[REVIEW] Street Food – Không đơn thuần là ẩm thực đường phố

TV Series · Đánh giá phim · Maii ·

Street Food - Câu chuyện về những người giữ gìn di sản.

Trước Street Food, Netflix vốn đã có khá nhiều series gốc về ẩm thực khác cũng hấp dẫn không kém, nhưng với tính đa dạng và sự phát triển không ngừng của ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực đường phố, các series xoay quanh các món ăn và những bí ẩn của cuộc đời phía sau các quầy hàng chưa bao giờ thôi làm người ta cảm thấy bị mê hoặc.

Street Food đưa góc nhìn về con người phía sau bếp lửa lên màn ảnh. (Ảnh: Netflix)
Street Food đưa góc nhìn về con người phía sau bếp lửa lên màn ảnh. (Ảnh: Netflix)

Street Food, chẳng đơn giản xoay quanh một người dẫn chuyện, đi loanh quanh nếm các món ăn ở khắp nơi trên thế giới và bày tỏ niềm thích thú, mà còn là câu chuyện truyền cảm hứng về niềm đam mê và sự mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống của những con người bình thường nhưng ẩn chứa nghị lực phi thường.

Phim gồm 9 tập, mỗi tập sẽ đưa khán giả đến với vùng ở một đất nước cùng nhiều nhân vật khác nhau, mỗi người có số phận gắn liền với một món ăn, mỗi món ăn lại mang biểu trưng của cả một nền văn hóa và lịch sử.

Tập đầu tiên, người xem được đến với Bangkok, Thái Lan, tập thứ 2 lại được chu du đến Osaka, Nhật Bản, tập 3 lại được đến với Delhi, Ấn Độ… Bạn tưởng rằng chỉ cần biết đất nước đó có những món ăn gì, vị chua cay mặn ngọt như thế nào là đã đủ? Street Food sẽ mở ra cho bạn một chân trời mới, thay đổi góc nhìn của chúng ta về những gánh hàng rong, một gian hàng đồ ăn nhỏ trong chợ hay một quán ăn có hàng dài người chờ xếp hàng để được nếm thử.

Chúng ta không chỉ hiểu về ẩm thực đường phố trong phim, mà còn hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và con người của chính đất nước đó. (Ảnh: Netflix)
Chúng ta không chỉ hiểu về ẩm thực đường phố trong phim, mà còn hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và con người của chính đất nước đó. (Ảnh: Netflix)

Bán đồ ăn đường phố, chẳng đơn giản là chuẩn bị nguyên liệu, chế biến rồi đem ra rêu rao là sẽ có người mua, mà trong đó còn là mồ hôi, nước mắt, ước mơ tan vỡ và những lựa chọn khó khăn. Gần như bất cứ ai xuất hiện trong phim, ban đầu đều không chọn cái nghề buôn gánh bán buôn này, bởi phần vì cơ cực, phần vì cuộc đời chưa kịp đẩy đưa. Người thì muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch, người thì làm thợ may, người thì là công nhân, người có tham vọng được làm một đầu bếp bánh ngọt nổi tiếng ở Mỹ, người thì đang phải lo lắng về số nợ mà gia đình đang phải gánh chịu… Cuối cùng, số phận đều mang họ đến với hàng quán ở quê nhà và hàng quán mở đường cho họ trở thành những con người tài hoa.

“Nghề chọn mình, chứ mình không chọn nghề.”

Việc bán đồ ăn trên phố, mặc cho bị nhiều người khinh rẻ, chính phủ tìm cách dẹp các gánh hàng rong, nhưng ít ai biết rằng, đôi khi các món ăn này đã từng có xuất phát điểm rất cao sang, được dùng để phục vụ cho vua chúa, hoàng tử… Tuy nhiên, theo dòng chảy lịch sử và biến động chính trị, những món ăn từng chỉ có hoàng gia mới có thể nếm thử đã xuất hiện trên đường phố, đến tay những người dân bình thường xung quanh. Ẩm thực đường phố là hình ảnh của các thế hệ đi trước, là truyền thống, bản sắc và sợi dây kết nối cả một dân tộc lại với nhau. Ở những nơi mà đời sống người dân còn khó khăn, nhiều nhà còn không có bếp núc như ở Ấn Độ, các quầy hàng trên đường là nơi mà họ thỏa mãn cơn đói. Ở một đất nước không có cội nguồn cụ thể như Singapore, ẩm thực đến từ khắp nơi trên thế giới đã trở thành cội nguồn của chính họ…

