[REVIEW] The Platform - Xã hội không công bằng, nhưng liệu có phải cái cớ để con người hành xử như thú vật?

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Maii ·

The Platform (Netflix) có nội dung đơn giản, gọn ghẽ, nhưng cách thể hiện chắc tay, kịch tính và cốt truyện gợi mở nhiều suy nghĩ.

Dù không nhiều những tác phẩm được nhiều khán giả Việt Nam biết đến như phim ảnh Hollywood, nhưng nền công nghiệp phim ảnh Tây Ban Nha đang dần chứng minh sức hút của mình ở cả màn ảnh nhỏ và màn bạc với nhiều câu chuyện hấp dẫn, rợn người, gây ngạc nhiên và cũng không kém phần gợi mở suy nghĩ.

Ảnh: Netflix
Ảnh: Netflix

Đứng vị trí số 6 trong top 10 phim có lượt xem cao nhất trên Netflix Việt Nam ngày 22.03, The Platform (Hố Sâu Đói Khát), bộ phim Tây Ban Nha tăm tối và trần trụi này có gì thu hút?

The Platform mở đầu với 2 phân cảnh đi thẳng vào chủ đề là thức ăn và Cái Hố, với nhân vật chính đóng vai trò là người dẫn dắt khán giả. Phim nói về một nhà tù với hơn 200 tầng. Hằng ngày, những người tầng dưới sẽ ăn thức ăn thừa còn lại của những người ở tầng trên được mang xuống thông qua một cái bục thức ăn di chuyển tự động. Cho đến một ngày, không còn chịu nổi một cuộc sống kinh khủng như thế, nhân vật chính Goreng quyết định gửi một thông điệp.

Để một bộ phim Tây Ban Nha không có gương mặt nào nổi bật, không có cú lật nào quá bất ngờ trở thành chủ đề bàn tán những ngày gần đây trong cộng đồng người yêu phim nói chung và fan phim Netflix nói riêng, hẳn phải cám ơn biên kịch David Desola vì cốt truyện đơn giản nhưng chắc tay, kết hợp với sự thể hiện tốt của các diễn viên, đã nâng đỡ toàn bộ The Platform với bối cảnh đơn giản, mở đầu nhanh gọn, không giải thích, không dài dòng và một kết thúc mở có phần không thỏa mãn.

Ảnh: Netflix
Ảnh: Netflix

Nhịp điệu vừa phải, gọn ghẽ, kịch tính và sự đa chiều, gợi suy nghĩ về bản chất con người khiến người xem không thể rời mắt. Sự tham lam, liệu đó là do bản chất, hay do hoàn cảnh? Trong Cái Hố, mọi chuyện không đơn giản như thế, nhưng ở bên ngoài Cái Hố, mọi thứ cũng chẳng khác hơn. Cuộc sống của mỗi người, đều do quyền lựa chọn, đều do quyền quyết định và suy nghĩ của họ tạo nên. Mọi phong trào, thể chế chính trị, đói nghèo, chiến tranh… không phải lỗi của một tổ chức, một vị tổng thống hay thủ tướng nào, mà đều do từng cá nhân trong xã hội đó góp phần định đoạt. Không hành động cũng là một loại hành động, và hành động, tự bản thân nó đã là một quân cờ domino, thúc đẩy một chuỗi phản ứng của thế giới xung quanh, kết quả là chúng ta nhận những gì chúng ta đã cho đi, và phải chịu trách nhiệm với điều đó.

Điều này hẳn thật khó chấp nhận với nhiều người vì đôi khi người ta không dám nhìn vào bản chất sự việc, vào bản chất hành động của mình mà luôn tìm kiếm một lý do nào đó, một con người, một hình mẫu nào đó để đổ lỗi và buộc họ phải gánh vác sự khốn khổ trong chính cuộc đời ta. Đó là lý do ta dựa vào tôn giáo, nhà nước, những kẻ dẫn đầu, vì tự thân ta không thể tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình.

Ảnh: Netflix
Ảnh: Netflix

The Platform thật trớ trêu khi có những cảnh đầu bếp thượng hạng chăm chút cho từng món ăn, từng vị sốt, vị trí của con sốc sên, của một nhúm hoa quả… để rồi ngay lập tức sau cảnh đó là những bàn tay bốc lấy bốc để, giẫm đạp lên chúng để thỏa mãn việc sinh tồn. Mặc cho họ đang ở tầng 1, 2, những tầng chỉ cần ăn vừa đủ để tồn tại, để những người ở tầng cuối cùng còn có khả năng sống sót và không trở thành những con thú ăn thịt đồng loại.

Liệu do hoàn cảnh làm con người mất đi nhân tính, hay nhân tính vẫn luôn ở đó, chỉ do sự mê muội, ngu dốt, tham lam và ích kỷ của chúng ta mà làm nhân tính trở thành thú tính? Ai cũng chỉ nghĩ đến cái khổ của mình, và ai cũng cho rằng vì những tháng ngày cùng cực đó, người ta được phép thỏa mãn bao nhiêu tùy thích. Nhưng không phải vì những tháng ngày dưới đáy xã hội, con người nên hiểu và thương đồng loại khi cuộc sống của họ tốt hơn sao?

Ảnh: Netflix
Ảnh: Netflix

Thật khó để tìm ra ý nghĩa thực sự rõ ràng của The Platform, nhưng thông qua cốt truyện của nó, tôi tin rằng bộ phim là lời cảnh tỉnh, phê phán không chỉ xã hội, tôn giáo, chính trị, mà rõ ràng và mạnh mẽ, nặng nề hơn, chính là phê phán loài người, lối sống và cách suy nghĩ của chính con người, phía sau cái nền là một bộ phim kinh dị xã hội với những cảnh máu me ghê rợn hay những cảnh cơm thừa canh cặn được nhân vật ngấu nghiến.

Nội dung của The Platform không quá phức tạp, kể cả những người xem phim không vì suy nghĩ nào cũng có thể tìm thấy tính giải trí của nó, dù phim có phần nặng nề. Nhưng nét hấp dẫn của The Platform là ở tính đa nghĩa và cho thấy góc nhìn triết học về công bằng xã hội, về nhân sinh. Thế giới hiển nhiên không công bằng, nhưng liệu đó có phải là cái cớ để ta hành xử như thú vật?