The Lord of the Rings (phần 3) -Sự trở về của nhà vua

Tin điện ảnh · tranbaoduy ·

Trong lịch sử của lễ trao giải Oscar danh giá, chỉ có ba lần người ta được chứng kiến sự thắng lợi gần như tuyệt đối của một bộ phim.

Trong lịch sử của lễ trao giải Oscar danh giá, chỉ có ba lần người ta được chứng kiến sự thắng lợi gần như tuyệt đối của một bộ phim, đó là Ben-Hur (1959), Titanic (1997)Lord of the Rings: The Return of the Kings (2004). Đoạt 11 giải Oscar trong đó có cả những giải thưởng danh giá nhất như bộ phim hay nhất, kịch bản xuất sắc nhất, trilogy huyền thoại được chuyển thể từ thiên tiểu thuyết cùng tên đã có một cái kết chẳng thể nào viên mãn hơn. Như một nhà phê bình trên Rotten Tomato đã nhận xét – “Một bộ phim đẹp đến mức nghẹt thở cùng với vô số cảm xúc được dâng đến cao trào, Lord of the Rings: The Return of the Kings xứng đáng là một cái kết được chờ đón cho loạt trilogy kinh điển của đạo diễn Peter Jackson” 

Đã rất lâu rồi những người yêu điện ảnh mới lại được chứng kiến sự trỗi dậy của dòng phim kì ảo kể từ khi series phim huyền thoại Star Wars ra mắt với phần đầu tiên, A New Hope được công chiếu vào năm 1977. Kể từ đó, khán giả (nhất là người Mỹ) như phát cuồng mỗi lần họ được chiêm ngưỡng những cuộc chiến tranh viễn tưởng ngoài không gian hay các màn kĩ xảo li kì. Song, bẵng đi một khoảng thời gian, thể loại fantasy dần mất đi vị thế vốn có của mình và lui dần vào quên lãng cho đến một ngày, khi trilogy Lord of the Rings ra đời và chiếm lại toàn bộ ánh hào quang như một vị vua trở về dành lại vương vị.

Xét về tổng thể, trilogy Lord of the Rings là một trong những bộ phim chuyển thể hiếm hoi được công chúng mong ngóng ngay từ khi dự án làm phim được bắt đầu. Dựa trên bộ tiểu thuyết kì ảo vĩ đại của văn hào J.R.R Tolkien, sẽ là rất khó để cho bất kỳ đạo diễn tài giỏi nào có thể chinh phục được hết cái chất li kì, lớn lao của bộ truyện này. Thế nhưng, Peter Jackson đã làm được điều đó, bằng một phong cách cẩn trọng và chuyên tâm đến từng tiểu tiết, ông đã gây dựng nên ba công trình nghệ thuật theo đúng ý nghĩa thuần túy nhất. Ba phần phim với bao cuộc hành trình mà ở mỗi chặng đường, những người yêu điện ảnh đều phải trầm trồ và nín thở theo dõi đến những giây phút cuối. Có thể nói, định mệnh đã chọn vị đạo diễn 54 tuổi để chuyển hóa thiên truyện vĩ đại này lên màn ảnh cùng một tầm vóc tương xứng với vị thế vốn có.

Tiếp nối thành công từ 2 phần phim trước, Lord of the Rings: The Return of the Kings vẫn duy trì được những góc quay rất đặc trưng của mình. Từ những góc máy rộng, những cảnh fly-cam được dùng trong trường cảnh chiến đấu để bao quát hết cái kinh hồn táng đởm trong chiến trận, đến những cái nhìn cận mặt, như muốn soi rọi, nhìn thấu hết tâm can, cảm xúc của từng nhân vật. Ngoài ra, xen kẽ vào đó là cách chuyển cảnh nhanh và dứt khoát giúp cho bộ phim giữ được nhịp khẩn trương cũng như truyền tải được tối đa hai cuộc hành trình song song tách biệt của đoàn hộ nhẫn.

Không hoàn toàn trung thành với nguyên tác, thế nhưng cái cách mà Peter Jackson dẫn dắt câu chuyện trong tác phẩm của chính mình lại khiến cho những nhà phê bình đánh giá rất cao. Nếu ai đã từng đọc nguyên tác của đại văn hào J.R.R Tolkien, ắt hẳn sẽ nhận ra những cuộc chiến trong thiên tiểu thuyết kì ảo này chẳng khi nào được cố tác giả miêu tả một cách kĩ càng và bạo liệt như đạo diễn Peter Jackson. Mang một trực giác nhạy bén về cảm xúc của khán giả, vị đạo diễn 54 tuổi đã biến những trận chiến trong Lord of the Rings : The Return of the Kings trở thành bất hủ. Khi những tiếng cồng reo vang, những vó ngựa nện rạp con đường, những mũi giáo nhọn cùng tiếng thét xung trận vang lên, khi ấy, mọi thứ cảm xúc của khán giả sẽ được đẩy đến tận cùng như một chất adrenaline kích thích, khiến họ nín thở, hồi hộp hòa mình vào cuộc chiến chung của mảnh đất Middle Earth kì vĩ.

