[REVIEW] Bí Ẩn Vùng Ngoại Ô - Hỗn độn như chính kịch bản của phim

Đánh giá phim · SarahTran ·

Tác phẩm này được xem như là bước lùi trong sự nghiệp làm phim của George Clooney và sự nghiệp diễn xuất của Matt Damon, Juliane Moore cũng như Oscar Isaac.

Mới đây, đạo diễn George Clooney vừa mới trở lại với tác phẩm điện ảnh thứ 7 với thể loại hài đen mang tên Suburbicon (Bí Ẩn Vùng Ngoại Ô). Mặc dù sở hữu ý tưởng thú vị và dàn diễn viên đầy tài năng nhưng Bí Ẩn Vùng Ngoại Ô lại thất bại trong việc truyền tải những thông điệp của nó. Hơn nữa, tác phẩm này được xem như là bước lùi trong sự nghiệp làm phim của George Clooney và sự nghiệp diễn xuất của Matt Damon, Juliane Moore cũng như Oscar Isaac.

Lấy bối cảnh tại một thị trấn giả tưởng mang tên Suburbicon vào những năm 1950, Bí Ẩn Vùng Ngoại Ô kể về những rắc rối trong gia đình của Gardner Lodge (Matt Damon) sau khi bị hai tên cướp đột nhập vào nhà, cuỗm sạch tiền và sát hại vợ anh, song song đó là sự kì thị mà gia đình người da màu Mayer phải hứng chịu khi vừa mới chuyển đến. Suburbicon là một nơi lý tưởng để sống với không khí yên bình, cư dân thân thiện, nhà cửa giá rẻ và chế độ phúc lợi xã hội thỏa đáng. Nhưng có vẻ nơi này chỉ lý tưởng đối với những con người da trắng “văn minh”. Ẩn sâu bên trong Suburbicon là một xã hội mục nát với những con người giả tạo, tham lam, bạo lực và có thái độ hằn học đối với người da màu.

Với cốt truyện thú vị, nhiều tầng lớp và thông điệp lên án nạn phân biệt chủng tộc, Bí Ẩn Vùng Ngoại Ô đáng lẽ có thể trở thành một ứng cử viên sáng giá của mùa giải năm nay. Nhưng nó đã thất bại hoàn toàn trong việc mang đến những giây phút giải trí cho khán giả bởi cách đan xen, lồng ghép các chi tiết và diễn đạt ý nghĩa quá vụng về chứ đừng nói đến việc đi tranh cử. Mặc cho kịch bản được chắp bút bởi anh em nhà Coen – những người đã viết nên các tác phẩm nổi tiếng như Fargo, No Country for Old MenBurn After Reading, nhưng Bí Ẩn Vùng Ngoại Ô lại giống như một nồi lẩu thập cẩm không có hương vị rõ ràng và khiến khán giả phát ngán ngay từ đầu cho đến gần nửa phim.

Nếu xem xét kĩ lại thì nội dung của phim cũng không thực sự có quá nhiều tuyến truyện hay chi tiết đan xen (so với các tác phẩm cũng có nhiều tuyến truyện khác như Pulp Fiction hay The Girl on Train) nhưng biên kịch và đạo diễn vẫn không thể kết hợp chúng lại với nhau một cách tinh tế và không tạo ra được các nút thắt hợp lý. Ngay từ đầu phim, khán giả không thể hiểu rõ được chuyện gì đang xảy ra bởi cách dẫn chuyện quá lan man và cường điệu hóa. Xuyên suốt phim, các chi tiết lại không được kết hợp một cách tinh tế, vấn đề phân biệt chủng tộc không thực sự ăn nhập và không có mối liên kết chặt chẽ với tuyến truyện của gia đình Gardner Lodge. Đến cuối phim, khán giả bị bỏ lại với cảm giác chưng hửng, không biết chính xác thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải là gì.

Một khía cạnh khác khiến người xem cũng khó chịu không kém là cách xây dựng hình tượng nhân vật chính. Nếu chỉ xem qua trailer, khán giả sẽ hoàn toàn lầm tưởng rằng Gardner là người cha, người chồng chăm lo cho gia đình, cố gắng bảo vệ đứa con trai đến cùng sau khi vợ bị sát hại. Nhưng hóa ra khi xem phim khán giả sẽ hoàn toàn hụt hẫng, bởi hắn ta chỉ là một kẻ hám tiền, dâm dục, không hề có nội tâm phức tập hay sâu sắc, thậm chí khi bị đẩy đến bước đường cùng còn muốn giết luôn đứa con trai của mình để che giấu tội ác. Nhân vật Margaret của Julianne Moore cũng có phong thái, nét mặt và tính cách khá giống với quý bà Poppy trong bộ phim Kingsman: The Golden Circle gần đây, vì thế khán giả sẽ không thấy có gì nổi bật, thậm chí là nhàm chán. Có lẽ đã đến lúc Julianne suy nghĩ về hướng đi hiện tại của cô và cân nhắc nhiều hơn ở các vai diễn cũng như phim mà mình tham gia trước khi mất đi lòng tin của khán giả. Nam diễn viên Oscar Isaac cũng được kỳ vọng là sẽ có vai diễn ấn tượng tiếp theo, thế nhưng nhân vật của anh trong Bí Ẩn Vùng Ngoại Ô lại có quá ít đất diễn, ban đầu cũng thể hiện được sự mưu mẹo của một tay thám tử, nhưng về sau cũng chỉ là một kẻ hám tiền không hơn không kém.

Nhân vật duy nhất cứu vớt bộ phim chính là cậu bé Nicky do diễn viên nhí Noah Jupe thủ vai. Khó có thể nói nhân vật này có nội tâm sâu sắc hay không, một phần cũng do kịch bản quá thất bại, nhưng Noah đã phần nào lột tả được sự sợ hãi và hoang mang, đặc biệt là thái độ lạnh lùng, trống rỗng khi đối mặt với người cha, người dì ích kỉ, đồi bại. Bên cạnh đó, tình bạn trong sáng, chân thành, bất chấp sự khác biệt giữa Nicky và cậu bé hàng xóm nhà Mayer cũng là chi tiết giúp người xem đỡ cảm thấy khó chịu và bất mãn về kịch bản. Tình bạn này cũng dẫn đến kết thúc mở cho Nicky và là tia sáng yếu ớt cho cậu bé khi gia đình tan nát.

Thật đáng tiếc khi anh em nhà Coen và đạo diễn George Clooney đã khá tham vọng khi cố nhồi nhét quá nhiều chi tiết và không tập trung xây dựng mạch phim khiến cho thông điệp ý nghĩa của phim bị lu mờ và lãng phí dàn diễn viên tài năng. Nếu là fan của Matt Damon, Oscar Isaac hay Julianne Moore thì tôi khuyên bạn tốt nhất đừng nên đi xem bộ phim này, bởi bạn sẽ thất vọng tràn trề và mất lòng tin vào diễn viên mà mình hâm mộ khi họ lại chọn một bộ phim có kịch bản như thế này để tham gia. Còn những ai đi xem phim thì nên chuẩn bị trước tinh thần, phải thật kiên nhẫn để ngồi hết 104 phút trong rạp mà không bỏ về giữa chừng.

Bài viết liên quan