Sự biến chuyển của phim học đường Mỹ trong 20 năm trở lại đây
Tin điện ảnh · VLynd ·
Tuy lấy đề tài học đường nhưng những yếu tố như tình cảm gia đình, biến đổi tâm sinh lý và tình yêu tuổi học trò đều được khai thác triệt để.
Một trong những chủ đề mà các nhà làm phim không bao giờ cạn kiệt ý tưởng chính là học đường. Đây cũng là đề tài mà phản ánh chân thật nhất xã hội Mỹ với những cậu ấm cô chiêu lắm trò. Suốt 20 năm qua, những bộ phim về đề tài học đường dù là điện ảnh hay truyền hình đều gắng với những diễn biến ngoài xã hội. Tuy lấy đề tài học đường nhưng những yếu tố như tình cảm gia đình, biến đổi tâm sinh lý và tình yêu tuổi học trò đều được khai thác triệt để.
Tầm 10 - 20 năm trước, những bộ phim về đề tài học đường tuy dành cho tuổi teen thường có hình ảnh trong sáng, lứa tuổi nào cũng có thể thưởng thức. Cốt truyện khá đơn giản, xoay quanh những lời đồn ác ý ảnh hưởng đến một cá nhân như thế nào, những ước mơ, hoài bão được một cá nhân quyết tâm thực hiện ra sao và hơn hết là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được khai thác triệt để.
Trong giai đoạn này, hẳn các bạn thuộc thế hệ 8x và đầu 9x sẽ không quên những bộ phim như 10 Things I Hate About You, Dawson’s Creek, Alex Mack và Sabrina The Teenage Witch. Tuy nội dung chỉ xoay quanh chuyện trường lớp nhưng không vì thế mà các phim học đường trong giai đoạn này thiếu chiều sâu. Các khía cạnh tâm lý, những biến đổi tâm trạng của các nhân vật, đặc biệt là các cô cậu vừa trổ mã đều được khai thác triệt để. Bên cạnh đó, tâm trạng của các bậc phụ huynh khi có con bước vào độ tuổi dở dở ương ương cũng được chăm chút để khán giả nhìn rõ chiều sâu của một gia đình và cách giải quyết sao cho hợp lý khi những người làm cha làm mẹ có con cái đang trong giai đoạn này.
Mượn yếu tố phép thuật để bộ phim trở nên thú vị hơn nhưng Alex Mack và Sabrina The Teenage Witch không bỏ quên đặc trưng tâm sinh lý của tuổi mới lớn. Đồng thời, họ cũng bước đầu đề cập tới vấn đề xã hội thời bấy giờ như mối quan hệ bình đẳng với người da màu và người đồng tính, thể hiện một cái nhìn thoáng hơn các quan niệm xưa cũ và hơn hết là mục đích giáo dục thế hệ sau trở nên cởi mở hơn. Trong 10 Things I Hate About You và Dawson’s Creek, người xem có thể thấy rõ những gì diễn ra trong môi trường học đường, các cô cậu tán tỉnh nhau như thế nào và tình bạn dây mơ rễ má được phát triển ra sao. Khi các phương tiện truyền thông, mạng xã hội chưa phát triển mạnh mẽ, những bức thư tay trao nhau vô cùng hồi hộp, những màn lén tặng quà trong tủ cá nhân của bạn học trên hành lang gây cấn thế nào và làm sao để vừa hẹn hò, vừa đảm bảo kết quả học tập để tránh bị thầy cô tuýt còi. Các bậc cha mẹ thời bấy giờ có xu hướng cấm đoán, khắt khe với con cái nhiều hơn dù vẫn yêu thương con nhưng tình yêu ấy không được bộc lộ một cách rõ ràng như bây giờ. Có thể, họ phải vật lộn với những công việc thường ngày để nuôi đủ mấy miệng ăn trong gia đình nên không đủ thời gian lắng nghe những tâm sự tuổi mới lớn, nhưng nhìn chung, khi những đứa con trở nên mong manh nhất, cha mẹ sẽ xuất hiện như một vị thần và chở che cho con cái.
Sang đầu những năm 2000, cùng với sự phát triển của internet, các cô cậu bắt đầu muốn gây chú ý nhiều hơn. Qua những bộ phim như High School Musical, The Princess Diaries, Greek, Mean Girls, A Cinderella Story, Ned's Declassified School Survival Guide hay loạt phim sitcom của Disney như Lizzie McGuire, Wizards of Waverly Place, Hannah Montana... đời sống học đường dần trở nên khác biệt so với thế hệ trước. Môi trường học đường giữa công và tư có sự phân định rõ ràng, chẳng hạn như ở trường công, bọn con trai sẽ có xu hướng bắt nạt đứa yếu thế hơn bằng bạo lực và ngược lại, những đứa con gái ở trường tư luôn thích tra tấn tinh thần một cô nàng bằng những trò cô lập, khẩu nghiệp. Bên cạnh những vấn đề như yêu đương nhăng nhít, điểm số đủ chuẩn hay chưa, các bạn trẻ trong trường đều muốn bản thân là một người nổi bật, được cả trường biết đến và tung hô, những anh chàng ngôi sao thể thao đều bị gắn mác là được sức trâu, giỏi tán gái nhờ vẻ ngoài nhưng học hành chẳng tới đâu, những cô nàng trong đội cổ vũ là mấy cô gái chảnh choẹ, chỉ lo làm đẹp, sẵn sàng ngủ với cả đội bóng và điểm chung của hai hội là không ưa gì và hay bắt nạt bọn mọt sách, những cô cậu có phần mờ nhạt trong trường.
