[REVIEW] The Spy (Netflix) - Cái nhìn đa chiều về giới tình báo nhưng chưa đủ hiện thực

TV Series · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

The Spy - miniseries tham vọng của Netflix khi cố tóm gọn chiến dịch nằm vùng dài gần 5 năm của điệp viên Mossad vào 6 tập phim.

The Spy hẳn là một miniseries tham vọng của Netflix khi cố tóm gọn chiến dịch nằm vùng dài gần 5 năm của một điệp viên tình báo Mossad (cơ quan tình báo Israel), vào 6 tập phim. Dù mỗi tập có thời lượng lên tới hơn 50 phút, mạch phim vẫn bộc lộ tính vội vã khiến bộ phim mất đi phần nào tính hiện thực, một yếu tố rất quan trọng khi làm phim về nhân vật lịch sử có thật.

Trung tâm của bộ phim là đặc vụ Eli Cohen (Sasha Baron Cohen) và kế hoạch do thám của ông tại Damascus, Syria nhằm thu thập tin tức quý giá cho Israel trong bối cảnh căng thẳng biên giới Syria-Israel ngày một tăng cao. Eli đã làm được điều không thể khi thâm nhập sâu vào bộ máy chính quyền của Syria, thậm chí trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Syria với bí danh Kamel Amin Thaabet, và mớm những tin tức tối trọng yếu cho Tổ quốc bên kia biên giới. Những tin tức này đã góp phần giúp đất nước của người Do Thái chiến thắng cuộc tấn công của liên minh các nước gồm Syria, Egypt, Jordan, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Algeria, và Sudan khi liên minh này tổng tiến công về Israel.

Nguồn: The Tab
Nguồn: The Tab

Phương diện nổi bật đầu tiên của The Spy là khâu dựng cảnh và bầu không khí luôn ngầm chứa tính căng thẳng. Đạo diễn Gideon Raff đã chú trọng đến chi tiết nhỏ nhất để lột tả tính thực tế cần thiết cho bộ phim. Những con phố bụi bặm, những chiếc xe bọ rùa kinh điển đến những tòa nhà xỉn màu, máy chạy đĩa… tạo nên bối cảnh chân thật lẫn hoài cổ về đất nước và con người Syria trong thập niên 60. Bên cạnh đó, những kĩ thuật thu thập tin tức tình báo trung thành với lịch sử tình báo. Thập niên 60 là năm tháng điện thoại thông minh và internet vẫn chưa ra đời. Nên kĩ thuật truyền tin lúc này vẫn là mã mock (mock code) trên sóng radio, sử dụng cuốn phim kiểu cũ, và các dạng bộ đàm to tướng để liên lạc.

The Spy có cố gắng tiếp cận chủ đề gián điệp với ống kính đa chiều hơn. Không chỉ tập trung vào chiến dịch nằm vùng của Eli, bộ phim còn đề cập đến những góc khuất gai người mà các gián điệp phải đối mặt.

So với 007, bộ phim về giới điệp vụ hào nhoáng với những âm mưu thôn tính thế giới nghe như những tên phản diện bước ra từ truyện tranh, thì 6 tập phim của miniseries này là bức tranh thực tế mô tả cuộc chiến gián điệp tàn khốc và nền chính trị mà nó ảnh hưởng. Những điệp vụ trong cuộc chiến ấy không hào hoa như James Bond. Họ làm mọi thứ để lẫn vào đám đông, sử dụng mật danh và thực hiện các kế hoạch tinh vi có khi kéo dài hàng năm trời, rời xa gia đình, phản bội bạn bè ngay khi có lệnh chỉ để nắm được một chút tin tức. Dĩ nhiên, mạng sống luôn bị đe dọa bất cứ lúc nào. Trong trường hợp tệ hơn, họ có thể trở thành con dê tế trời và tên đao phủ không ai khác là Tổ quốc thân thương. Tất cả chỉ để giành được lợi thế, dù chỉ là một chút.