Và, nếu như điểm nhấn lớn nhất của đoàn hộ nhẫn gồm Aragorn, Legolas, Gimli, Merry, Pippin Took và Gandalf nằm ở chiến trường Minas Tirith thì gút mắc cao trào của hai thành viên Samwise Gamgee và Frodo Baggins, những người mang nhẫn lại nằm ở miệng núi lửa ở Mordo. Hình ảnh Frodo khi đã buông bỏ được chiếc nhẫn, một tay bám trên vách núi lửa, thân hình chơi vơi giữa không gian đặc quánh dung nham với ánh mắt tuyệt vọng, ám ảnh đầy mệt mỏi như chực buông xuôi, vứt bỏ đi mạng sống của chính mình bởi sức lực của cậu đã bị rút cạn kiệt thực sự là một trong những khoảnh khắc khiến cho khán giả phải cảm động. Cậu đã phải chịu quá nhiều thương đau trên con đường gánh vác tai ương của cả miền Trung Địa, và, nếu như không có người bạn trung thành Sam đồng hành, ắt hẳn Frodo đã không đi được con đường dài đến thế.

Bên cạnh những thành công về mặt diễn xuất, kỹ xảo của phim cũng thực sự là một chi tiết nhiếp hồn khán giả. Để truyền tải toàn bộ những gì tinh túy nhất trong phần ba của thiên truyện kì ảo này, đoàn làm phim của Peter Jackson đã phải làm việc không ngừng nghỉ khi có đến 1488 cảnh sử dụng kĩ xảo, con số gấp ba lần ở phần một và gần gấp đôi ở phần thứ hai của loạt phim. Thêm vào đó, toàn bộ những thành trì trong phim đều được tạo nên từ mô hình thật, được biết, để có cảnh công thành hoành tráng đến như vậy, những nhân viên hậu cần đã phải dựng lên một mô hình cửa cao tám mét với hai phiên bản, nguyên vẹn và vỡ vụn sau khi phải chịu sự tàn phá. Mọi công việc đều diễn ra với thời gian gấp gáp nên đội ngũ của đoàn làm phim thường xuyên phải làm việc đến khi đồng hồ điểm hai giờ sáng. Và quả thật, những sự cố gắng đấy đã được đền đáp bằng giải Oscar danh giá dành cho phim có phần hình ảnh đẹp nhất.

Kỹ xảo ấn tượng là vậy, âm nhạc trong phim cũng phi thường không kém. Được thai nghén và nhào nặn suốt ba tháng trời làm việc, dàn âm thanh với người nhạc trưởng là  Howard Shore đã thực sự thuyết phục được những khán giả khó tính nhất khi những những khúc nhạc trong phim vô cùng uyển chuyển và thể hiện được đúng cái chất sử thi bi tráng của Lord of the Rings : The Return of the King. Thú vị hơn, ngoài những nhạc công chuyên nghiệp, phần nhạc phim còn có sự đóng góp của Billy Boyd ( Pippin ), Viggo Mortensen ( Aragorn ) và Liv Tyler (Arwen) trong những khúc hát được phổ từ lời thơ thời xưa cũ.

Cuộc hành trình trong ba năm đã chính thức khép lại. Với Frodo và đoàn hộ nhẫn, mỗi người trong họ đều được tưởng thưởng xứng đáng cho chiến công vĩ đại của mình khi mà những con người nhỏ bé này đã mang lại yên bình cho mảnh đất Middle Earth rộng lớn. Còn với Peter Jackson, ông cũng đã có những phần thưởng danh giá dành riêng cho mình. Ba phần phim với tổng cộng 17 giải Oscars cũng như hàng loạt giải thưởng danh giá khác cùng với doanh thu luôn nằm trong top đứng đầu của thế giới, sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu như ca ngợi trilogy này của ông là một trong những tuyệt tác của điện ảnh xứng danh lưu truyền hậu thế.

Đến cuối cùng, thay cho lời kết, xin được trích lời nhận xét của Peter Bradshaw viết cho tờ The Guardian: "Với bầu máu nóng và sự tỉ mẩn đến từng chi tiết, Peter Jackson đã làm sống lại một trong những thiên truyện kì ảo bậc nhất của thế giới. Vị đạo diễn 54 tuổi này đã thổi hồn vào những áng văn bất hủ của J.R.R Tolkien và làm cho nó bừng sáng một lần nữa trong thế kỷ thứ 21. Và, nếu nói rằng dòng phim kì ảo chứa đầy những điều vô nghĩa, thì loạt trilogy của Peter Jackson là loạt phim vô nghĩa phải khiến cho người xem mê đắm đến sững sờ".

Bài viết liên quan

The Hobbit hoàn thành 266 ngày quay

Moveek ·