Nếu bộ phim lấy bối cảnh học đường vào những năm cuối cấp thì những vấn đề như đi dự dạ hội, lo lắng cho đợt đăng ký đại học đều được khai thác một cách hài hước và gần gũi. Chẳng cô cậu nào muốn đến một buổi vũ hội trung học lẻ loi và những cô nàng anh chàng xinh đẹp nhất định phải lo vận động cho ngôi vị King & Queen. Trường học cấm đoán là thế nhưng vẫn có những pha lén uống đồ uống có cồn, hút thuốc và phá phách tưng bừng đều được các nhà làm phim thể hiện chân thật nhất. Đây là một trong những giai đoạn quan trọng nhất cuộc đời của một học sinh, đặc biệt khi người học sinh đó được nhận vào ngôi trường mong ước và có một đêm vũ hội thật hạnh phúc bên người yêu và bạn bè trước khi bước sang một giai đoạn mới nên các nhà làm phim không thể bỏ qua vấn đề hấp dẫn này.
Nhìn chung, giai đoạn này vẫn tập trung vào bản thân và sự phát triển tâm lý của một (hoặc hai ba) nhân vật chính, gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng các cô cậu phải đối đầu và tự xử lý một tình huống. Trong giai đoạn này, mầm mống về sự bắt nạt bắt đầu được gióng lên như một hồi chuông báo động cho những năm 2010.
Trong khoảng thời gian gần đây, đề tài bắt nạt được khai thác triệt để. Nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội, nạn bắt nạt được đưa lên phim ảnh với những thông điệp mà người lớn phải rùng mình. Chẳng những mấy trò đánh đấm, bạo hành tinh thần ngày càng ác liệt và tinh vi hơn, nạn nhân còn bị bêu rếu trên các trang mạng xã hội một cách cay nghiệt. Những vụ bắt nạt trong trường học thật sự trở nên đáng quan ngại và bộ phim truyền hình 13 Reasons Why đã làm tốt khi cho thế giới thấy bộ mặt xấu xí của môi trường học đường. Nạn nhân của một vụ bắt nạt có thể là bất kỳ ai chứ không hề theo một quy chuẩn như trước, đồng tính – dị tính, mọt sách – sành điệu, cầu thủ – anh chàng lập dị, chỉ cần không làm vừa lòng đám đông, bạn sẽ được vào danh sách đen của cả trường. Cũng khai thác tốt môi trường học đường như một xã hội thu nhỏ nhưng với phong cách nhạc kịch, không quá nặng nề, Glee một thời ghi điểm với khán giả khi lồng ghép những bài hát cực kỳ thịnh hành, cũng như cổ điển vào từng tập phim một cách tài tình, khiến người xem phải mong chờ những tập tiếp theo.
Dĩ nhiên phim học đường thời này cũng không thể thiếu đi yếu tố tình cảm nhưng thay vì tình yêu trai gái, những mối quan hệ đồng tính trong sáng dần dần được hé mở, phát triển từ lén lút đến công khai khó khăn ra sao, các bậc cha mẹ đón nhận với một tâm lý như thế nào. Dù là phim ảnh trong bất kỳ thời kỳ nào, dù xuất hiện ít hay nhiều, vai trò của phụ huynh chưa bao giờ được hạ thấp và giai đoạn này cũng vậy, cha mẹ giống như một người bạn có thể lắng nghe tâm tư tình cảm của con cái hơn ngày trước và sẵn sàng lên tiếng, thay vì chỉ nghe theo những gì giáo viên thuật lại. Như một motif quen thuộc, tâm sinh lý của con biến đổi ắt hẳn sẽ có những sự xung đột với phụ huynh và rồi cuối cùng gia đình làm hoà, mọi chuyện trở về như xưa.
Nói về điểm chung giữa các bộ phim học đường, những bộ phim này là bước đệm vô cùng vững vàng cho sự nghiệp của các diễn viên, tài năng trẻ. Không ít những cái tên như Heath Ledger, Joshep Gordon-Levitt, Michelle Williams, Miley Cyrus, Selena Gomez... vụt sáng thành sao, dù là trong đóng phim hay các lĩnh vực nghệ thuật khác.
Sắp tới đây, bộ phim học đường Love, Simon (Thương Mến, Simon) sẽ đổ bộ các rạp chiếu Việt Nam. Phim xoay quanh anh bạn Simon vốn là gay nhưng luôn giấu diếm xu hướng tính dục của bản thân. Một ngày nọ, sự thật về Simon bị tung lên cho cả trường biết và từ đó, Simon phải lựa chọn giữa việc sống khép kín, xa lánh xã hội hay là chính mình và tiếp tục quẫy hết cỡ những năm tháng học đường cuối cùng. Không quá nặng nề, Love, Simon hứa hẹn sẽ gây thương nhớ cho khán giả với những diễn biến dễ thương và không kém phần hài hước. Phim có sự tham gia của các diễn viên trẻ đầy tiềm năng của Hollywood như Nick Robinson, Katherine Langford, Alexandra Shipp và Logan Miller.
Love, Simon dự kiến được công chiếu vào ngày 04.05.