The Night Of – Bức tranh màu đen và trắng

TV Series · Tin điện ảnh · Grewi ·

The Night Of mở đầu một cách chậm chạp trong một buổi đêm kéo dài hết tập phim đầu tiên.

Helen Weiss trong phiên tranh luận cuối cùng đã nói với các bồi thẩm đoàn về những màu đen bị tô lên trong một tài liệu mật của FBI. Helen gọi đó là những tài liệu được biên tập để đảm bảo an toàn của an ninh quốc gia hay gần hơn là đảm bảo hoạt động của chính FBI. Phải chăng, FBI đang và đã cho mình cái quyền giấu đi những điều mà người khác không thể biết để chính họ được an toàn trong một cái vỏ bọc đáng sợ. Nhưng không phải chính Helen khi biết sự thật cũng đã cố giấu nó đi chỉ vì mục đích mà bà đang theo đuổi cho tới khi bà nhận ra mình nên tô màu trắng lên bức tranh của buổi đêm ấy, buổi đêm đã thay đổi cả cuộc đời của cậu sinh viên trẻ Nasir Khan.

The Night Of mở đầu một cách chậm chạp trong một buổi đêm kéo dài hết tập phim đầu tiên. Và sau đó, cái nhịp đi của bộ phim cũng chẳng nhanh hơn khi mà mọi chi tiết nhỏ nhất đều được dựng lên thật hoàn hảo. Một bộ phim trinh thám không dành quá nhiều thời gian vào quá trình phá án hay những buổi tranh luận gắt gao trên phiên tòa, thay vào đó, cái chúng ta được xem là cách mà hai bên đang dựng lên câu chuyện của chính họ.

Đó là câu chuyện trắng phau mà Helen tin rằng chính Naz là kẻ giết chết cô gái đáng thương. Câu chuyện ấy được kể ngay từ khi chàng trai trẻ ấy bị bắt tới đồn cảnh sát. Câu chuyện mà thanh tra Denis Box tin rằng đó là điều đúng đắn. Trong một đêm đầy bí ẩn ấy, liệu những con người được cho là đứng ra bảo vệ công lý như thanh tra Box hay Helen có đem lại ánh sáng. Còn câu chuyện thứ hai, nó hoàn toàn lại là một màu đen đầy nỗ lực của Naz và hai vị luật sư. John và Chanra tìm mọi thứ để bồi thẩm đoàn tin rằng hung thủ thật sự là một kẻ khác đã bị cảnh sát phớt lờ trong quá trình điều tra. Câu chuyện ấy phủ màu đen của mình lên câu chuyện vốn một màu trắng của Helen.

Đôi lúc tôi tự hỏi, có phải màu đen ấy toàn là những dối trá, còn màu trắng kia chỉ là sự thật. Lằn ranh giữa nó thật mơ hồ khi chính những người ngoài cuộc cũng chẳng thể nào phân biệt một cách rõ ràng được. Để rồi hai chữ “có tội” và “không có tội” trở nên thật khó khăn khi phải quyết định. Trong buổi tranh luận cuối cùng, John nói về quyền giả định mình vô tội không còn hoài nghi hợp lý. Nhưng nó cũng chỉ là những cảm nhận của 13 con người tới từ những nơi khác nhau, 13 con người sẽ quyết định số phận của một con người khác, 13 con người đứng trước việc lựa chọn giữa có và không.

Với Naz, cậu đã đứng trước quá nhiều sự lựa chọn trong suốt 8 tập phim của The Night Of, những lựa chọn khiến cuộc đời của cậu phải thay đổi. Naz chọn để đến buổi tiệc tại Manhattan, Naz chọn để mình thoát ra khỏi vụ án, Naz chọn cho mình con đường vô tội và Naz chọn để được sống sót trong nhà tù. Có phải những thứ cậu ấy lựa chọn đều đúng đắn, hay chính cậu ấy cũng chẳng biết tại sao mình lại chọn như vậy. Cũng như tại sao John lại dừng lại và quyết định làm luật sư cho cậu trai trẻ này. Ông có tin vào cái mình thấy như ông đã nói, ánh mắt của một chàng trai vô tội đằng sau song sắt.

Chàng trai ấy đã mất nhiều thứ sau buổi tối hôm ấy. Cậu ấy mất đi tự do, mất đi việc được trở về với gia đình, với trường của mình,  mất đi công việc buổi tối giúp chi trả tiền học. Cậu ấy mất đi sự tin tưởng của những người xung quanh, là bạn bè, là đứa em và cả người mẹ thân yêu. Cậu ấy mất đi tương lai của một chàng sinh viên ngoan ngoãn học giỏi luôn cố vương lên để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ. Giờ đây, cậu ấy có gì sau khi ra khỏi Riker, nhà tù mà người ta gọi là nơi chôn sống những con người vô tội.

Cuộc sống ngoài xã hội đã khó khăn với một cậu bé hồi giáo lớn lên tại nước Mỹ sau 911. Người ta mắng nhiếc cậu, gia đình cậu, những người theo đạo hồi. Người ta gọi đó sự phân biệt cần thiết trên đất nước vẫn được coi là miền đất của tự do, của bình đẳng. Người ta đưa cho những tù nhân phạm tội nghiêm trọng chiếc áo màu cam thay vì màu xanh như thông thường. Người ta nhìn vào chiếc áo sơ minh trắng và nói rằng cậu ấy có thể là một kẻ vô tội hơn khi cậu ấy mặc chiếc áo sơ mi có màu. Người ta nhìn vào gia đình cậu và phán xét ngay cả khi cậu còn chưa bị buộc tội chính thức bởi những gì mà truyền thông đưa tải. Mẹ cậu bị sa thải, em trai cậu bị đánh, ba cậu bị hai người đồng nghiệp làm khó để tìm mọi cách lấy lại chiếc xe.

Và thế ấy, có những thứ vốn dĩ thật khó chấp nhận nhưng rồi cũng phải tin rằng đó là sự thật. Màu đen của những dối trá xen kẽ trên nền trắng của một kẻ vô tội rồi cũng sẽ khiến cho con người ấy phải nhuốm màu đen. Màu đen của mực vây lên giấy trắng rồi thì làm sao mà xóa đi được. Màu đen của con người cũng vậy, khi đã tồn tại thì làm sao để khiến nó biến mất. Tất cả chỉ là cách mà người ta phân biệt đâu là đen và trắng, đâu là tốt và sai, đâu là điều đúng đắn nên làm còn đâu là thứ đáng khinh phỉ bán. Rồi người ta phải lựa chọn giữa có hoặc không, giữa sự thật và dối trá, giữa tin tưởng và ngừng tin tưởng, giữa chấp nhận và buông xuôi. Có quá nhiều thứ mà lằn ranh giới hạn của nó thật mơ hồ nhỏ bé, cũng chẳng thể nhận ra được bên nào là cái nào, bên nào là cái mình sẽ và phải lựa chọn.

Phía bên dưới cây cầu George Washington không phải là một thế giới hoàn toàn khác biệt so với sự tấp nập bên trên cây cầu hay sao. Bên kia dòng sông Hudson cũng là một nơi khác biệt so với New York ấy thôi.