Nguồn: The Tab
Nguồn: The Tab

Với Eli, ông phải rời xa gia đình trong một thời gian dài đằng đẳng và tiếp tay cho kế hoạch đảo chính đẫm máu, cũng như sự suy đồi của chính quyền Syria mới lẫn cũ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Eli là duy trì ranh giới rõ ràng giữa hai nhân dạng Kamel Amin Thaabet và Eli Cohen, giữa một doanh nhân người Syria ái quốc và một công dân Israel bình thường với gia đình đầm ấm. Càng về cuối phim, ranh giới ngày càng mờ dần, kéo theo đó, là lí trí của chàng điệp viên mẫn cán. Eli cố níu kéo nhân dạng gốc Do Thái của mình bằng cách tìm niềm vui nhỏ nhặt trong xã hội đầy rẫy kẻ thù. Trớ trêu thay, chính nỗi nhớ quê hương da diết của anh đã khiến anh phạm sai lầm chết người. Điều này phần nào gửi gắm thông điệp rằng dù cho một điệp vụ giỏi đến mức nào, anh ta/cô ta cũng sẽ bị phát hiện, mọi thứ chỉ là vấn đề thời gian – Một thông điệp không thể trêu người hơn đối với những điệp viên hiện đại.

Người còn lại chịu ảnh từ cuộc chiến tình báo là người thân của điệp viên ấy, điển hình như người vợ của Eli Nadia Cohen. Sự mất mát của bà là điều không thể tưởng tượng được. Nếu có ai từng tò mò về điệp viên Eli Cohen ngoài đời, họ sẽ biết được cho đến tận ngày nay, sau hơn 5 thập kỷ kể từ cái chết của Eli, xác của ông vẫn chưa được trả về quê hương. Trên phim, dù không chiếm nhiều thời lượng, nhưng cái bóng vật vờ của Nadia vào những năm tháng mòn mỏi chờ chồng cho đến khi nhận ra không còn ai để bà đem về chôn cất cũng đủ nói lên cái giá quá đắt, dù cần thiết trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: Monster and Critics
Nguồn: Monster and Critics

Bên cạnh những ưu điểm, The Spy vẫn có thiếu sót. Như đã nói ở trên, việc dồn nén chiến dịch tình bào dài 5 năm vào 6 tập phim không phải là điều lý tưởng. Thời gian ngắn phần nào làm loãng đi tính hiện thực, ví như cuộc trò chuyện giữa Eli và Amin al Hafez.

Đối với một tên chính trị gia cáo già như Amin al Hafez (Waleed Zuaiter) và trưởng bộ phận an ninh được đánh giá là kẻ cẩn thận đến hoang tưởng Ahmed Suidani (Alexander Siddig) của ông ta, việc dễ dàng bị thuyết phục bởi một cá nhân mới vừa gặp tự nhận là người Syria yêu nước sau 1 lần xác nhận lời nói thật sự rất buồn cười. Nó hoàn toàn phủ nhận nỗi tuyệt vọng của Israel về chuyện không thể đưa điệp viên xâm nhập Syria được thể hiện ngay từ đầu phim.

Bộ phim dành ra gần như nửa mùa phim để nhấn mạnh sự hoang tưởng của đất nước Syria, rằng nơi này gần như bất khả xâm phạm cho các gián điệp. Hơn nữa, bộ phim chỉ ra phía Israel biết rất rõ điều này. Họ đã mất một điệp vụ xuất sắc trước khi tuyển mộ Eli. Thế mà bất chấp tiền đề được tạo dựng sẵn, Israel lại vội vàng đưa Eli vào hoạt động, Syria thì quá tin người, và bản thân Eli lại quá chủ quan.

Nguồn: The Telegraph
Nguồn: The Telegraph

Những lần xâm nhập bộ máy chính quyền Syria của Eli tiếp đó cũng không khá hơn. Chúng làm người xem cảm giác như đang được chứng kiến những màn dàn dựng mà các nhân vật đã thống nhất trước đó, thay vì những ngón nghề gián điệp của Eli. Đâu rồi khả năng ăn nói duyên dáng, thần thái tự tin và bản năng phán đoán cùng biến hóa bậc thầy mà lịch sử đã mô tả Eli Cohen?

Chưa kể đến tính thiên vị rõ rệt được thể hiện trong phim. The Spy chỉ đề cập đến sự quỷ quyệt của Syria mà bỏ quên những hành động của Israel. Nên nhớ rằng, không có đất nước nào là trong sạch trong trò chơi chính trị. Không công minh trong việc xây dựng hình ảnh của hai quốc gia này – để Syria làm kẻ phản diện hoàn toàn và biến Israel thành nạn nhân và kẻ chủ mưu bất đắc dĩ – có thể khiến những khán giả yêu thích lịch sử mất cảm tình với bộ phim.

Tựu trung, The Spy là trải nghiệm phim ảnh đủ thỏa mãn nhưng người xem đừng nên quá tin vào những gì phim thể hiện.