The Guilty (Netflix) - Đủ hay, không dành cho mọi người, nhưng sao lại tồn tại?
The Guilty (Netflix) là một trải nghiệm phim ảnh tối giản đủ cuốn hút, nhưng tại sao dự án này lại được ra đời?
The Guilty theo chân viên thanh tra Joe Baylor mắc kẹt với việc trực tổng đài 911 do mắc lỗi trong công việc trước đó khiến anh ta bị giáng chức. Những giây phút trôi qua là ác mộng với Joe với những cuộc gọi từ khủng hoảng đến ngớ ngẩn như một tên doanh nhân bị gái mại dâm cướp đồ. Nhưng rồi anh nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ nói chuyện với anh như thể đang nói với con mình. Nhận ra sự kinh hãi trong cô, Joe nhận ra anh đang nói chuyện với nạn nhân bị bắt cóc. Từ đó, cuộc truy lùng dấu vết bắt đầu.
Bạn không cần phải chờ đến cuối phim để nhận ra The Guilty là một dự án sẽ tiết kiệm nhiều kinh phí sản xuất. Vì phim chỉ diễn ra vỏn vẹn trong văn phòng của đơn vị trực đường dây 911. Cùng lắm, bạn sẽ thấy được các văn phòng trống còn lại có gì khi Joe di chuyển khỏi bàn làm việc để lao vào đó tĩnh tâm. Khán giả hoàn toàn không nhìn thấy bên ngoài và, như Joe, chỉ có thể dựa vào các cuộc gọi để hình dung vụ truy đuổi ra ngô ra khoai thế nào. Nhưng phim lại có sức hút không nhẹ dù hạn hẹp về bối cảnh.
Đó cũng chính là điểm khác biệt giữa The Guilty với các phim lấy cùng chủ đề như The Call (2013) có sự góp mặt của Hale Berry. Máy quay hiếm khi rời xa nam chính Joe Baylor, như vậy, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác để biết thêm về câu chuyện là dồn chú ý cho Joe. Không dừng lại ở đó, bộ phim còn khéo léo song hành hai bí ẩn để tạo cảm giác tò mò cho người xem. Nhờ vào kinh nghiệm ở True Detective, nên biên kịch Nic Pizzolatto đã dành cho phim tính bí ẩn cần thiết để khiến mạch phim không nhàm chán. Mạch phim cứ trôi qua, câu trả lời dành cho nghi vấn anh ta đã làm gì và làm sao để bắt được kẻ bắt cóc liên tục được rải đi qua các chi tiết đối thoại giữa Joe, nạn nhân, đồng nghiệp và chính anh ta.
Cố tình giữ bối cảnh ở mức tối thiểu cũng là phương pháp phim thôi thúc khán giả của nó sử dụng trí tưởng tượng và tính đồng cảm của bản thân để tự hình dung câu chuyện. Dĩ nhiên, để làm được điều này cần nhiều chi tiết để xâu chuỗi. Thật may là Joe là một trung gian hiệu quả giúp người xem nhận biết được sự việc đang diễn ra. Nhưng điều đó cũng đặt The Guilty vào thế nguy hiểm.
Không phải ai cũng cảm được thể loại phim không khác gì màn trình diễn một người như thế này. Nếu muốn giữ được người xem, phim phải tăng mức độ điêu luyện trong mọi thứ về kịch bản, độ giật gân, tính bí ẩn… Cho dù các yếu tố này có được làm đúng, chưa chắc việc không thể tận mắt chứng kiến các sư việc mang tính cột mốc trong đây không làm người ta cảm thấy chút khó chịu nào. Đó là lý do ông bà ta thường nói tai nghe không bằng mắt thấy là vậy, chưa kể đến phim là nghệ thuật hình ảnh. Nên có thể thấy Antoine Fuqua, đạo diễn phim, và Pizzolatto đã mạo hiểm rất nhiều với The Guilty.
Điều này còn thể hiện rõ The Guilty lại là một phiên bản remake của bộ phim Đan Mạch cùng tên ít người biết ra mắt năm 2018. Đối chiếu cả 2 phiên bản, dự án của Netflix không hề khác biệt là bao. Cả 2 đã có thể chọn một hướng đi an toàn hơn, nhưng lại không làm thế. Mặc khác, cả 2 đã tạo điểm nhấn riêng cho bộ phim của mình. Cốt truyện của bộ phim Netflix được thêm thắt các chi tiết nhỏ với thông điệp phù hợp với nước Mỹ. Trong thời đại mà bạo lực cảnh sát đang trở thành vấn nạn quốc gia, The Guilty cho thấy sự tội lỗi, cái giá phải trả của một cảnh sát chọn bạo lực quá mức.
Có lẽ vì vấn nạn quá thường mà lời sự thú tội của Joe đáng tiếc chỉ trả lời được nghi vấn được xây dựng đầu phim và ít gây sốc hơn là lời thú tội của Asger Holm trong bản Đan Mạch – một quốc gia có tỷ lệ bạo lực từ phía cảnh sát thấm hơn nhiều. Nhưng nó cũng không kém cảm động, nhất là khi Joe đã rốt cuộc cũng chấp nhận sự tồi tệ của bản thân để cứu một người khác.
Diễn xuất của Jake Gyllenhaal rõ ràng là một điểm sáng của phim. Anh đã hầu như đã gánh toàn bộ bộ phim và các cảm xúc của nhân vật, biến chuyển từ một kẻ luôn cho mình là đúng và quyền lực làm anh hùng cứu người đắng sau chiếc điện thoại dần sang một tội đồ từ giải phóng bản thân bằng sự thật và thái độ biết nhìn nhận lỗi lầm. Gyllenhaal cho thấy bản chất mong manh của một nhân vật ngay từ đầu được xây dựng là một kẻ ngạo mạn say quyền lực, nên khi bị giáng chức, anh ta trở nên lạ lẫm và chán chườn. Về sau, nhân vật này đã chuộc tội nhưng điều đó không biến anh ta thành anh hùng. Và Joe biết điều đó. Gyllenhaal đã thể hiện rõ cuối phim, thuyết phục người xem thương cảm cho Joe, nhưng không bao giờ đồng cảm hay có thể bào chữa cho lựa chọn của anh ta.
Có lẽ câu hỏi lớn nhất ở đây là tại sao lại remake một bộ phim như The Guilty trong khi phiên bản gốc không hề có chỗ để chê, trong khi 2 phim không khác gì mấy? The Guilty cũng không thêm gì vào để tốt hơn bản gốc? Tại sao Netflix không thử một lối tiếp cận chủ đề bạo lực cảnh sát của riêng mình? Có lẽ chúng ta không thể biết được câu trả lời thực sự.
Tóm lại là người chưa xem quá The Guilty (2017) có thể thích thú với bộ phim. Cái khó là thuyết phục họ chấp nhận sự tối giản ở phim. Họ có thể là fan của Jake Gyllenhaal cũng nên, Nếu không, không phải ai cũng thich màn trình diễn một nơi, một diễn viên như thế này.
Ảnh: IMDb