The Great Gatsby: Sự phù phiếm của Luhrmann

Tin điện ảnh · Moveek ·

Hai năm trước, Woody Allen từng đưa người yêu điện ảnh trở lại những năm hai mươi giữa lòng Paris hoa lệ (*). Mùa hè năm nay, cũng trên chuyến tàu về miền quá khứ ấy, địa điểm đã được thay đổi. Đạo diễn Baz Luhrmann thả chúng ta rơi tuột xuống miền đông nước Mỹ, lộng lẫy và choáng ngợp.

Năm 1937, đại văn hào của nước Mỹ F. Scott Fitzgerald đặt chân đến Hollywood, làm quen môn nghệ thuật thứ bảy với vai trò biên kịch và coi đó là công việc hoàn toàn nghiêm túc. Lúc đó, F. Scott Fitzgerald đương lún sâu vô nợ nần, rượu chè be bét. Ông phải viết vô số truyện ngắn mà chính bản thân ông cho là "rẻ tiền" để kiếm sống và nuôi người vợ Zelda Sayre nằm ở bệnh viện tâm thần.

Ông chỉnh sửa kha khá kịch bản phim, trong đó có phim Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió). Kịch bản duy nhất ông viết được, phóng tác từ quyển tiểu thuyết Tree comrades (Ba người bạn) của Maria Remarque cũng bị chỉnh sửa ít nhiều. Một vài kịch bản khác phải bỏ dở vì đủ các lý do khác.

Không nghi ngờ gì nữa, rõ ràng hai năm rưỡi ở Hollywood, F. Scott Fitzgerald là một nhà biên kịch thất bại. Ông mất năm 1941. Tất nhiên, khi ấy cuốn tiểu thuyết The Great Gatsby vẫn chưa lọt vào danh sách 10 kiệt tác văn học hay nhất mọi thời đại do tạp chí Times bình chọn.

F. Scott Fitzgerald có thể là một nhà biên kịch tồi, nhưng những cuốn tiểu thuyết của ông lại là thứ chất liệu quyến rũ mời gọi các nhà làm phim. Tiêu biểu việc F. Scott Fitzgerald đã bỏ túi được 2.250 USD tiền bản quyền làm phim từ cuốn tiểu thuyết The Beautiful and Damned, 10.000 USD từ This Side of Paradise.

Những cuốn tiểu thuyết ấy tự bản thân chúng đã có sẵn bố cục như một kịch bản kiểu mẫu Hollywood. Kết cấu, tình huống, lời thoại... tất cả đều hoàn chỉnh. Thế nên không mấy ngạc nhiên khi The Great Gatsby qua bàn tay nhào nặn của Baz Luhrmann vẫn bám sát nguyên tác, mọi tình tiết đều được dẫn dắt theo hồi ức của nhân vật Nick Carraway giống như trong truyện.

Hãy nói riêng về The Great Gatsby bản điện ảnh. Bên cạnh poster chính thức, các thành viên ban giám khảo, việc The Great Gatsby được chọn chiếu mở màn vô tình đã biến Liên hoan phim Cannes 2013 vừa rồi thành tiệc phim rất... Mỹ.

Hình ảnh và âm nhạc trong The Great Gatsby mang đậm phong cách làm phim cầu kỳ thường thấy của Baz Luhrmann. Baz Luhrmann giữ vai trò sản xuất phụ trách âm nhạc. Âm nhạc đại chúng, jazz, hip - hop được sử dụng xuyên suốt phim, ồn ào và hợp lý như một cuộc chơi ngoài thực tế hơn là phụ họa cho phim.

Baz Luhrmann từng nhận không ít ý kiến trái chiều về những thước phim hết sức khoa trương của mình, thậm chí sau Romeo + Juliet Moulin Rouge, nhiều tờ báo đã lên tiếng chỉ trích Baz Luhrmann trơ tráo và rỗng tuếch. Song dường như lần này, sự khoa trương đó có đất dụng.

Đạo diễn của Australia vẽ nên bức tranh toàn diện về một nước Mỹ ở những năm cực thịnh. Ông đưa khán giả đến bữa tiệc xa hoa nhất lịch sử Hoa Kỳ với pháo hoa tung tóe, váy áo Prada, trang sức Tiffany, xe Roll Royce thời thượng... Người ta gọi đó là "Những năm 20 gầm thét", hay theo lời của F. Scott Fitzgerald là "Thời đại Jazz" - giai đoạn mà tờ The New York Times miêu tả ngắn gọn rằng: "Rượu Gin và tình dục như hai món chơi quốc hồn quốc túy của Mỹ". Rượu chảy suốt phim. Rượu gắn liền với hình ảnh Jay Gatsby. Còn Jay Gatsby đại diện cho nước Mỹ.

Việc Baz Luhrmann quyết định chuyển thể một kiệt tác văn học như The Great Gatsby tất nhiên sẽ phải gây ra tranh cãi, nhưng khó mà phủ nhận được lựa chọn sáng suốt của ông khi giao vai diễn nặng ký Jay Gatsby cho Leonardo DiCaprio.

