[REVIEW] Nobody Knows – Nếu không thể có trách nhiệm, thì làm ơn đừng sanh con đẻ cái

Đánh giá phim · Maii ·

Nobody Knows là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc cha mẹ thích sanh đẻ vô tội vạ, rồi phó mặc con cho số phận vì tin rằng “Trời sinh voi, ắt sẽ sinh cỏ”.

Kéo xuống để xem tiếp

Nobody Knows – Không Ai Biết là tựa phim Nhật Bản của đạo diễn Hirokazu Koreeda, người vừa được giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes năm nay xướng tên với tác phẩm Shoplifters. Still Walking; Like Father, Like Son; After The Storm cũng là những phim nổi tiếng khác của ông. Phong cách làm phim thường thấy của Koreeda là những câu chuyện về những mảnh đời bình thường, nhưng ẩn sau vẻ nhẹ nhàng trong các bộ phim ấy là các thông điệp sâu sắc và nhức nhối hơn về gia đình, xã hội…

Nobody Knows là một trong những phim tiêu biểu của Hirokazu Koreeda, lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, nhưng những tình tiết và nhân vật đều là hư cấu. Xoay quanh một gia đình gồm bốn đứa trẻ là Akira Fukushima (Yuya Yagira), Kyoko (Ayu Kitaura), Shigeru (Hiei Kimura), Yuki (Momoko Shimizu) lớn lên mà không có sự chăm sóc và tình yêu thương đúng nghĩa từ gia đình.

Mặc dù được đạo diễn chia sẻ rằng ông không muốn làm một bộ phim đẫm nước mắt theo kiểu thường thấy trong các phim Nhật cùng thể loại, nhưng nét nhẹ nhàng, không bi lụy và sáng sủa của bộ phim lại khiến sự bi kịch ngầm trong phim được nhấn mạnh lên gấp nhiều lần.

Nobody Knows là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc cha mẹ thích sanh đẻ vô tội vạ, rồi phó mặc con cho số phận vì tin rằng “Trời sinh voi, ắt sẽ sinh cỏ”. Những đứa trẻ này có một người mẹ tên Keiko, điệu đà, thích ăn vận, thường ra khỏi nhà từ sáng sớm và về khi trời đã tối mịt. Từ việc đi vắng vài ba ngày, Keiko đi cả tháng và cuối cùng là mãi không về. Mọi việc trong nhà giao lại cho đứa con trai lớn là Akira, từ việc mua sắm, nấu nướng, chăm sóc mấy đứa em, tính toán thu chi trong nhà, giặt giũ…

Một đứa trẻ 12 tuổi viết chưa sõi tiếng Nhật phải ngồi tính xem hôm nay chi hết bao nhiêu, tài khoản còn bao nhiêu tiền, hôm nào mẹ về, hôm nay đành mượn tiền ai vì trong túi không còn đồng nào… trong khi xung quanh nó, những đứa trẻ khác được bay nhảy, được cười đùa, được đến trường, có bạn bè và sống không lo âu về việc ngày mai phải ăn gì.

Có người nói Keiko cũng là một nhân vật đáng thương, và rằng đôi khi cô có lý do để biến mất, để bỏ đi như thế. Nhưng tôi cho rằng không lẽ gì phải biện minh cho nhân vật này cả. Gia đình là tế bào của xã hội và những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình là thế hệ kế tiếp, những người sẽ kế thừa, sẽ phát huy những tinh hoa của thế hệ đi trước, nhưng nếu lầm đường lạc lối, sẽ dễ trở thành những phần tử phá hoại trong tương lai, như những đứa trẻ chuyên ăn cắp vặt hoặc hay lợi dụng mà Akira vì quá tuyệt vọng mà phải gọi là bạn.

Nếu không thể có trách nhiệm với đứa con của mình, thì đừng sanh làm gì. Đằng này Keiko còn đẻ tận 4 đứa, sau đó đi mãi không về, để mặc con mình ra sao thì ra. Cô ta chỉ dặn con mình không được làm ồn, không được đi ra ngoài, không cho con đi học, nếu hết tiền thì đi mượn…

Đầu phim, Akira và mấy đứa em đầu tóc vẫn còn gọn gàng, quần áo vẫn còn tinh tươm, đến cuối phim, đứa nào cũng đều lấm lem, rách rưới, bẩn thỉu, nhà thì nồng mùi rác và kết phim, đứa út đã không còn. Trước khi những dòng credit hiện lên, người ta thấy chúng lại tiếp tục đi về phía xa trong bộ dạng lôi thôi ấy, chẳng ai biết số phận của những đứa trẻ này sẽ về đâu, chúng ngủ ở đâu, hôm nay chúng ăn gì, đã tắm chưa, có học được chữ nào không… Không ai biết và có lẽ cũng chẳng mấy ai quan tâm.

Từng hành động nhỏ nhặt như sơn móng tay, những bức vẽ nghuệch ngoạc, cảnh trồng cây của mấy đứa trẻ, cảnh Akira trong bộ dạng lếch thếch, nhìn ngắm những đứa trẻ khác trong bộ đồng phục tinh tươm với đôi mắt thèm thuồng, cảnh mấy anh em chạy dưới ánh nắng, ngang những cây hoa anh đào đang nở rộ… đều mang một ý nghĩa nhất định, góp phần làm nội dung phim thêm buồn mặc cho nét tươi sáng của những khung hình ấy.

Nobody Knows không phải phim dễ coi, mặc dù cốt truyện phim chẳng có gì phức tạp. Chính vì nét quá bình thường và nỗi đau ngầm ẩn của phim khiến người ta khó cảm thụ. Đây không phải là phim để đơn thuần giải trí mà được dùng để truyền tải thông điệp xã hội, để đặt ra một câu hỏi ý nhị về tương lai của những đứa trẻ không cha, không mẹ hoặc nếu có thì cũng như không.