[REVIEW] Thiện, Ác, Tà – 52 năm nhìn lại một kiệt tác phong cách cao bồi Ý

Đánh giá phim · Maii ·

Mặc dù có cốt truyện đơn giản, nhưng cách dẫn dắt của phim lại cho thấy sự tinh tế, phức tạp và bất ngờ, đủ để khiến người ta hiểu tại sao The Good, The Bad and The Ugly lại trở thành phim cao bồi kinh điển.

Kéo xuống để xem tiếp

The Good, The Bad and The Ugly (Tựa Ý: Il Buono, Il Brutto, Il Cattivo) – Thiện, Ác, Tà ra đời năm 1966 do đạo diễn Sergio Leone chỉ đạo chính. Đây là một trong các phim cao bồi kinh điển, nhận được vô số lời khen ngợi về mặt phê bình cũng như mang đến thành công lớn về mặt thương mại.

Phim có sự tham gia của Clint Eastwood, Lee Van Cleef, Eli Wallach xoay quanh ba nhân vật: Thiện (Clint Eastwood) – một kẻ vô danh có biệt danh là Blondie do mái tóc vàng; Ác (Lee Van Cleef) – tên thật là Angel Eyes (Mắt Thiên Thần), một kẻ tàn nhẫn, sẵn sàng đánh đập, tra tấn, giết người không ghê tay nhằm đạt được mục đích; và cuối cùng là Tà (Eli Wallach) – một kẻ vô lại tên thật là Tuco, chuyên sống nghề trộm cướp.

Cả ba đều theo đuổi một mục tiêu là $200.000 bằng tiền vàng, được chôn dưới ngôi mộ trong một nghĩa trang. Lấy bối cảnh giữa cao trào cuộc nội chiến 2 miền Nam, Bắc nước Mỹ, 3 kẻ Thiện, Ác, Tà vô tình gặp gỡ, đối đầu và cuối cùng là quyết chiến để giành lấy số tiền ấy.

Mặc dù có cốt truyện đơn giản, nhưng cách dẫn dắt của phim lại cho thấy sự tinh tế, phức tạp và bất ngờ, đủ để khiến người ta hiểu tại sao The Good, The Bad and The Ugly lại trở thành phim cao bồi kinh điển. Những góc quay rộng, cú máy dài và nét bạo lực (so với tiêu chuẩn thời đó), chính là những yếu tố làm nên phong cách phim rất đặc trưng của Sergio Leone. Điểm nổi bật khác của bộ phim đó chính là phần thoại khá hạn chế về thời lượng nhưng gọn ghẽ về chất lượng đến mức tối đa. Không có những màn rao giảng triết lý, không có những phân đoạn cảm hóa tốt xấu của nhân vật, các nhân vật trên phim sống đúng với bản chất, thoại đúng với bản chất và phần đánh giá nhân vật còn lại thế nào thì trao cho khán giả.

Phim sử dụng nhiều hình ảnh đối lập để tạo nên sự cân bằng, một yếu tố mà thường các phim kinh điển (Schindler’s List, The Godfather…) thường dùng, nhưng các phim hiện đại ngày nay thì vận dụng khá ít. Một kẻ vô nhân tính lại có tên là Angel Eyes (Mắt Thiên Thần), một kẻ cướp bẩn thỉu lại có người anh trai là mục sư, cảnh tra tấn diễn lại ra dưới nền nhạc của một bài thánh ca… các tình tiết và hình ảnh được thể hiện trong phim có phong cách giễu nhại vừa ý nhị mà tinh tế.

Clint Eastwood vai Thiện/Blondie trong phim có thời lượng lên hình không nhiều bằng vai Tà, nhưng vẫn là nhân vật mang đến ấn tượng cho khán giả nhiều nhất. Blondie sống theo quy tắc của riêng mình, thi thoảng bày tỏ sự cảm thông cho những người đã hi sinh trên chiến trường hoặc chấp nhận đứng về phía Tà để chống lại Ác…  Blondie không phải là kiểu nhân vật anh hùng luôn luôn đúng và bất khả chiến bại mà là nhân vật phản anh hùng, không ra tay tàn sát và nhẫn tâm như kẻ Ác, nhưng nếu có thù thì ắt sẽ trả.

Dáng người dong dỏng cao, vẻ lạnh lùng, miệng ngậm xì gà, tay giắt súng và gương mặt phong trần, lãng tử của Blondie chính là hình ảnh của một “thiên thần tóc vàng” (cách mà Angel Eye gọi anh) giữa một rừng các nhân vật nếu không phải dạng bần cùng, vô lại, thì cũng là dạng ác nhân, cục súc.

Hành trình tranh giành những đồng tiền vàng được đặt giữa bối cảnh chiến tranh, tàn sát khiến bộ phim không chỉ đơn thuần là phim bao bồi viễn Tây mà còn là bộ phim mang tinh thần phản chiến. Phim đã đặt ra tiêu chuẩn cao cho các phim cao bồi sau này, với hình ảnh, âm nhạc và những cảnh đấu súng đã trở thành kinh điển.

Một điều quan trọng khi thưởng thức phim không phải là đoán xem ai sẽ là người chiến thắng sau cùng, mà quan trọng là hành trình họ đối đầu, trả thù, hợp tác và phản bội nhau trong cuộc chiến ấy ra sao. Cảnh đấu súng kết thúc của 3 nhân vật giữa một vùng đất hình oval khô cằn trong nghĩa trang chính là cảnh hồi hộp và gay cấn nhất. 3 người, kẻ ác, kẻ tà và người thiện, ai sẽ bị loại đầu tiên và cuộc đấu súng cuối cùng sẽ dành cho 2 kẻ nào xứng đáng nhất?

Cuộc sống thay đổi khiến gu thưởng thức phim của khán giả cũng thay đổi theo. Một bộ phim 3 tiếng với những tình tiết nhỏ được chăm chút như dò theo dấu vết kẻ thù bằng thuốc lá, thử súng, cầu nguyện, bưng nước, uống rượu… có lẽ không hợp với khán giả bây giờ lắm. The Good, The Bad and The Ugly không phải phim bom tấn với những cảnh hành động cháy nổ ngập trời, anh hùng đánh nhau với kẻ xấu tan nát… mà là đấu súng xen lẫn với đấu trí, kẻ chiến thắng cuối cùng phải là kẻ thông minh, láu cá và may mắn nhất.