[REVIEW] The Dreamers (2003) - Giấc mơ tuổi đôi mươi của những kẻ lạc lối

Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

The Dreamers - Liệu ta có đủ can đảm làm kẻ thức tỉnh giữa giấc mộng đẹp?

Mười lăm năm về trước, đạo diễn lập dị Bernardo Bertolucci cho ra đời một trong những bộ phim ấn tượng nhất đầu thế kỷ 21: The Dreamers (2003).

Giống như số phận của nhiều phim thể nghiệm, phá cách táo bạo khác nó tạo nên 2 luồng phản ứng cực kỳ trái ngược, một bên phỉ nhổ thóa mạ hết lời, một bên thì thán phục choáng ngợp ca ngợi khôn xiết. Bây giờ, 2018, thời gian đã lùi tương đối xa, khi nhìn trở lại The Dreamers ta có thể bình tĩnh hơn, dễ dàng hơn trong đánh giá và nhận định về bộ phim này.

Cậu sinh viên trẻ Matthew (Michael Pitt) xuất thân từ một gia đình Mỹ nghèo nhưng say mê điện ảnh, cậu quyết định đến Paris học tiếng Pháp và được đắm chìm vào mọi thể loại điện ảnh trên thế giới. Matthew bị thu hút bởi hai anh em sinh đôi Theo (Louis Garrel) và Isabelle (Eva Green) bởi chất chơi, sành điệu của họ. Trong một cuộc biểu tình của giới sinh viên và văn nghệ sĩ chống lại quyết định loại một nhà làm phim khỏi Viện lưu trữ văn hóa, Matthew làm quen với hai người và dần dần bị cuốn vào mối quan hệ kỳ lạ làm thay đổi con người cậu. Từ đây, những giấc mơ hoang đường quyện vào nhau, thổn thức một cách trần trụi, hào nhoáng lẫn trong giả tạo, ngọt ngào xen giữa cay nghiệt. Họ đi từ giấc mơ này đến giấc mơ khác, mộng mị lang lang giữa không gian riêng ảo mộng bên cạnh thế giới thực đổ nát, sôi sục của một Paris hỗn loạn năm 1968.

Matthew cố giấu những khát khao tình ái dưới vẻ nhút nhát, cậu ngây ngô trước các mối quan hệ đời thật, sống trong mơ cùng niềm đam mê điện ảnh. Isabelle sắc xảo, táo bạo, tỏ ra lõi đời nhưng bên trong lại là một sinh vật trong trắng, yếu đuối cố bám lấy những tàn tích của tuổi thơ còn lại. Theo thì lại quá gắn bó với Isabelle từ khi còn trong bào thai, rồi một ngày chợt nhận ra mình chẳng tìm thấy nhân dạng riêng của bản thân, nhưng chút lăn tăn đó cũng nhanh chóng ngừng bặt, cậu đã chọn ở lại trong giấc mơ cùng người em gái của mình. Ba đứa trẻ lớn xác có một tháng bên nhau để cùng chơi đùa, yêu và mê đắm.

Sự tài tình của đạo diễn Bertolucci là không chỉ mô tả về những kẻ mơ mộng mà kết cấu của phim còn giống hệt trình tự một giấc ngủ của con người. Mở đầu phim là những phút giây bình lặng cho ta dần chìm vào cơn mê ngủ. Họ gặp nhau, đùa vui, cuốn hút nhau bằng tình yêu với phim ảnh. Lúc này, con người vẫn còn lơ lửng giữa thức và ngủ, vẫn còn nhận thức được điều đang diễn ra xung quanh. Matthew vẫn loáng thoáng nhận ra những khác thường qua các cuộc tranh luận với hai anh em về điện ảnh, nghệ thuật lẫn thời cuộc, nhưng anh cố lờ đi và háo hức tiến vào mối quan hệ đó như ta không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ đang kéo nặng mí mắt và đóng lại sự tỉnh thức.

Giây phút đầu tiên được Isabelle và Theo dẫn vào căn hộ của họ cũng là lúc Matthew chìm vào giấc ngủ. Cậu ấn tượng với mối quan hệ rất gần gũi đến xóa nhòa ranh giới giữa cha con, anh em trong gia đình kỳ lạ này, cách họ tranh luận với nhau về triết học, thơ ca và chính trị. Giữa những hành lang hẹp đầy những ngăn tủ sách, tranh tượng và posters phim, Matthew như ở trong thiên đường mơ ước.

Rồi khi cha mẹ của hai anh em đi vắng, căn hộ này trở thành chốn mộng mơ của riêng họ, tất cả những thứ điên rồ, phóng đãng và tinh tế nhất được thỏa sức phô diễn. Giữa tầng sâu nhất của giấc ngủ thì cơn mơ cũng ập đến. Họ cùng khỏa thân, làm tình và say sưa trong những trò chơi điên rồ. Không gì là không thể thành hiện thực trong giấc mơ.

