Song of the Sea - Bản tình ca của biển được hát bằng điện ảnh
Tin điện ảnh · MarsLe ·
Bộ phim hoạt hình hợp tác giữa Ireland, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Luxembourg có một câu chuyện nên thơ và đề cập tới chuyện đối diện với nỗi đau nhân sinh.
Khách du lịch đến thăm Ireland thường bất ngờ trước cảnh tượng những đàn hải cẩu nô đùa với sóng biển. Thỉnh thoảng có những chú hải cẩu nhô hẳn đầu lên mặt nước ngắm nhìn những người khách viễn phương như thể chăm chú và tò mò lắm. Người dân địa phương vẫn kể cho nhau nghe những truyền thuyết về “selkie” - “người hải cẩu”. Họ là những sinh vật thần thoại, khi trút bỏ bộ da hải cẩu đi sẽ trở thành những đàn ông, đàn bà tuyệt đẹp.
Một người phàm có thể phải lòng một selkie, tìm cách giấu đi bộ lông của nàng và lấy nàng làm vợ. Nhưng mối duyên này thường chóng tàn vì một khi selkie tìm thấy bộ lông của mình, họ sẽ quay trở về biển cả và mãi mãi không trở lại.
Dựa trên truyền thuyết về những selkie, đạo diễn người Ireland - Tomm Moore - đã sáng tạo nên bộ phim hoạt hình mang tên Song of the Sea. Bộ phim lọt vào danh sách đề cử Oscar cho “Phim hoạt hình hay nhất” năm nay. Khi chiến thắng thuộc về Big Hero 6, giới mộ điệu tỏ ý không phục và cho rằng Viện Hàn lâm Mỹ đã dành quá nhiều ưu ái cho Disney. Những bộ phim xuất sắc hơn như The Tale of Princess Kaguya hay Song of the Sea đã không được vinh danh xứng đáng.
Mang đậm dấu ấn văn hóa Celtic, Song of the Sea là câu chuyện về hai anh em Ben và Saoirse, sống ở một ngọn hải đăng bên bờ biển. Nhiều năm trước, người mẹ hạ sinh Saoirse rồi biến mất trong lớp sóng bạc. Cậu anh Ben từ đó luôn trách móc, bắt nạt em vì cho rằng cô bé chính là nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ. Người cha thì chìm vào nỗi đau buồn đến mức lơ là, bỏ bê hai đứa trẻ. Bà nội của hai em liền đón Ben và Saoirse về thành phố để tiện chăm sóc. Tuy nhiên, hai đứa trẻ tìm cách bỏ trốn về ngọn hải đăng.
Hành trình trở về của các em là cuộc diện kiến với những vị tiên, người kể chuyện vĩ đại, mụ phù thủy đáng sợ hay tất cả những nhân vật thần thoại từng xuất hiện trong câu chuyện của mẹ.
Song of the Sea là sự giao nhau của thế giới hiện thực và thế giới thần tiên. Bên cạnh những xe bus, đài radio hay tàu thủy của thế giới hiện đại, là một thế giới khác: thế giới của những thần thoại bị lãng quên. Ở đó có những người khổng lồ bị hóa đá, những vị tiên mong mỏi được trở về quê hương, những phù thủy già có khả năng hút cạn cảm xúc của con người… Tất cả đều đang chờ đợi được giải thoát và cứu rỗi nhờ tiếng hát từ nàng selkie cuối cùng.
Song of the Sea là một bộ phim thẫm đẫm bầu không khí của những huyền thoại. Bộ phim bay bổng và rực rỡ như một giấc mơ. Tomm Moore đã chọn cách kể chuyện không có cao trào, điểm nhấn, kịch tính. Thay vào đó, nhịp phim chậm rãi, nhẹ nhàng, êm ả như tiếng sóng biển đều đều vỗ vào vách đá hoặc như tiếng người mẹ vẫn thường hát ru cho Ben trước đây.
Bộ phim có nhiều nét tương đồng với The Tale of Princess Kaguya. Cả hai đều được vẽ bằng tay, chủ yếu từ chì và màu nước. Nếu Kaguya có cách vẽ mộc mạc, tối giản, thì Song of the Sea rực rỡ và tỉ mẩn đến từng chi tiết. Tông màu lục, lam, thổ hoàng khiến Song of the Sea nổi bật và khác hẳn so với những phim hoạt hình khác cùng được đề cử Oscar.
Cả The Tale of Princess Kaguya và Song of the Sea đều bắt rễ sâu sắc từ các các truyền thuyết dân gian. Cả hai đều là câu chuyện về những sinh vật siêu nhiên, sống lẫn với con người trong một thời gian ngắn ngủi, khi hết duyên trần thì buộc phải quay trở về với giống nòi. Cả hai phim cũng đề cập đến cách đối diện với nỗi đau nhân sinh.
Trong câu chuyện về nàng tiên ống tre, Kaguya buộc phải khoác chiếc áo thần, để quên hết quá khứ buồn đau trước khi bay về trời. Trong Song of the Sea, phù thủy Macha chọn cách hút hết cảm xúc để giúp mình và mọi người không phải chịu đựng những nỗi đau. Tuy nhiên, nếu Song of the Sea chọn một kết thúc tươi sáng, phù hợp với trẻ con thì The Tale of Princess Kaguya của đạo diễn gạo cội Isao Takahata để lại dư âm ngậm ngùi, nuối tiếc hơn.
Âm nhạc cũng là một điểm cộng của Song of the Sea. Sự kết hợp của sáo, hạc cầm, trống bodhran và đàn dulcimer tạo nên một bầu không khí êm đềm, tĩnh lặng và thần bí của những câu chuyện cổ. Trẻ con nên xem bộ phim này để học cách sống hòa thuận và yêu thương những anh chị em ruột thịt của mình. Người lớn càng nên xem bởi chỉ có người lớn mới cảm nhận được rõ hơn sự độc đáo, nên thơ trong câu chuyện, hình ảnh và âm nhạc mà bộ phim mang lại.