[REVIEW] Quý Ông Thế Giới Ngầm
Đánh giá phim · Maii ·
Quý Ông Thế Giới Ngầm - Bộ phim đầy tính giải trí đến từ đạo diễn Guy Ritchie.
Quý Ông Thế Giới Ngầm (The Gentlemen) nhìn chung im hơi lặng tiếng trước các phim nổi trội hơn ra mắt ở phòng vé Việt tuần qua, phần vì là phim đã ra mắt khá lâu trước đó ở Bắc Mỹ, nhưng lại là một trong những phim đáng xem nhất trong tháng.
Quý Ông Thế Giới Ngầm do vị đạo diễn của Aladdin – Guy Ritchie chỉ đạo, người nổi tiếng nhiều phim hợp khẩu vị và thị hiếu của khán giả, dù giới phê bình đôi khi không nghĩ thế. Tuy nhiên, với bộ phim này thì các nhà phê bình khó tính và khán giả đã khá đồng điệu khi có chung mức độ hài lòng đối với bộ phim.
Quý Ông Thế Giới Ngầm là câu chuyện về ông trùm cần sa Mickey Pearson (Matthew McConaughey) đang cố gắng bán đế chế của mình với giá hời nhất để nghỉ hưu và sống an yên với người vợ xinh đẹp Rosaline (Michelle Dockery). Thế nhưng, việc rút lui khỏi thế giới tội phạm của ông trùm có vẻ không đơn giản khi một loạt các sự kiện, nhân vật xuất hiện, cản trở kế hoạch của anh ta. Trở lại với thể loại tội phạm, vốn là thế mạnh của vị đạo diễn, Quý Ông Thế Giới Ngầm mang khán giả với lại với phong cách hài đen (dark comedy), nhịp phim nhanh và đầy tính giải trí.
Điểm thu hút nhất của bộ phim chắc chắn đến từ dàn diễn viên toàn các gương mặt ngôi sao như McConaughey, Charlie Hunnam (vai Ray, cấp dưới của Mickey), Colin Farrell (vai Huấn Luyện Viên), Henry Golding (Mắt Khô), Hugh Grant (Fletcher), Jeremy Strong (Matthew)… Mỗi gương mặt tuy xuất hiện với thời lượng tùy hứng, tùy vai trò, nhưng sự ấn tượng mà họ mang đến không hề thuyên giảm bởi các nhân vật được xây dựng có nhiều đặc điểm rất thú vị. Thật khó để chọn gương mặt nào khiến người viết ấn tượng nhất, nhưng nếu phải chọn, tôi sẽ chọn Charlie Hunnam, sát thủ ưa sạch sẽ với phong cách mỗi khi anh xuất hiện là… có người nhảy lầu. Hugh Grant thể hiện vai diễn gần như khác biệt hoàn toàn với các nhân vật trước đó anh từng hóa thân, Collin Farrell thì hài hước, nổi bật và cá tính, Henry Golding thể hiện rất trọn vẹn nhân vật có phần xốc nổi và không biết tự lượng sức mình. Dù vào vai ông trùm, nhưng với vai diễn Mickey Pearson được đo ni đóng giày cho anh thì nhìn chung, nếu so với các nhân vật khác trong phim, McConaughey lại không ấn tượng bằng.
Nếu đã từng xem qua các phim tương tự của Guy Ritchie như Snatch hay Sherlock Holmes… bạn sẽ thấy Quý Ông Thế Giới Ngầm đặc sệt phong cách của Guy Ritchie với nhịp phim nhanh, thoại chạy liên tục, mang nghĩa nước đôi, thỉnh thoảng còn có những hình vẽ minh họa xuất hiện đầy nhí nhố. Phim được kể theo góc nhìn tường thuật lại của nhân vật Fletcher và Ray, tạo nên tính thú vị riêng của nó khi Fletcher có thể biến tấu câu chuyện theo sự sáng tạo của mình, đồng thời cho phép nhà làm phim chia nhỏ cốt truyện hoặc cố tình làm rối trí khán giả. Đừng lo, đây không phải là một bộ phim nghệ thuật và cách dẫn dắt của phim cũng không có gì khó hiểu lắm, chỉ cần người xem tập trung một chút vào đường dây câu chuyện vì chỉ cần lơ đễnh một chút là bộ phim sẽ trở nên hơi khó hiểu. Phim cũng không thích hợp với các khán giả đã quen với nhịp phim từ từ, chậm rãi, vì để hoàn toàn tương tác được với Quý Ông Thế Giới Ngầm, bạn sẽ theo để mình bị cuốn theo tốc độ khá nhanh của phim.
Với phong cách Anh từ hình ảnh cho đến những câu đùa đậm chất dark humour khi “cà khịa” từ sắc tộc, tên người Việt (đoạn này đã bị cắt khi lên màn ảnh), người Trung nói riêng và người châu Á nói chung… Quý Ông Thế Giới Ngầm có thể khiến nhiều người nhạy cảm thấy bị xúc phạm. Còn nếu hoàn toàn thoải mái với các vấn đề này, bạn sẽ thấy bộ phim thực sự hài hước, nhưng vẫn không kém phần “có gu”. Dù làm khán giả liên tưởng khá nhiều đến Kingsman: The Secret Service (do Matthew Vaughn đạo diễn, người bạn và là người hợp tác cùng Guy Ritchie trong khoảng thời gian đầu sự nghiệp), nhưng Quý Ông Thế Giới Ngầm ít hành động và bạo lực hơn, chủ yếu dựa vào cốt truyện và những yếu tố từ lâu đã làm nên thương hiệu Guy Ritchie để thu hút khán giả.
Tuy vậy, có lẽ do đã quá tập trung vào cốt truyện, thoại, nhân vật… mà một số tiểu tiết bị bỏ qua như bối cảnh và sự thiếu vắng các “lực lượng chức năng” thực thi pháp luật.
Guy Richie vốn đã từng cố gắng làm các phim nghiêm túc và có chiều sâu như Revolver, nhưng đã sớm nhận ra làm một bộ phim như thế có lẽ không phải là thế mạnh của mình khi kết quả thường bị đánh giá là kịch và giả tạo. Nhưng Quý Ông Thế Giới Ngầm không phải là bộ phim cần được nhìn nhận quá nghiêm túc. Phim cũng không có gì bất ngờ và đây cũng không phải là bộ phim sẽ thay đổi nền điện ảnh thế giới hay thay đổi góc nhìn của bạn với các nhân vật hầu như không khác biệt mấy so với các phim khác cùng thể loại. Nó đơn giản là bộ phim cần bạn tập trung và thưởng thức hết mình theo một cách thư giãn và thoải mái nhất.