Nhờ các gian hàng trên phố, nhiều người đã làm nên điều kỳ diệu. (Ảnh: Netflix)
Nhờ các gian hàng trên phố, nhiều người đã làm nên điều kỳ diệu. (Ảnh: Netflix)

Cái hay của Street Food nằm ở cách kể chuyện, lồng ghép giữa các món ăn, hương vị với cuộc đời của mỗi gương mặt xuất hiện trong phim. Xem phim, chúng ta không chỉ hiểu về món ăn mà còn hiểu về câu chuyện đời truyền cảm hứng của những bàn tay tài hoa đã tạo nên chúng, về những trăn trở trong việc gìn giữ truyền thống hay kết hợp với máy móc, thiết bị hiện đại nhằm tiết kiệm thời gian và sức lực, về chuyện nên tiếp tục kế nghiệp gia đình, hay chọn tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình bởi không phải ai cũng có cơ hội được làm điều mình thích. Trong Street Food, có những người vốn có tham vọng và đường đi riêng, nhưng vì gia đình, vì nhiệm vụ với văn hóa của quê hương mà họ từ bỏ tiếng gọi từ con tim.

Street Food có nhiều góc quay rất đẹp và hài hòa. (Ảnh: Netflix)
Street Food có nhiều góc quay rất đẹp và hài hòa. (Ảnh: Netflix)

Vì mỗi tập phim là một câu chuyện khác nhau nên chất lượng của các tập đôi khi có phần không được ổn định và giảm dần về sau. Thậm chí, các tập cuối được xây dựng khá kém và bị phản ảnh nhiều do cách chọn món ăn để tập trung kể có phần kỳ quái và khó hiểu. Điển hình là tập phim về ẩm thực đường phố Việt Nam và Philippines bị chính người dân của đất nước đó phản ánh nhiều.  

Người viết cảm thấy có phần hơi khó hiểu khi tập phim về Việt Nam chọn món ốc len làm trọng tâm nhưng dẫn dắt xoay quanh món ăn này có phần sơ sài, không có gì đặc biệt, người xem không được tìm hiểu sâu về món ăn mà chủ yếu là nghe nhân vật… “kể khổ”. Câu chuyện của bà Trước bán ốc có thể là câu chuyện của bất kỳ hàng ốc nào khác và hàng ốc của bà cũng chưa hẳn là hàng ốc đặc biệt và nổi bật nhất Sài Gòn. Mỗi món ăn chọn làm trọng tâm trong mỗi tập phim đều có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân vật, do nhân vật đó sáng tạo ra hoặc có ý nghĩa đặc biệt đối với chính đất nước ấy. Tập phim về Việt Nam không thể hiện được điều đó. Món ốc, chỉ nên được đưa vào đứng vị trí phụ, nhường chỗ cho vô vàn các món ăn khác xứng đáng đại diện hơn như cơm tấm, bánh mì, bánh xèo, gỏi cuốn, phở, hủ tiếu… Nếu đã rất ấn tượng với các tập phim về Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… người xem sẽ cảm thấy tập phim về Việt Nam có phần hơi thất vọng.

Khoảng 2-3 tập cuối cùng, chất lượng của Street Food có vẻ hơi giảm. (Ảnh: Netflix)
Khoảng 2-3 tập cuối cùng, chất lượng của Street Food có vẻ hơi giảm. (Ảnh: Netflix)

Tuy vậy, Street Food nhìn chung đã làm tốt trong việc không chỉ giới thiệu ẩm thực đường phố của nhiều nước Châu Á đến khán giả, mà còn mang đến góc nhìn rộng hơn về văn hóa, cảnh vật và con người của từng vùng mà bộ phim đi qua. Street Food – không chỉ là ẩm thực đường phố, mà còn là kết tinh tài hoa của những con người đến từ nhiều thế hệ, là truyền thống, là bản sắc, là xã hội và lịch sử của một đất nước ấy. “Chúng ta phải ca tụng những người bán hàng này. Đó là những gì còn lại của chính chúng ta. Đây là di sản của chúng ta. Văn hóa của chúng ta. Và là thứ gắn kết cả dân tộc.”