Review Quỷ Môn Quan: Phong Ấn - Mượn ma quỷ giãi bày tâm sự con người
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·
Trong Quỷ Môn Quan: Phong Ấn ma quỷ chỉ là cái cớ để đạo diễn giãi bày tâm sự về thế giới con người.
Phim ma kinh dị nhưng kẻ thủ ác không phải ma, sự độc ác làm người xem phẫn nộ chính từ hành vi con người và sự sợ hãi nhường chỗ cho nỗi đau lẫn sự chiêm nghiệm về nhân tính. Đã lâu lắm rồi người viết mới thấy hứng thú với một bộ phim Đài Loan đến thế này, trong Quỷ Môn Quan: Phong Ấn (Them, Behind The Door) ma quỷ chỉ là cái cớ để đạo diễn giãi bày tâm sự về thế giới con người.
Quỷ Môn Quan: Phong Ấn (Them, Behind The Door) kể về hành trình Trần Vy (Doãn Ninh/Ivy Yin) dẫn bé Nhã Nhã (Yun Hsieh) chạy trốn khỏi tên chồng hờ tàn độc (do Nghiêm Khải Huân/Kaiser Chuang thủ vai) tại chung cư Hồ Điệp (nơi nổi tiếng bị ma ám ở Đài Loan). Tại đây, Trần Vy liên tục gặp các hiện tượng kỳ lạ, đồng thời bé Nhã Nhã cũng “làm quen” được với một người bạn mới.
Giữa khi cô đơn lạc lõng, Trần Vy và bé Nhã Nhã được sự quan tâm của chàng trai trẻ tự xưng là cháu của quản lý chung cư (Tào Hữu Ninh/Yu Ninh Tsao). Những sự thật đen tối của chung cư Hồ Điệp dần dần được khai mở và Trần Vy phải đứng trước sự lựa chọn sinh tử để bảo vệ cô con gái yêu thương.
Câu chuyện phim Quỷ Môn Quan: Phong Ấn hầu như gói gọn trong tòa chung cư cũ kỹ mục nát và u ám, những con người sống ở đó vì hoàn cảnh quá nghèo không còn nơi tốt hơn để đi nên khi dù rất muốn và biết rõ nơi này bị ma ám họ vẫn buộc lòng bám trụ nơi đây. Cái nghèo và hiện thực cuộc sống còn đáng sợ hơn bị ma quỷ ám.
Có 2 phân cảnh ấn tượng của phim, cảnh thứ nhất khi bà cụ già cùng đứa cháu nội mò mẫm cúng tế dù rất sợ ma, họ buộc phải làm vậy để mong mau chóng bán được căn hộ sinh sống qua ngày. Cảnh 2 là khi Trần Vy được vị đạo sĩ và bà già khuyên rời ngay đi thì cô ngước nhìn Nhã Nhã thở dài. Cuộc sống nghèo túng và bí bức đó níu kéo họ cũng như “bát quái trận đồ” trói buộc những con ma ở lại chung cư Hồ Điệp. Khi 2 con ma buồn rầu cho số phận của Trần Vy và thốt lên “Con người thật đáng sợ” gióng lên một tiếng chuông xé lòng mà có thể mỗi người gặp được trong chốn ta bà đau khổ.
Đạo diễn Joe Chien rất có kinh nghiệm làm các phim kinh dị nên đã chú tâm tạo nên một không khí đậm đặc mùi tử khí và âm u trong Quỷ Môn Quan: Phong Ấn, nơi mà đôi khi khán giả bị lẫn lộn không biết đâu là hiện thực hay cơn mộng ảo vì phê thuốc phiện của Trần Vy, không biết đâu là người sống hay kẻ chết. Rất nhiều tình tiết đan cài từ đầu phim khi kết nối lại tạo thành một bức tranh vừa rõ ràng vừa mơ hồ như vòng lặp mà các vong hồn bị trói chặt với chung cư Hồ Điệp phải lặp đi lặp lại.
Diễn xuất của nữ chính tròn vai khi thể hiện được một người phụ nữ nhạy cảm và biết quan tâm, đủ mạnh mẽ để bảo vệ đứa trẻ mà cô coi như con ruột. Phân đoạn cô òa khóc khi nói với chồng hờ rằng “Anh từng rất tốt với em, chúng ta từng rất hạnh phúc, vì sao chúng ta lại ra nông nổi này?” và một thoáng chóc dịu dàng ngọt ngào ngắn ngủi, chút tủi hổ và hối hận còn sót lại của gã chồng thật sự làm người viết ngợp thở.
Có thể tổng thể chưa quá xuất sắc nhưng các nhà làm phim và các diễn viên đã có những đoạn thật sự ấn tượng và đáng nhớ. Nhân vật gả quản lý chung cư trẻ tuổi do nam diễn viên Tào Hữu Ninh rất xuất sắc. Chúng ta có thể bị dắt mũi rồi ngờ ngợ và cuối cùng hoảng hốt vì từ sự hiền lành, quan tâm ấm áp ban đầu lại có thể hóa thành điều đáng sợ hơn những con ma ở chung cư Hồ Điệp. Nam diễn viên trẻ có sự biến hóa trong tâm lý thuyết phục và phơi bày những góc khuất mà chúng ta hay gọi "lòng người". Khi cơn cuồng điên và cực đoan lên tiếng thì ma quỷ chẳng là gì so với con người.
Quay phim và thiết kế bối cảnh là điểm đáng khen nhất của Quỷ Môn Quan: Phong Ấn, chính cái chung cư cũ kỹ dột nát và âm u đó như bào mòn từng cư dân, và có khi nó là tác nhân làm biến chất con người thành ác quỷ. Những kỹ thuật quay và tạo không khí ám ảnh mà không cần những màn nhảy xổ ra hù của các con ma thật sự rất tốt, nếu được chăm chút hơn về kỹ xảo và âm thanh nữa sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn.
Phần âm thanh, âm nhạc đáng lý ra phải được quan tâm hơn nhưng vì các nhà làm phim chọn lối đi hơi an toàn nên chưa đủ gây ép-phê cho người xem. Kỹ xảo của phim hơi “ba xu”, có thể do kinh phí thấp nên cảnh xuất hiện các các con ma nếu để ý kỹ sẽ thấy còn dây kéo. Thêm vào những cảnh xuất hiện của các con ma hơi đơn điệu và thiếu sáng tạo nên nếu tìm một trải nghiệm kịnh dị mới lạ và sợ hãi thì người xem sẽ thất vọng.
Điều làm người viết đánh giá cao về bộ phim Quỷ Môn Quan: Phong Ấn là cách câu chuyện được mở và kết rất logic và không có chi tiết thừa thãi, nếu xâu chuỗi các tình tiết từ ban đầu thì mọi gợi ý về kết cục của các nhân vật đều đã được lên kế hoạch tỉ mỉ. Kể một câu chuyện ma quái nhưng không phải để nói chuyện ma quái mà về cuộc sống con người và nhân tính.
Có thể nó chưa đủ độ đáng sợ và hơi buồn chán vì bối cảnh đơn điệu nhưng ngẫm lại chính sự bí bách và chật hẹp đó âu cũng là cuộc sống của những con người bất hạnh, cùng khổ phải đối diện và chịu đựng. Quỷ Môn Quan: Phong Ấn sẽ là trải nghiệm điện ảnh thích hợp cho những ai yêu thích dòng phim tâm linh Đài Loan và những giá trị hoài niệm.