[REVIEW] Nhà Số 81 Kinh Thành – Sẽ phù hợp hơn nếu là một bộ phim tâm lý gia đình
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Genis ·
Sau khi Nhà Số 81 Kinh Thành kết thúc, bộ phim vẫn không thoát khỏi những các lắc đầu, những cái chép miệng đầy ngán ngẫm của người xem.
Điện ảnh Trung Quốc vốn không mạnh về thể loại kinh dị như Thái Lan hay Nhật Bản nên dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước khi bước vào rạp nhưng sau khi Nhà Số 81 Kinh Thành kết thúc, bộ phim vẫn không thoát khỏi những cái lắc đầu, những cái chép miệng đầy ngán ngẫm của người xem.
Bỏ qua việc đây chỉ là bộ phim kinh phí thấp, không sử dụng nhiều kỹ xảo ấn tượng thì nội dung cũng phải nói là sơ sài như của một tay mơ mới tập viết kịch bản. Mọi chuyện bắt đầu từ sự hiếm muộn của một cặp vợ chồng cách đây khoảng 100 năm và người chồng là một tướng quân có chức vị khá cao trong hàng ngũ quân đội nên việc không sinh được con trai nối dõi là một điều đáng hổ thẹn. Từ đấy dẫn đến việc người chồng bị ép phải lấy vợ lẻ vừa để sinh con vừa để kết giao quyền lực giữa hai gia đình. Người vợ lớn không lâu sau đó đã chết trong oan khuất và hóa thành ám hồn giết chết tất cả người trong nhà rồi ám lên toàn bộ ngôi nhà ấy cho đến tận ngày nay. Một cặp vợ chồng trong lúc dọn đến đây ở tạm thì người vợ bắt đầu gặp những hiện tượng kỳ lạ và những bí mật kinh hoàng dần được hé lộ.
Nội dung không mới cũng không cũ đối với với dòng phim này nhưng điểm mấu chốt cho sự thất bại ở đây chính là do tác giả đã dựng nên một kịch bản vừa lê thê vừa rối rắm khiến người xem khi theo dõi cảm thấy mệt mỏi. Đạo diễn Tiền Nhân Hào chọn cách kể chuyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ rất phù hợp với kịch bản, nhưng sự chuyển cảnh giữa 2 thời điểm một cách đột ngột, thiếu logic làm khán giả đang theo dõi phải ngây người ra. Lồng vào đó lại còn nhiều tình tiết khiến tôi cảm thấy khó hiểu khi cứ nghĩ rằng nó sẽ phải ít nhất là đóng một vai trò hay có một ý nghĩa nào đó nhất định thì té ra đến cuối phim tôi mới nhận ra đó là những tình tiết dư thừa hoặc không được đạo diễn giải thích. Tiêu biểu trong số đó là nhân vật cậu bé Tư Nam xuất hiện ngay từ đầu phim làm tôi nghĩ rằng đây hẳn là nhân vật đóng vai trò khá lớn khi có thể nhìn thấy hồn ma. Nhưng thật ra khi xem đến hết phim thì có thể bạn sẽ tự hỏi nếu không xuất hiện nhân vật này thì liệu nội dung có khác đi không? Thứ quan trọng nhất là các tình tiết kinh dị thì lại quá bình thường. Đối với những người xem thể loại này nhiều một tí thì hoàn toàn có thể đoán được khi tới đâu sẽ có những cảnh dọa ma cùng âm thanh giật bắn người. Như thế thì đâu còn gì gọi là kinh dị nữa mà phải gọi là hài thì đúng hơn.
Thật sự mà nói nếu đây là một bộ phim thuần tâm lý thì sẽ hợp lý hơn rất nhiều. Hiếm muộn hay vô sinh là vấn đề gây rạn nứt cho rất nhiều cặp vợ chồng không chỉ có ở thời xưa mà thậm chí ngày nay còn nhiều hơn. Các yếu tố kinh dị hoàn toàn không cần thiết mà ngược lại bộ phim nghiêng hẳn hơn về những vấn đề trong hôn nhân. Có một tình tiết trong phim được nhắc đến đó là: khi người vợ không thể ở bên lo lắng thì người đàn ông sẽ dễ dàng rơi vào vòng tay của người phụ tiếp xúc với anh ta mỗi ngày. Sự nghi ngờ về lòng chung thủy của người vợ đối với chồng mình, kết hợp vấn đề nêu trên sẽ là một kịch bản hoàn hảo về những thử thách trong hôn nhân. Nhưng có lẽ sử dụng đề tài này để làm phim sẽ không gây tò mò, đặc biệt khi phần 1 của nó lại gây được ấn tượng lớn với khán giả, và kết quả là một bộ phim với một thất bại toàn diện ra đời.
Mong rằng các nhà sản xuất và đạo diễn qua thất bại lần này sẽ cho ra đời những sản phẩm tinh thần hấp dẫn được người xem hơn và không nhất thiết cứ phải là kinh dị.