Giấc ngủ cạn vơi, con người thoát khỏi những cơn mơ để dần thức dậy trở về hiện thực. Matthew đã biết đứng dậy, nói "không" với Theo, không còn mụ mị buông xuôi tuân theo một cách mù quáng mà đã chỉ cho hai anh em họ về những thứ họ đang sống cùng, cho họ thấy thế giới bên ngoài đang có gì. Và chuyện gì đến sẽ đến, người ta phải tỉnh giấc, trừ khi họ vội chui vào một giấc ngủ khác để sống trong giấc mộng mới.

Góc quay và màu sắc phim cũng đạt đến độ bậc thầy. Cả bộ phim như một tác phẩm xếp đặt nghệ thuật. Ta thấy những gam màu nóng như đỏ, nâu xen lẫn những gam màu trung tính và gợi vẻ cũ xưa như đen, xám, giống như những đan xen giữa thực và ảo, giữa mơ và tỉnh. Một phần ba đầu phim là một Paris đẹp đẽ, lộng lẫy, lãng mạn tưởng chỉ có thi ca, tình yêu và điện ảnh ngự trị, nơi vương quốc đó nỗi lo lắng chỉ xoay quanh nghệ thuật và những thước phim đầy ma mị.

Phần ba tiếp theo là căn hộ nơi cả ba quấn vào nhau trên một tháp ngà cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nơi không còn ranh giới mà Matthew vừa muốn chạy trốn khỏi đó vừa bị thôi thúc ở lại. Phần cuối là khi căn phòng ngập trong rác rến tan hoang vì những cơn truy hoan và ngoài kia là một Paris khác, thành phố bắt đầu bị cơn cuồng say khác của đám đông làm cho đổ nát và mất đi vẻ thơ mộng bình yên.

Góc quay chậm từ cận cảnh rồi dừng lại ở một chỗ. Đó có thể là đống bát dĩa bẩn sau cuộc vui hay hàng đống chướng ngại vật được dựng giữa phố phường bởi cuộc biểu tình. Bên là sự hoang lạc, mớn trớn ái tình, bên là hiện thực xấu xí, đổ nát. Thực là đó mà mơ cũng là đó.

Trong bữa ăn tối đầu tiên tại nhà Theo, ta thấy cảnh cậu ta tranh luận với cha mình, cậu liên tục chỉ trích việc cha không ký tên vào đơn phản đối chiến tranh Việt Nam hay không lên tiếng về việc chính phủ Pháp chèn ép những nghệ sĩ tự do. Cha của Theo bảo cậu đấu tranh nhưng đứng bên ngoài, nói những điều mà cậu chưa bao giờ thật sự hiểu, "là một nhà thơ ta dùng tác phẩm của mình để lên tiếng chứ không phải việc ký tên vào một bản kiến nghị", nó thật sự là một thông điệp mạnh mẽ mà đến tận cuối phim Matthew mới thật sự thấu hiểu. 

Theo chỉ lặp lại những điều cậu đọc chứ chưa hề tham dự hay thực sự có những suy tư riêng của mình. Matthew chỉ cho cậu ta biết rằng nếu trong lòng Theo tin vào những gì mình nói thì cậu ấy đã không ngồi trong nhà. Theo lúc đầu cứ thao thao bất tuyệt về chủ nghĩa bất bạo động, về cách mạng Trung Quốc, về những trật tự để dẫn đến cải biến xã hội. Matthew thì thở dài nhìn Theo nhận xét: “đúng là họ cầm sách nhưng chỉ có một quyển sách, điều họ nói là sự lặp lại và đó không phải những gì họ thật sự hiểu”, nó như là một tổng kết cho Theo.

Về phần Isabelle, cả cuộc đời của cô như hàng loạt phân cảnh phim ghép lại, cô học lời thoại, cô diễn lại những cảm xúc và thần thái của các diễn viên trong phim. Bất ngờ thay, phía sau lớp mặt nạ chỉ là một cô bé ngây ngô, như chính căn phòng búp bê mà cô cố giấu. Tình yêu thật sự của Isabelle dường như chỉ giành cho người anh trai song sinh. Cảnh cô tức giận khi biết Theo qua đêm với người phụ nữ khác hay cố dựng lại lều chơi như thời trẻ nít để cùng Theo và Matthew vui đùa là những thời khắc cô thực lòng bỏ đi lớp hóa trang thường ngày.

Viên đá ném từ đường phố vào căn hộ tưởng chừng đã đánh thức cả ba thoát khỏi giấc mộng. Nhưng… chỉ có Matthew là thức dậy còn Isabelle và Theo chọn lao mình vào một giấc ngủ khác để được mộng mị và giữ mãi đứa trẻ trong lòng. Matthew bỏ họ lại giữa đám đông cuồng điên đang chuẩn bị đối đầu cùng cảnh sát. Anh để lại hai người họ đằng sau như để lại giấc mơ hoang đường nổi loạn tuổi đôi mươi ở lại Paris mãi mãi.

Ai đã từng trẻ, từng chơi vơi giữa dòng đời mênh mông không biết con đường của mình là đâu sẽ rất thấm thía với ba người bọn họ. Có những lúc sống trong hiện thực khắc nghiệt đến tàn nhẫn rất khó nhưng chui vào những giấc mơ thì còn đáng thương hơn rất nhiều.