[REVIEW] The Victim's Game - Can đảm là sống tiếp, hay là lựa chọn cái chết?
TV Series · Đánh giá phim · Maii ·
The Victim's Game (Trò Chơi Nạn Nhân) - Bộ phim hình sự, tâm lý đầy cảm xúc đến từ Đài Loan.
Kéo xuống để xem tiếp
The Victim's Game (Trò Chơi Nạn Nhân) là bộ phim hình sự, tâm lý của Đài Loan, hợp tác với Netflix, có sự góp mặt của nhiều diễn viên thực lực như Trương Hiếu Toàn, Vương Thức Hiền, Hứa Vỹ Ninh, Lâm Tâm Như... được khán giả chú ý bởi nội dung hấp dẫn và mang tính nhân văn.
Nhân vật chính của The Victim's Game là Phương Nghị Nhậm, chuyên gia pháp y mắc chứng Asperger (một dạng tự kỷ) của Đội điều tra 3 thuộc sở cảnh sát Đài Loan. Trong một vụ án mạng, anh phát hiện chứng cứ ở hiện trường có liên quan đến cô con gái mà anh nhiều năm không gặp là Giang Hiểu Mạnh. Phương Nghị Nhậm chạy đua với thời gian để che giấu những gì mình biết và hợp tác với một phóng viên tham vọng là Từ Hải Nhân để tìm ra chân tướng sự việc.
Trong một vụ án mạng, những tình tiết ghê rợn và câu chuyện của hung thủ là những thứ công chúng quan tâm nhiều nhất. The Victim’s Game quyết định đi ngược lại sự quan tâm đó và mang đến cho khán giả khắc hoạ câu chuyện của các nạn nhân, những người lựa chọn cái chết để giải thoát, thay vì chọn sống một cách vô vọng. Ở khoảng 3-4 tập đầu, phim tập trung vào khoa học pháp y với các hiện trường vụ án được đầu tư thực hiện tỉ mỉ.
Tuy vậy, điểm yếu của phim cũng lộ rõ trong các tập này khi tình tiết có phần được sắp xếp không được chặt chẽ. Đội cảnh sát do Triệu Khoan làm đội trưởng làm việc có vẻ kém hiệu quả, còn phía pháp y của Phương Nghị Nhậm thì ngoài anh ra, có vẻ như chẳng ai làm việc kỹ lưỡng lắm khi mỗi lần anh quay trở lại hiện trường, đều có thể tìm được manh mối được giấu giếm khá lộ thiên. So với nhiều bộ phim với đầu voi, đuôi chuột, thì trường hợp của The Victim’s Game ngược lại, mở đầu dù mắc sạn, nhưng kích thích trí tò mò và tính cảm xúc, nhân văn của ⅔ sau của phim đã giúp phim ghi điểm trong mắt khán giả.
Tính nghiêm túc, chủ đề về nhân sinh và đề cập đến nhiều vấn đề trong xã hội thông qua các nhân vật được xây dựng kỹ lưỡng, có nghiên cứu đã giúp The Victim's Game cho người xem thấy được sự trân trọng của các nhà làm phim đối với tính hiện thực trong tác phẩm của mình như thế nào. Cuối một tập đều có các cảnh hậu trường, và quan trọng hơn là chia sẻ của biên kịch, đạo diễn, diễn viên, sẽ giúp bạn hiểu thêm về góc nhìn của họ về cuộc sống thông qua chính bộ phim.
The Victim’s Game không phải là cuộc chạy đua tìm ra hung thủ, mà là cuộc đấu tranh giữa 2 tư tưởng khác biệt: sống trong vô vọng, hay lựa chọn cái chết để giải thoát? Can đảm là lựa chọn sống tiếp, hay quyết định ra đi? Một cuộc giằng co giữa những người muốn được giải thoát và những người muốn níu giữ. Mỗi một cái chết được lật mở, là một bi kịch xuất hiện.
