[REVIEW] Thị Mai (Netflix) - Giải trí và đáng học hỏi

Đánh giá phim · Maii ·

Thi Mai - Rumbo a Vietnam (Thị Mai - Hành Trình Đến Việt Nam) là bộ phim vừa có tính giải trí, vừa có nhiều yếu tố đáng để chúng ta học hỏi.

Thi Mai – Rumbo a Vietnam (Thị Mai – Hành Trình Đến Việt Nam) là phim Tây Ban Nha được trình chiếu trên Netflix, đã có thời từng làm mưa làm gió trên các trang mạng xã hội Việt Nam. Một trong những điểm đầu tiên khiến bộ phim được chú ý cũng bởi bối cảnh liên quan đến chính đất nước chúng ta, cũng góc nhìn của người nước ngoài về Việt Nam – một nơi nghe có vẻ xa lạ với các nước Châu Âu như Tây Ban Nha.

Ảnh: Netflix
Ảnh: Netflix

Phim theo chân 3 người phụ nữ là Carmen (Carmen Machi), Rosa (Adriana Ozores), và Elvira (Aitana Sánchez-Gijón) trong hành trình đến Việt Nam để đón Thị Mai – cô bé mà con gái của Carmen đã hoàn thành thủ tục để nhận nuôi, nhưng chưa kịp thấy mặt con thì cô đã qua đời vì tai nạn. Carmen ngay từ lần đầu nhìn thấy Thị Mai đã cảm nhận được tình cảm và mối liên kết gia đình với cô bé. Mặc dù gặp nhiều rắc rối với thủ tục, bà vẫn quyết tâm đón Thị Mai về Tây Ban Nha sống với mình.

Việc Thị Mai gây được sự chú ý đến đơn thuần từ bối cảnh và góc nhìn thú vị của các nhân vật vốn là người nước ngoài về đất nước chúng ta như thế nào. Giả sử Thị Mai có bối cảnh là một đất nước khác, người viết nghĩ có lẽ sẽ chẳng ai quan tâm đến bộ phim này mấy bởi nội dung phim nhìn chung khá đơn giản, ít cao trào và chúng ta đều biết cuối cùng thì phim sẽ kết thúc đẹp với việc nhân vật đạt được mong muốn của mình. Tuy nhiên, nếu so với phim điện ảnh thương mại Việt Nam thì kể cả một bộ phim trung bình như Thị Mai, vẫn có nhiều điểm đáng học hỏi.

Ảnh: Netflix
Ảnh: Netflix

Nội dung phim mặc dù không có gì đáng nói, nhưng nhiều điểm nhấn mà vẫn có thể làm khán giả được thoải mái về mặt giải trí, không mang lại cảm giác quá nặng nề, nhưng chỉn chu và không quá hời hợt. Chẳng cần phải có dàn diễn viên trai xinh, gái đẹp hay câu chuyện tình yêu phong cách ngôn tình không mấy thực tế, Thị Mai chọn thu hút người xem ở những điểm tích cực khác như mặt hình ảnh tuyệt đẹp và sự hài hước nhẹ nhàng trong những câu thoại cho thấy sự khác nhau biệt về mặt văn hóa giữa Đông và Tây. 

Mặc dù được thực hiện bởi bàn tay của một vị đạo diễn người Tây Ban Nha là Patricia Ferreira, nhưng phim vẫn có khả năng bắt được rất nhiều khoảnh khắc giản dị về con người hay đẹp đến mức hùng vĩ của phong cảnh Việt Nam. Bối cảnh của phim gần như không hề mang đến cảm giác sắp đặt và họ tận dụng cả những cảnh đẹp vốn có ở đất nước hình chữ S này để tạo thành “phim trường mini”.

Ảnh: Netflix
Ảnh: Netflix

Quay chủ yếu ở Hà Nội và Hạ Long, Việt Nam xuất hiện trong Thị Mai vừa lạ, nhưng cũng vừa gần gũi vô cùng với dòng người tấp nập, các cô, các chị trùm kín mít từ đầu xuống chân, khu chợ ồn ào người người đi lại như mắc cửi, những cánh đồng lúa vàng, một quán cơm lề đường với đủ món thịt cá canh rau cho đến hình ảnh một ngôi đền cổ kính… tất cả đều rất tự nhiên và không tô vẽ. Những cảnh quay ở Hạ Long chỉ thoáng chốc nhưng vô cùng đẹp, màu phim rất tự nhiên, chẳng cần chỉnh sửa mấy.

