[REVIEW] Wrath of Man (Gã Điên Báo Thù)
Jason Statham và Guy Ritchie tạo nên một bộ phim hành động đáng tiền.
Wrath of Man (Gã Điên Báo Thù) – một bộ phim chứng tỏ cuốn hút khi diễn viên đầm mình vào thế mạnh của anh ta và đạo diễn thử một phong cách mới.
Tâm điểm chính của Wrath of Man là Patrick Hill (Jason Statham), nhân viên mới của một công ty bảo vệ các xe chở tiền cho ngân hàng. Hill gia nhập công ty giữa làn sóng các chuyến xe này bị băng cướp đặc biệt chuyên nghiệp phục kích và đánh cướp. Phi vụ gần nhất đã dẫn đến cái chết của 2 nhân viên và một dân thường. Hill đến và trong một lần đi vận chuyển, Hill đã một tay tiễn bọn cướp về trời. Từ đó, anh chàng lính mới được xem là anh hùng địa phương. Nhưng có điều gì đó bất thường ở đây. Hill quá chuyên nghiệp và thiện chiến để làm công việc bảo vệ xoàng xĩnh như thế này.
Đây là bộ phim đánh dấu lần hội ngộ sau 25 năm kể từ lần hợp tác đầu tiên của Jason Statham và Guy Ritchie. Trên bề mặt, người ta không lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến một Jason Statham mặt lạnh, ánh mắt hằn học tả xung hữu đột giữa một bầy cướp với độ bạo lực như được vặn lên ở mức tối đa. Nhưng các mọt phim sẽ thấy bất ngờ khi biết bộ óc đứng sau Wrath of Man là Guy Ritchie. Vì phong cách được thể hiện trong đây chẳng mấy “thét lên” dấu ấn thường thấy của vị đạo diễn này.
Mặc dù vẫn giữ độ bóng bẩy, chăm chút từng khung hình và màu sắc đẹp đẽ, sắc nét, nhịp điệu nhanh nhạy, hỗn loạn luôn thúc đẩy các nhân vật chuyển động, vội vã của các góc máy thường thấy trong hai phần phim Sherlock Holmes, The Man from U.N.C.L.E, The Gentlemen đã lùi lại để nhườn chỗ cho một phong cách làm phim có trật tự hơn, được kiểm soát bằng việc chia chương và thể hiện qua tuyến thời gian phi tuyến tính. Sự thay đổi này thật lạ lẫm với cái tên Guy Ritchie, nhưng nó là một hướng đi mới đáng hoang nghênh.
Các phim của Ritchie có thể có kịch bản thường thường, nhưng điểm nhấn của chúng chính là các nhân vật. Thật ra khi nói phim của vị đạo diễn người Anh hay vì nhân vật đặc sắc cũng không sai. Họ đem đến một hơi thở mới tràn đầy năng lượng đến với bộ phim và phần nào bù đắp cho sự thiếu hụt của câu chuyện. Như Henry Cavil, Armie Hammer và Alicia Vikander đã làm với The Man from U.N.C.L.E hay Charlie Hunnam “cứu vớt” phần nào của King Arthur: Legend of the Sword, Jason Statham hòa mình vào vai Patrick Hill với tất cả các sở trường của anh là một cảnh tượng rất ư là vừa mắt khán giả và là điểm thu hút bù trừ cho sự dễ đoán của câu chuyện đang cố gắng thấm nhuần chất neo-noir và cốt cách thành thị. Điều tích cực là Ritchie đã vào vai Chúa và để các nhân vật giao thoa như một trò đùa của số phận một cách tự nhiên nhất có thể, bất chấp các lỗ hổng logic rải rác.
Trông bối cảnh các anh hùng/phản anh hùng hành động ngày càng như một khuôn đúc ra, màn thể hiện của Statham đặc biệt mang cảm giác mới lạ. Kết hợp với lối kể chuyện tinh tế hơn từ Ritchie, dáng vẻ bặm trợn kiểu Anh của nhân vật chính thúc đẩy kịch bản và giữ cho phim năng động ngay cả trong các phân cảnh dàn trải. Rũ bỏ dáng vẻ “tấu hài” thường thấy, nam diễn viên thể hiện cái chất của ngôi sao hành động đến từ xứ sương mù với cốt giang hồ châu Âu so với các nhân vật tương tự trong văn hóa Mỹ.
Có nét tinh tế và cắt tỉa trong dáng vẻ và hành động của Patrick Hill. Anh ta làm nhiều hơn nói, suy tính sâu xa, thường trầm tư và chọn dáng vẻ đạo mạo, có phần chải chuốc, trong khi vẫn bạo lực chẳng kém John Wick. Có vẻ như đây là chỗ mà Ritchie thể hiện một chút khiếu hài hước của mình. Vị đạo diễn đã nhấn nhá nét tương phản này khi đặt Statham – tay giang hồ thanh lịch Anh Quốc và Scott Eastwood - hình mẫu “cao bồi” kiểu Mỹ ở thế đối đầu.
Dung nạp mọi yếu tố, Wrath of Man thu hút lạ thường dù cốt truyện chẳng có mấy biến hóa. Các phân cảnh hành động không dồn dập nhưng việc sắp xếp tình tiết khôn ngoan giữ người xem tò mò đến phút cuối, nhất là màn mổ xẻ thân phận thật của Hill. Tiếc thay, Wrath of Man không có sức bền như nam chính của nó. Sau những màn đối đầu dữ dội và cơn thịnh nộ thiêu cháy thế giới ngầm của gã trọc, màn cao trào không quá mãnh liệt như cốt truyện đã hứa hẹn ngay từ đầu. Có vẻ như phim đã đuối sức hoặc không muốn tuân theo lối mòn của kiểu mẫu anh hùng đơn độc. Điều đó khiến Wrath of Man có chút khác biệt và gây chút bất ngờ, nhưng phần nào khiến phim hơi bị thuần hóa so với lúc đầu. Đặc biệt là ở một phim nam tính như thế này, màn cao trào này dễ mang lại cảm giác hụt hẫng.
Nhưng đến cuối cùng, xét về mặt tổng thể, Wrath of Man là một phim hành động đáng đồng tiền bát gạo, thỏa mãn được nhu cầu giải trí mà vẫn không khiến bạn cảm thấy não bộ như đang chìm vào cơn mê ngủ như phần lớn các phim hành động hạng B tràn lan trên thị trường.