[REVIEW] Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes – Kẻ sinh ra đã là sai lầm của tạo hóa
Đánh giá phim · Maii ·
Ted Bundy - Tên giết người hàng loạt khét tiếng, cho đến bao giờ mới thực sự biến mất?
Ted Bundy - kẻ sinh ra đã trở thành sai lầm của tạo hóa, đấy là tất cả những gì tôi nghĩ sau khi xem Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes – bộ phim tài liệu gốc do Netflix sản xuất, xoay quanh tên giết người hàng loạt khét tiếng nhất lịch sử: Theodore Bundy.
Bộ phim ghi lại quá trình gây án, quá trình điều tra các vụ án, ra tòa, bào chữa, khép tội cho đến lúc ngồi trên ghế điện chịu án tử hình của Bundy. The Ted Bundy Tapes bắt đầu bằng lời kể của một phóng viên, rằng Bundy trước lúc bị hành hình đã mời ông đến để nói chuyện. Cuộc đời tội lỗi của Bundy được lật lại từ đó và cuối cùng, trước lúc chết, hắn đã thú nhận mọi hành vi độc ác của mình.
Tại thập niên 70, khi xã hội Mỹ đang có nhiều biến động, những tên giết người bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, cho thấy tình trạng đáng báo động của hiện tượng suy đồi đạo đức nơi con người. Trong số những kẻ cùng thế hệ với Bundy thì hắn là kẻ khét tiếng nhất, bị kết án chính thức về hành vi giết 30 người, cưỡng bức, bắt cóc, trộm cắp, hành hung, loạn dâm với xác chết, chống người thi hành công vụ… Nạn nhân của hắn tất cả đều là các cô gái trẻ, hấp dẫn, tuổi từ 18 – 25, một trong số đó chỉ mới 12 tuổi, họ đều có điểm chung là không bao giờ biến mất đột ngột mà không nói cho bạn bè hoặc người thân mình biết.
The Ted Bundy Tapes mang đến rất nhiều cảm xúc cho người xem: đau đớn, giận dữ, căm ghét, khinh bỉ… nhưng đến cuối cùng, chúng ta đều có thể đồng ý với nhau rằng, cái chết dành cho Ted Bundy là xứng đáng, mặc dù có thể nhiều người vẫn nghĩ hắn đáng bị hành hạ cho tơi tả như cách mà hắn đã hành hạ những nạn nhân của mình. Cái chết đôi khi không đủ để Bundy đền tội.
Ted Bundy, như nhiều chuyên gia tâm lý học và đại chúng đã đồng ý, là một kẻ tâm thần, một Psychopath (chứng rối loạn nhân cách chống xã hội), một Narcissism (người mắc chứng ái kỷ, yêu bản thân mình quá mức), một kẻ giả tạo, dối trá, lật lọng… chính những đặc tính này vừa là các yếu tố giúp Ted Bundy có khả năng trốn tránh pháp luật trong nhiều năm, nhưng cũng là những thứ đẩy hắn vào ngõ cụt.
Cuộc sống tuổi thơ của Bundy, theo lời hắn và bạn bè xung quanh, trải qua êm đềm, vui vẻ, cha mẹ hắn là người ngoan đạo, dạy dỗ Bundy rất tốt. Thế nhưng, Bundy đã luôn là một đứa trẻ kỳ lạ, không có vẻ gì là hòa nhập với môi trường xung quanh. Bundy sống cả đời với vỏ bọc điển trai, là sinh viên luật, không có tiền án tiền sự, thích kết bạn hoặc xã giao với những người ở tầng lớp trung hoặc thượng lưu. Bundy luôn thèm khát sự nổi tiếng và sự chú ý, mặc dù bên ngoài vẫn tỏ ra là một người khiêm tốn và biết điều.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng giết người của Bundy, người ta có lẽ cho rằng do hắn nghiện sách ảnh khiêu dâm, hắn có xu hướng bạo lực, tâm thần, bị ông nội bạo hành, tính tự ti, mất kiểm soát… Nhưng dù họ có nói gì thì tôi vẫn cho rằng tất cả đều chỉ là biện minh cho hành vi ghê tởm của Bundy. “Những thứ đó không khiến tôi giết người. Tôi giết người vì tôi muốn thế”, hắn nói thế trong những giờ phút cuối cùng còn sống.
Trường hợp của Bundy khiến người ta nhận ra một điều, rằng kẻ giết người có thể là bất cứ ai trong số những người xung quanh, cho dù họ có ăn vận đẹp đẽ, nói chuyện ngọt ngào hay học thức cao đến đâu. Một con quái vật, một con quỷ không nhất thiết phải có hàm răng sắc nhọn, thân hình quái dị hay làn da xanh đáng sợ. Bundy giúp ta nhận ra rằng kẻ giết người luôn ẩn nấp trong bóng tối xung quanh mình và việc tin tưởng hoàn toàn một ai đó luôn là điều vô cùng nguy hiểm.
“Tôi không tin anh ta làm điều đó.”
“Anh ta không có vẻ gì là một kẻ giết người.”
“Nó là đứa con trai tuyệt vời nhất của tôi.”
“Anh ta rất trầm tính, thân thiện, lịch sự. Chúng tôi có ăn tối chung với nhau một lần.”
“Anh ta trông cũng giống như một người trong số chúng ta.”
