[REVIEW] Thiên Sứ Không Phép Màu
Không có gì kinh khủng hơn việc ngồi xem một bộ phim với chất lượng tệ hại, dù cho ý tưởng có tốt đến thế nào. Thiên Sứ Không Phép Màu là một trong số đó.
Lấy chủ đề du hành thời gian, Thiên Sứ Không Phép Màu xoay quanh nhân vật Dũng (Dương Cường), một chàng trai nghèo làm nghề chài lưới. Một ngày, anh phát hiện mình có khả năng nhìn thấy trước tương lai, xâm nhập ký ức của con người, và làm thay đổi quá khứ của người đó. Nhờ vào khả năng này, Dũng đã cứu được nhiều người. Giờ đây, anh phải chạy đua với thời gian để cứu 2 người quan trọng nhất đời anh.
Khác với cái tên khá thi vị của phim, Thiên Sứ Không Phép Màu cần lắm một phép màu để cứu lấy kịch bản tệ hại. Từ đầu đến cuối, bộ phim chỉ mang lại cho người xem cảm giác mơ hồ khó chịu mãi không thể rũ bỏ. Các phân cảnh được cắt xén vô cùng cẩu thả, khiến câu chuyện không được liền mạch. Giai đoạn chuyển cảnh cũng không được nhịp nhàng, chúng đến thật đột ngột làm người xem không kịp nắm bắt nội dung. Đặc biệt, khán giả không thể phân biệt được đâu là hồi tưởng, đâu là hiện tại.
Bộ phim không hề sáng tạo những nguyên tắc mới, mà tận dụng tính nhân quả truyền thống của chủ đề du hành thời gian làm xương sống cho phim: nếu thay đổi quá khứ, tương lai cũng thay đổi theo. Điều đáng nói là các nhân vật trong phim sở hữu khả năng siêu nhiên như Dũng không những tâm niệm điều này, mà còn ra rả về nó suốt cả đoạn đầu của phim. Vậy mà, đến cuối cùng, chính họ cũng tự đạp đổ chính nguyên tắc này. Hành động này đã làm bộ phim mất đi tính nhất quán và trở thành mớ hỗn độn thật sự. Như vậy, dù tiếp cận chủ đề du hành thời gian, nhưng Thiên Sứ Không Phép Màu lại không hề chú ý đến những nguyên tắc khoa học, hợp logic của các nguyên lý về thời gian, khiến người xem một lần nữa rơi vào hố đen khó hiểu. Họ cảm giác bộ phim như một trò chơi khăm vào lễ Halloween.
Thế nhưng, lỗi lầm này không thuộc về diễn viên, mà thuộc về kịch bản. Đạo diễn Lê Nhã Huy đã quá tham vọng khi kiêm cả ba vai trò đạo diễn-biên kịch-nhà sản xuất. Nên cuối cùng, thành quả của ông là một câu chuyện phi logic đến cùng cực. Bộ phim đã chọn nước đi an toàn khi cho câu chuyện một cái kết có hậu. Nhưng sự o ép đã làm suy yếu mạnh mẽ ý nghĩa mà phim muốn truyền đạt. Nó làm Thiên Sứ Không Phép Màu trở nên nhạt nhẽo, không thể đọng lại chút ấn tượng tích cực nào trong lòng khán giả để gỡ gạc chút gì đó cho phim.
Người xem có thể bỏ qua diễn xuất, vì biết đây là lần đầu thử sức của hai diễn viên chính, người xem có thể bỏ qua những lời thoại trẻ con đến nông cạn của phim, bỏ qua những cái đập chan chát vào mặt đến từ người chỉnh sửa với cách cắt ghép như trên, thậm chí là bỏ qua sự vô duyên của những câu hài nhạt nhẽo, nhưng tuyệt đối họ sẽ không bỏ qua các chi tiết như muốn cười vào trí tuệ của người xem.
Việc xây dựng những tuyến nhân vật cũng không khá khẩm hơn. Các nhân vật trong phim, từ chính cho đến phụ, đều chỉ có một tông màu tẻ nhạt, biểu cảm hầu như không thay đổi. Tạo hình từ trên xuống dưới không đạt tính thống nhất nào. Duy chỉ có vai trò của họ là được làm rõ. Nhờ vào những câu thoại ngây ngô mà mạch cảm xúc giữa nữ chính và nam chính, cũng như sự tương tác giữa các nhân vật ngày càng biến thành một vở cải lương sướt mướt.
Có lẽ, chính vì sự nghèo nàn trong diễn xuất đã khiến mỗi lần những khúc nhạc phim vang lên, khán giả cảm giác chúng đang nói hộ những cảm xúc mà các diễn viên tay mơ không thể thể hiện. Nhưng chúng chỉ góp phần biến bộ phim thành video âm nhạc quá dài hơn là một dự án điện ảnh. Đây là điều hết sức tai hại cho bất cứ bộ phim nào. Vì điện ảnh chú trọng biểu cảm và diễn xuất, phần âm nhạc chỉ là phụ.
Lẽ ra, Lê Nhã Huy nên giới hạn bộ phim cho tinh gọn hơn. Sự hài hước vô duyên của phim thật sự không cần thiết và nên được lược bỏ. Ông hoàn toàn có thể đi thuần về thể loại chính kịch. Điều này cho phép ông giảm tải nhiều nhân vật dư thừa. Nếu đi thuần về chính kịch, Lê Nhã Huy có thể mạnh dạn cho phim một cái kết không cổ tích, mà đánh vào sự lựa chọn giữa hai bên, để đặt nhân vật chính vào một tuyến truyện có sức nặng hơn.
Nhìn chung, Thiên Sứ Không Phép Màu mặc dù ý tưởng khá tốt và mang tính sáng tạo, nhưng cách thực hiện thực sự quá tệ. Và bộ phim trở thành một trải nghiệm làm người xem không khỏi nhíu mày khó chịu.