[REVIEW] Sex/Life (Netflix) - Một series đậm mùi "sex" làm sôi máu người xem
TV Series · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
Sex/Life là một series lãng phí tiềm năng của chính nó.
Kéo xuống để xem tiếp
Sex/Life (Netflix) vừa mới lên sóng cách đây không lâu. Bộ phim này hẳn đang nhắc nhở chúng ta Fifty Shades of Grey không phải là thảm họa như người ta vẫn tưởng. Vì giờ đã có Sex/Life nhận danh hiệu đó (Đừng lo. 365 Days được xem là khủng khiếp hơn thảm họa nữa).
Sex/Life là series kể về Billie (Sarah Shahi), một bà mẹ hai con ở tuổi 30 gì đó, sống trong một căn nhà khang trang vùng trung lưu khá, với người chồng thành đạt trông như được tạc tượng Cooper (Mike Vogel). Nhưng Billie bắt đầu cảm thấy cuộc sống của bản thân lúc này vẫn không thỏa mãn, đặc biệt về mặt tình dục. Rồi trong lần tình cờ gặp lại tình cũ Brad (Adam Demos), mối tình với tất cả các cung bậc drama và các cuộc mây mưa khiến Billie khắc cốt ghi tâm, Billies bắt đầu hoài nghi về thứ mình muốn trong đời. Cô ghi lại ký ức về các cuộc mây mưa hoang dại đó trong máy tính như một cuốn nhật ký và Cooper đã đọc được nó.
Nhiều tiềm năng đã bị phí phạm trong Sex/Life. Ý tưởng làm nên series thực tế đáng được hoang nghênh. Trong phim ảnh, ngay cả các nền điện ảnh cởi mở, vẫn có ít các bộ phim khai thác những góc khuất trong hôn nhân, càng hiếm hơn khi các góc khuất ấy liên quan đến chủ đề tình dục. Sex/Life thuộc về danh sách ít ỏi này, khắc họa vấn đề tình dục trong hôn nhân và ranh giới ngoại tình đang dần hiện hữu. Rõ ràng là series muốn làm điều đó theo hướng chân thật nhất có thể, về hôn nhân, về tình dục, ngoại tình tư tưởng và các mối quan hệ ngoài luồng. Nhưng rồi chỉ qua 2 tập, series nhanh chóng bị chệch đường.
Sex/Life đã bỏ qua quá nhiều cơ hội để trở lại đúng hướng, trở thành một series tuổi teen với dàn nhân vật hứng tình không tả nỗi. Với một bộ phim đặt nữ chính của nó vào tình huống chọn hôn nhân hạnh phúc hay thỏa mãn xác thịt, series không hề công bằng trong cuộc chơi. Phần lớn bộ phim tập trung vào mối quan hệ quá khứ và hiện tại giữa Brad và Billie, trong khi ông chồng – mũi nhọn quan trọng còn lại của tam giác tình yêu chính trong phim, bị gạt qua bên lề.
Người xem hấp thụ hết những khoảnh khắc mãnh liệt trong tình yêu của cặp đôi Brad và Billie, những màn mây mưa, rồi đến những mặt tối trong mối quan hệ của họ. Trong khi đó, sự tương tác giữa Billie và Cooper hầu như không có sức nặng so với Brad/Billie. Người xem hiểu được mối liên kết giữa Brad và Billie. Trong mối liên kết ấy, chúng ta chợt nhận ra Cooper chỉ là một bài học rút ra từ việc yêu “trai hư”.
Hãy chọn một trai tốt như Cooper - Sex/Life nói – vì anh ta tử tế, rộng lượng, tốt bụng, thành đạt, ổn định, vân vân và mây mây, thay cho một Brad phong trần, hoang dại, không thể đoán trước được, và có nhiều nỗi đau thương làm tính cách của anh ta không khác gì nam chính trong một cuốn tiểu thuyết thanh thiếu niên. Bạn biết đấy, đó là hình mẫu của các nhân vật nam nhìn ngoài rắn rỏi, nhưng bên trong dễ bị tổn thương và luôn cần tình yêu của một cô gái tốt để cứu rỗi anh ta. Đến cuối phim, người xem phần nào hiểu được sự hấp dẫn của Brad và tự hỏi rốt cuộc Billie có thực sự kết nối với Cooper hay không mà chấp nhận kết hôn rồi sinh cho anh đến 2 đứa con.
