí mà kết liễu mạng chồng cũng là một điều hợp lý. Bên cạnh đó, dù yêu thương hay ham muốn người vợ, nhưng khi thân thể của cô đã qua tay hai người đàn ông, họ liền trở mặt. Dù là tự sát hay giết người, cả tên cướp lẫn người chồng đều bảo vệ danh dự cho đàn ông mà chà đạp lên nhân cách của phụ nữ. Tình tiết phim diễn ra một cách chậm rãi không chỉ để các nhân vật suy diễn mà còn là những giây phút trầm lắng cho khán giả suy ngẫm.

May mắn là phim có một cái kết rất nhân văn. Nếu để ý, ngay từ cảnh mở đầu, tiếng nhạc nền dồn dập, rùng rợn cùng cơn mưa xối xả. Xuyên suốt bộ phim, mưa không có dấu hiệu ngớt. Trong mưa là những cơn gió giật dữ dội tương ứng với những tình huống phi nhân tính qua lời kể của các nhân vật, dù hiện trường là một ngày nắng đẹp. Khi bác tiều phu khổ hạnh quyết định đưa đứa bé về nuôi dù hoàn cảnh khó khăn, cơn mưa liền chấm dứt, niềm tin về tình người trở lại với sư thầy.

Bên cạnh đạo diễn, không thể phủ nhận diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên. Nếu sự điên loạn của tên cướp Tajōmaru khiến người xem rùng mình, ánh nhìn đau khổ và khinh bỉ của người chồng cũng lạnh người không kém. Trong vai người vợ, Machiko Kyô đã hoàn thành xuất sắc sự chuyển biến tâm lý, khi thì bàng hoàng, xấu hổ trước sự xâm hại, khi thì hung tợn chống trả và đỉnh điểm là vẻ mặt lẳng lơ khi van xin Tajōmaru giết chồng. Cô hoàn toàn có lý khi nói “Phụ nữ yêu đàn ông bằng cả trái tim. Và đàn ông phải giành được phụ nữ bằng thanh kiếm.” Rõ ràng, cô không hề quên giá trị đức hạnh của bản thân.

Dù là dưới góc nhìn trinh thám hay cảm nhận nhân tính, La Sinh Môn đều làm hài lòng những khán giả khó tính nhất. Tình tiết chậm rãi là thế, nhưng e rằng bạn sẽ không muốn bỏ lỡ bất kỳ phút giây nào và hơn hết, nếu chỉ coi phim 1 lần mà đã vội đánh giá, e rằng bạn chưa cảm nhận hết toàn bộ lớp lang ý nghĩa mà La Sinh Môn truyền tải.