Review Oan Hồn Báo Án - Nỗ lực đưa một vụ án ám ảnh lên màn ảnh rộng
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
Oan Hồn Báo Án (Vina: Before 7 Days) đã nỗ lực tái hiện vụ án mạng ám ảnh, nhưng cách thực hiện quá "non".
Oan Hồn Báo Án (Vina: Before 7 Days) tái hiện khía cạnh ma mị của một vụ án có thật từng rúng động Indonesia. Kết hợp giữa trinh thám và kinh dị nhập hồn, bộ phim rõ ràng là có ý tưởng. Chỉ là thiếu vắng ngôn ngữ điện ảnh khiến bộ phim không thể phát huy được tiềm năng của nó.
Dựa trên một sự kiện có thật vẫn còn gây tranh cãi
Mở đầu đầy đủ yếu tố trinh thám, kinh dị, tư liệu
Oan Hồn Báo Án có thể nói là theo sát các chi tiết được công bố lẫn khuất mắt của sự kiện ngoài đời. Vụ án thực tế được báo cáo là có sự hiện diện của yếu tố tâm linh. Người nhà của nạn nhân xác nhận Vina thật đã hiện hồn và nhập xác vào bạn thân để tố cáo kẻ thủ ác. Lời buộc tội của “vong hồn Vina” được xác nhận bởi kết quả pháp y.
Nên theo một cách nhìn, bộ phim này hiện lên như một phiên bản phim tư liệu được cường điệu hóa. Nó sắp xếp lại các chi tiết như một câu đố, sau đó thúc đẩy một nhân vật để dấn thân gỡ bỏ khúc mắc. Nhân vật đó là dẫn dắt khán giả vào câu chuyện. Ở đây, khúc mắc là sự hiện hồn ám ảnh của nạn nhân. Từ những màn xuất hiện bên kia nấm mồ, phim thiết lập yếu tố kinh dị.
Oan Hồn Báo Án vì thế mở màn khá thú vị, ngay cả khi khán giả đọc qua vụ án. Sự tò mò nằm ở yếu tố tâm linh bí ẩn. Bộ phim sẽ thể hiện điều đó như thế nào? Yếu tố trinh thám làm phim thêm hào hứng, nhất là khi nó được dìu dắt bởi yếu tố kinh dị. Nó đã hứa hẹn một màn điều tra ma mị, rùng rợn, đẫm nước mắt với thái độ đấu tranh mạnh mẽ của những người ở lại .
Oan Hồn Báo Án chắc chắn làm tốt mảng hù dọa. Jump-scare trong đây là jump-scare truyền thống kết hợp với tín ngưỡng của đất nước Indonesia. Dù vậy, phim ghi điểm khi không lạm dụng hù dọa, mà để chúng xuất hiện đúng lúc, với độ bạo lực tăng dần theo đúng sự thù hằn của nhân vật. Một số màn gây sợ hãi ấy gợi lại những bộ phim trừ tà quỷ ám.
Nhưng tiếp diễn trong nuối tiếc
Vấn đề là Oan Hồn Báo Án không thể tiếp diễn sự hứng thú ban đầu. Bộ phim này có tất cả, từ một nguồn cảm hứng có thật, một bí ẩn tiếp diễn đến nay và sự ám ảnh nặng nề sự kiện mang lại. Nhưng phim lại thiếu mất ngôn ngữ điện ảnh để vạch ra một câu chuyện ma có thể chảy một cách mạch lạc.
Phim ảnh rất khác với chuyện kể. Chúng không phụ thuộc vào con chữ mà sử dụng hình ảnh. Oan Hồn Báo Án trở nên lê thê và mất liên kết khi phụ thuộc vào những lời thoại kể lể, thay vì để hình ảnh lên tiếng. Ngay cả khi những lúc lời thoại không nhiều, những chi tiết lại thiếu tính kết nối.
Câu chuyện trong đây loang ra khắp nơi một cách thiếu kiểm soát và rời rạc. Ngay khi phim nâng cao yếu tố kinh dị, tính trinh thám bị hy sinh một cách khó hiểu. Câu chuyện tiếp diễn trong sự chán nản, đôi lúc được sốc lại với một số pha hù dọa và màn tra tấn tàn bạo sởn gai ốc.
Oan Hồn Báo Án bắt đầu trở nên dễ đoán. Còn những chi tiết được thiết lập nhưng không bao giờ được phát triển để mang về kết quả như mong đợi. Bộ phim cũng xóa mờ sự bí ẩn, cũng như từ bỏ khía cạnh phức tạp của vụ án thực tế. Kể từ đó, bộ phim này không còn hứng thú nữa.
Oan Hồn Báo Án dành cho ai?
Trong làn sóng phim kinh dị Indonesia, Oan Hồn Báo Án có thể nói là dũng cảm khi tiếp cận một sự kiện gây tranh cãi đến vậy. Câu chuyện trong đây rõ ràng là một kịch bản tiềm năng, nếu nó được áp dụng lối làm phim đúng điệu hơn.
Mồ Tra Tấn của một lần nữa chứng tỏ tài kể chuyện nhà làm phim Joko Anwar.Review Mồ Tra Tấn (Grave Torture) - Một phim kinh dị đúng chất Joko Anwar