The Victim's Game khắc hoạ những con người bình thường với những vấn đề cũng bình thường không kém. Nhưng vì quá bình thường nên chúng ta hoặc nhắm mắt làm ngơ, hoặc không đủ sức nhận ra, đến khi những người mà chúng ta vẫn thường lướt qua hằng ngày đã không còn, ta mới nhận sự hiện diện của họ. Chính vì thế mà The Victim's Game dễ dàng kết nối với khán giả, nhất là những người luôn trăn trở về sống chết và guồng quay của xã hội. Những ai mong chờ một series hình sự, trinh thám điển hình kiểu CSI hay Bằng Chứng Thép, Pháp Y Tần Minh có lẽ sẽ thất vọng, nhưng nếu kiên nhẫn và tích cực nhìn nhận điểm sáng của nó, bạn sẽ thấy The Victim's Game thực sự chạm đến trái tim của người xem. Không thuộc dạng kịch tính, hồi hộp, nhưng phim sẽ làm bạn thoả mãn với cao trào và kết thúc cảm động, có hậu cho những nhân vật đã quá đau khổ.
Từng được đề cử Ảnh Đế tại giải Kim Mã, Trương Hiếu Toàn đã thể hiện tốt hình ảnh một điều tra viên Phương Nghị Nhậm mắc chứng Asperger, khiến anh ta khó giao tiếp bằng mắt và không thể bày tỏ cảm xúc với những người xung quanh. Không biết cách sống thế nào cho bình thường, Phương Nghị Nhậm đã nhiều lần quyết định sai lầm, đẩy con gái ra xa, nhưng quan trọng là trong thâm tâm, anh rất yêu con gái và luôn muốn điều tốt nhất cho con.
Sóng đôi cùng Trương Hiếu Toàn là Hứa Vỹ Ninh trong vai phóng viên/nhà báo tham vọng Từ Hải Nhân. Giới truyền thông trước giờ đã bị coi là lũ “kềnh kềnh" và chỉ quan tâm đến việc săn tin, phanh phui những tin tức nóng nhất, thậm chí là tin giả và định hướng dư luận. Chuyện truyền thông đại chúng ảnh hưởng đến quá trình điều tra hay kết quả của những vụ án trước giờ không phải là chuyện hiếm. Từ Hải Nhân không phải là nhân vật làm bạn đồng cảm ngay những tập đầu vì hình ảnh máu lạnh và vô tình. Nhưng việc gián tiếp gây ra cái chết cho Trương Bỉnh Vinh, dù tự sát là quyết định của anh ta, đã khiến cô thay đổi.
Cuối phim, khán giả đã bị Từ Hải Nhân chinh phục khi cô từ bỏ chấp niệm và không còn quan tâm đến việc Hiên Hiên sử dụng thông tin của mình để đưa tin, một tin tức cực kỳ nóng hổi mà cô đã cất công theo đuổi ngay từ đầu, tất cả vì cô nhận thức được ảnh hưởng của ngòi bút và những gì mình công bố. Buông bỏ đôi khi không phải là nhu nhược, mà chính là sự dũng cảm.
Vừa cạnh tranh, vừa đối đầu nhau, nhưng cũng đồng thời hợp tác với nhau, mối quan hệ phức tạp giữa phía cảnh sát và phía truyền thông được dựng nên rất rõ ràng và có chiều sâu trong The Victim's Game. Ai cũng cần phải sống, và ai cũng cần phải làm công việc của mình. Chai sạn trong guồng quay của sự nghiệp có thể khiến người ta mất đi nhân tính, lúc đó, chỉ cần một ai đó, một hoàn cảnh nào đó giúp họ nhận ra họ còn là người, cũng bị tổn thương, cũng có cảm xúc, để họ thực sự thức tỉnh trước nỗi đau của đồng loại và dừng việc làm tổn thương người khác.
Không nhẹ nhàng, cũng không quá bí hiểm, The Victim's Game là trò chơi của những nạn nhân, của những con người đã bị sức ép của xã hội và cuộc sống đẩy đến giới hạn. Phim không chỉ là giải trí, mà còn là liều thuốc cho tinh thần của con người, được tỉ mỉ dựng lên bằng nỗ lực trân trọng chủ đề nhạy cảm và nghiêm túc của các nhà làm phim.