Sex/Life không đem đến góc nhìn nào sâu sắc về chủ đề mà phim muốn nói tới. Nó mãi bận rộn xoay quanh tam giác tình yêu rập khuôn nhất quả đất, màn đối đầu giữa trai hư-trai tốt, và thông điệp mang tính lật lọng thần tốc ở cuối phim củng cố định kiến rằng trai tốt chỉ chịu thiệt và thứ tình yêu có cái kết tốt đẹp mà nữ chính theo đuổi chỉ là một giai đoạn tức thời, chẳng bì được với các mớ drama bòng bong khiến cô ta bị tổn thương ngay từ đầu.
Lý do mà Sex/Life có thể thay Fifty Shades of Grey thành phim thảm họa là vì bất chấp định dạng truyền hình có thời gian thong thả để trở thành một series nghiêm túc với các khoảnh khắc nóng bỏng về chủ đề được quan tâm trong hôn nhân, series này dường như chỉ là cái cớ để đưa “pỏn” lên kênh streaming mà thôi. Ít nhất Fifty Shades of Grey có thể truyền tải một câu chuyện tình yêu rõ ràng. Còn đội ngũ đứng sau series này chăm chút cho các cảnh nóng hơn là câu chuyện, nhân vật và dàn diễn viên của nó.
Billie trở thành nạn nhân cho sự lựa chọn sai lầm này của đội ngũ sản xuất. Khắc họa phim qua Billie, Sex/Life muốn khai thác góc nhìn của phụ nữ về hôn nhân và đời sống tình dục của họ. Phim bao hàm khung cảnh những bà nội trợ giàu có ngồi lại với nhau, chia sẻ các khoảnh khắc “nếu như”. Phim cũng khắc họa Billie thời còn trẻ, khi cô còn tràn trề sức sống. Phim có ý định làm nên một nữ chính có bề dày, để cô chênh vênh trước con người trước đây và hiện tại. Nhưng rồi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mọi thứ lại quay về tình dục.
Phim làm mọi thứ về Billie là xoay quanh nó. Nhu cầu thể xác là thứ khiến hôn nhân của cô trục trặc, mặc kệ nhiều đêm cô nghĩ đến con người trước kia của mình, về tấm bằng tiế sĩ tâm lý học, về công việc trước đây, về cuộc sống còn độc thân khiến Billie không thể thân thiện với những người vợ nội trợ khác sống cùng khu vực. Tất cả của Billie là về tình dục, đó là lý do cô lại quay về với Brad sau bao tổn thương.
Series cắt đi tất cả các mảnh ghép khác của nữ chính và tập hợp thứ còn lại thành nhu cầu xác thịt, làm như nó là thứ quan trọng nhất trong đời Billie mà không buồn phát triển những khía cạnh khác của nữ chính nữa. Cô ta trở thành một sinh vật của tình dục, thay vì tình dục là một phần của cô ta. Và tình dục trở thành kim chỉ nam trong quyết định của cô nàng - như cái kết đã chứng minh. Điều này làm mọi cuộc vật lộn của nữ chính trở nên vô nghĩa, vào theo đó là cả series.
Những câu hỏi có ý nghĩa hơn có thể giúp Sex/Life trở thành một series có chiều sâu thì bị bỏ đói như chính nữ chính trong đây vậy. Vậy rốt cuộc Billie tiếc nuối điều gì về thời tuổi trẻ? Bên nào nặng hơn bên nào, tình hay hôn nhân? Trường hợp của Billie có đươc coi là ngoại tình? Rồi việc làm của Cooper là đúng hay sai trong ngữ cảnh này? Làm sao người phụ nữ giải quyết vấn đề này trong hôn nhân? – Câu hỏi này vẫn được coi là bị bỏ ngõ, vì cuối cùng nữ chính đi theo tiếng gọi của tình cũ mà vẫn chắc nịch nói “Em sẽ không bỏ chồng” – đúng với tinh thần mâu thuẫn tự quay xe của cái series này vậy.
Không còn gì có thể khiến người xem "sôi máu" hơn nữa, dành 2 tiếng để "cày" một series không những không đi đến đâu mà nhân vật còn một chân đạp 2 thuyền.