Ngoài ra, phim còn làm rất tốt khi nắm bắt được góc nhìn của người nước ngoài về Việt Nam cũng như những định kiến, ý kiến trái chiều về quê hương của chúng ta theo cách rất dí dỏm và hài hước mà người xem chẳng thể nào khó chịu nổi.

“Việt Nam à? Không phải ở đó còn chiến tranh sao?”

“Ở đấy họ ăn thịt chó đó!”

“Sao ai ra đường cũng trùm kín mít vậy?”, “Chắc là do tôn giáo.”

“Mấy người này đã thắng 2 cuộc chiến tranh đấy. Họ không có ngu đâu.”  

Và nhiều cuộc đối thoại hài hước khác nữa xuyên suốt bộ phim. Dù vậy, phim không sa đà vào trải nghiệm ở một đất nước xa lạ của các nhân vật chính mà tập trung vào mạch truyện lớn nhất là việc “đòi con nuôi” của Carmen và những người bạn. Thị Mai là mối liên kết cuối cùng với đứa con gái ruột đã mất nên Carmen quyết tâm đón cô bé về. Rắc rối của Carmen nhìn chung thì chẳng phải do lỗi của bên nào cả, nhưng cuối cùng với lòng quyết tâm, cô cũng có thể đoàn tụ với Thị Mai nhờ chiến thắng của tình người. Dù cái kết có vẻ đơn giản và có thể đoán trước được, nhưng đủ nhân văn và thỏa mãn đối với khán giả đại chúng.

Ảnh: Netflix
Ảnh: Netflix

Ngoài hành trình đi tìm cô con gái nuôi của Carmen, Thị Mai còn lồng vào đó câu chuyện của những người bạn xung quanh cô là Carmen, Rosa, và Elvira - vốn là những người phụ nữ đã không còn trẻ trung gì nữa. Họ có cuộc sống gia đình và những rắc rối riêng mà những người còn lại đôi khi không thể hiểu được. Rosa thì dành cả ngày chăm sóc chồng con như một công việc toàn thời gian từ sáng sớm khi thức dậy cho đến lúc đi ngủ. Tuy chồng cô chẳng thể làm được gì ra hồn ở nhà nếu thiếu cô, nhưng lại kiểm soát gắt gao chuyện chi tiêu trong gia đình khiến bạn cô rất bất bình. Elvira thì vì quá chăm lo cho sự nghiệp mà khi đã đến tuổi xế chiều và phải nghỉ hưu, cô bất chợt nhận ra hình như mình chẳng còn ai bên cạnh ngoài những cô bạn già đã có gia đình để chăm lo. Nhưng sau chuyến đi đó, Carmen có được Thị Mai, Elvira thì tìm được một người đàn ông mà cô cảm mến và Rosa thì học được cách tận hưởng cuộc sống mà không phải bận bịu trả lời chồng cô rằng thức ăn cho chó ở nhà cô để đâu. Andres, anh chàng đồng hương họ gặp khi đến Việt Nam thì tìm được những người bạn xứng đáng hơn tình cũ đã lừa dối anh. Sau chuyến hành trình ấy, họ đều đã tìm được chút gì đó mới mẻ trong cuộc sống của mình.

Ảnh: Netflix
Ảnh: Netflix

Nhìn chung, nếu so với mặt bằng chung của điện ảnh Tây Ban Nha (vốn cũng có nhiều phim rất hay chẳng kém Hollywood), thì Thị Mai có thể chỉ vừa đủ giải trí và không hẳn là một phim quá nổi bật. Nhưng vẫn rất đáng để chúng ta học hỏi về mặt kịch bản, cảnh quay, màu sắc… cũng như cách tạo ra điểm nhấn trong một bộ phim có nội dung trông có vẻ bình thường.