Đây là cách mà công chúng nói về Bundy và tôi một lần nữa nhận ra rằng con người dễ bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài như thế nào. Kể cả khi đã có bằng chứng, có nhân chứng, họ vẫn nhìn vào Bundy và nói rằng “Tôi tin anh ta vô tội”, “Cô có chắc đúng là anh ta không?” hay “Tôi không nghĩ là anh ta làm việc đó.” Nhưng dù sao thì, đấy là thập niên 70, suy nghĩ của con người vẫn còn “ngây thơ” và họ cho rằng mọi điều ác đều đến dưới nhân dạng hoặc hình ảnh xấu xí.
Họ gọi Ted Bundy là thiên tài. Tôi thì không nghĩ vậy. Thông minh thì hẳn là có, Bundy đủ thông minh để thoát khỏi vòng vây pháp luật nhiều lần, đủ thông minh để đánh lạc hướng cảnh sát và dư luận, đủ thông minh để biết cách duy trì vỏ bọc của mình… Thời điểm đó, hệ thống pháp luật cũng như các phương án tiến hành điều tra vẫn còn rất thô sơ, nhiều khiếm khuyết, ít chia sẻ thông tin. Bundy có bằng cử nhân tâm lý học, đồng thời từng có thời gian làm trong Ủy ban Tội phạm Seattle, hắn hiểu rõ các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật ra sao và lợi dụng những điểm đó để thực hiện hành vi giết người và trốn tránh công lý. Một kẻ ngu đần thì đương nhiên không có khả năng làm được những điều này. Nhưng hắn không phải thiên tài. Chứng ái kỷ, thích gây sự chú ý, yêu bản thân, ngạo mạn và cái đầu hoạt động không bình thường của Bundy khiến hắn không hiểu tại sao với nét quyến rũ trên phòng xử án của mình mà hắn vẫn bị kết tội.
Là sinh viên luật, nhưng không phải là một sinh viên giỏi, hắn không hiểu các quy trình tố tụng cũng như các bằng chứng mà bên công tố viên đang có sẽ chống lại hắn như thế nào. Sự ngu dốt, cộng thêm tính kiêu ngạo và ghen tỵ là thứ đẩy nhanh tiến độ Bundy bị bồi thẩm đoàn tuyên án tử hình, cho dù người ta có nghĩ rằng hắn thông minh đến đâu. Tôi thích nghĩ rằng Thẩm phán Cowart, người đồng ý cho Bundy tự bào chữa, muốn hắn ta thất bại và biết rằng hắn chắc chắn sẽ thất bại bởi tính tình của mình.
“Pride comes before a fall”, hắn luôn nghĩ rằng mình thông minh hơn tất cả, luôn rất tự tin rằng mình sẽ trắng án, luôn chối bỏ tội ác của mình, thích giở trò bịp bợm và đánh lạc hướng dư luận, nhưng Bundy chưa bao giờ giỏi như hắn nghĩ. Một trong những khoảnh khắc khiến tôi thích thú nhất phim là khi Bundy đối mặt Thẩm phán Cowart. Hắn ta bắt đầu sử dụng cái miệng dối trá của mình để làm lung lay người khác, nhưng sự cứng cỏi của Thẩm phán đã báo hiệu cho hắn thấy, hắn sẽ không thể thoát tội.
The Ted Bundy Tapes đôi khi khiến người ta lạnh sống lưng vì sự tàn độc và không chút thương cảm trong thủ đoạn ra tay của Bundy, khiến người ta giận dữ vì hệ thống pháp luật và sự yếu kém trong việc tiến hành điều tra, có thể khiến người ta hả hê khi hắn bị tuyên án tử hình… những cảm xúc vô cùng thật mà không có bất kỳ sự tô vẽ nào, khiến một phim tài liệu có thể trở thành một phim kinh dị hoặc điều tra phá án hiệu quả cũng như thành công hơn bất cứ phim nào cùng thể loại mà tôi từng được xem.
Dù cho đã chết, nhưng khao khát được chú ý của Bundy đã phần nào được toại nguyện. Gần 40 năm sau ngày hắn ngồi trên ghế điện, trong khi người ta ở bên ngoài reo hò, đốt pháo hoa và hát mừng cái chết của hắn, Ted Bundy vẫn còn được nhắc đến. Hắn nghĩ mình là người nổi tiếng, hắn thích được nổi tiếng, hắn thích người ta nói về mình. Tuy hắn chẳng đáng được người khác nhìn bằng nửa con mắt, ta cũng không thể nào ngăn được việc công chúng luôn bị hắn hấp dẫn ra sao, dù là dưới vỏ bọc một kẻ có học thức, hấp dẫn, biết cách ăn nói, hay dưới bản tính thật sự là một tên giết người man rợ. Ted Bundy đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thể loại phim ảnh, sách báo, tiểu thuyết… mà đến tận bây giờ, vẫn còn được nhiều người yêu thích hoặc đã trở thành kinh điển.
Mới đây Extremely Wicked, Shockingly Evil and Vile, một phim về Ted Bundy với Zac Efron trong vai chính vừa tung trailer và những hình ảnh đầu tiên, khiến tôi tự hỏi khi nào Ted Bundy mới thực sự được xem như đã chết? Thể xác hắn đã biến mất, nhưng có lẽ, cho đến khi nào người ta thực sự thôi nhắc đến Ted Bundy, thì lúc đó kẻ giết người này mới không còn tồn tại.