Tái hợp với Baz Luhramann sau 16 năm, Leo vẫn thủ vai một gã si tình kinh điển. Về tài năng đang độ chín của Leo, không cần tìm xa xôi, hãy xem những vai diễn gần đây của anh trong Shutter Island, Inception, Django Unchained... Quan sát kỹ vẻ mặt rất "kịch" của Gatsby đoạn anh gặp lại người tình cũ Daisy để thấy Leo kiểm soát diễn xuất bản thân tốt như thế nào, "kịch" một cách chân thật.

Cái vẻ "kịch" đó nó khắng khít với cả cuộc đời của đại gia Gatsby: chối bỏ quá khứ, cuồng vọng, bất chấp, lịch thiệp, đau khổ... Cùng với một tình yêu sừng sững dành cho người đàn bà chôn mãi nơi quá khứ, như đốm sáng xanh le lói phía bên kia bờ, chưa chạm được thì vọng tưởng, đến gần rồi lại hoang mang. Và khi Gatsby tay cầm ly rượu, môi nở nụ cười - nụ cười như lời Nick tả "chỉ gặp bốn, năm lần trong đời" thì khán giả quên hẳn Leonardo DiCaprio. Chỉ còn Gatsby cùng bất hạnh ở lại.

Nữ diễn viên người Anh Carey Mulligan cũng ghi dấu ấn với vai nàng Daisy Buchanan - mối tình vĩ đại của Gatsby. Từ ngoại hình tới giọng nói, Carrey biến thành Daisy không trật nửa nhịp: mong manh, phù phiếm... Những chuyển động tinh tế trên bờ môi nàng, những thì thầm thoát ra từ nó. Giả tạo hoàn hảo.

Đừng vội bỏ qua Nick Carraway, người dẫn truyện đã kết nối được The Great Gatsby của văn học và điện ảnh. Một số nhà phê bình cho rằng F. Scott Fitzgerald đã gửi gắm chính mình vào trang sách qua hình ảnh chàng Nick Carraway mà theo lời tự sự là "một nửa trong cuộc chơi, một nửa đứng bên ngoài".

Thú thật, khuôn mặt của chàng "người nhện" Tobey Maguire có nét hao hao giống F. Scott Fitzgerald, đặc biệt ở khuôn miệng. Nhưng tại sao các vai diễn thì gần như "đo ni đóng giày", hình ảnh, âm thanh, ánh sáng... đều đẹp đẽ mà tinh thần của tác phẩm gốc vẫn chưa thật sự nổi bật? Phải chăng đó là cộng hưởng từ sự khoa trương đã đi xa quá mức cần thiết cùng với câu chuyện tình được ưu ái dành cho nhiều đất diễn?

Cuối cùng thì Baz Luhrmann đã không thể thoát ra những chuyện tình yêu. Tầm vóc thời đại giảm hẳn đi bởi Gatsby bận rộn loay hoay với Daisy hơn là với chính số phận của mình, hay nói cách khác, là số phận của "giấc mơ Mỹ" đã được F. Scott Fitzgerald tiên đoán nhanh chóng lụi tàn. Thế nên, khó mà thuyết phục được khán giả liên tưởng cái chết của Jay Gatsby đến cái chết của cả một nước Mỹ rực rỡ.

Baz Luhrmann đã thành công trong việc xây dựng "Giấc mơ Mỹ": sự phồn thịnh của New York, sự xô bồ của phố Wall, tiếng động cơ vang rền, những bữa tiệc lấp lánh..., nhưng cái chất man rợ và dối trá của thời hoàng kim đó chưa được làm tới nơi tới chốn. Hình ảnh và âm thanh vốn dĩ khó thay thế được tính trào lộng của câu chữ. Trong trường hợp này, sức ép nguyên tác dễ khiến những đám mây đồ họa trên đầu nàng Daisy và những ánh đèn vi tính chớp nháy sau lưng đại gia Gatsby trở nên thừa thãi trong mắt người yêu thích The Great Gatsby bản văn học.

Người viết bắt đầu sa đà vào việc so sánh tác phẩm điện ảnh và tác phẩm văn học. Tiếp tục tự nhủ: "Hãy nói riêng về The Great Gatsby bản điện ảnh". Lời chia sẻ nhiệt tình dành cho người hâm mộ F. Scott Fitzgerald cũng như những ai mang thành kiến sâu nặng với cách làm phim của Baz Luhrmann là: Cứ mạnh dạn đi xem, phim đã có LHP Cannes và Leonardo DiCaprio bảo chứng rồi.

(*) Phim Midnight in Paris của đạo diễn Woody Allen đoạt giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất tại Oscar 2012. Nội dung phim xoay quanh cuộc du hành của Gil - nhà văn Mỹ đang gặp bế tắc trong sáng tác. Chuyến xe nửa đêm đã đưa anh trở về Paris những năm hai mươi, giai đoạn được xem là "kỷ nguyên vàng" của nước Pháp.