The Social Dilemma - Bộ phim dành cho những người ghét truyền thông xã hội
Tin điện ảnh · Maii ·
The Social Dilemma (Song Đề Xã Hội) nêu ra ảnh hưởng của social media đối với sự diệt vong của nhân loại.
Là một nhà làm phim tài liệu, Jeff Orlowski có vẻ như đang bận rộn với sự sụp đổ của thế giới. Năm 2012, anh ra mắt Chasing Ice, vén bức màn cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm các vùng băng tan ra với tốc độ nhanh chóng. Năm 2017, Chasing Coral cho thấy các rặng san hô đang dần biến mất. Bộ phim mới nhất của anh trong năm 2020, Social Dilemma (Song Đề Xã Hội), thì nhắm vào một đối tượng còn nguy hiểm hơn: Truyền thông xã hội.
The Social Dilemma không dưới một lần ngụ ý rằng truyền thông xã hội đại diện cho “mối nguy diệt vong lớn nhất của loài người”. Cụm từ này lần đầu xuất hiện tại Trung tâm SFJazz (SFJazz Center) ở San Fracisco cách đây không lâu, nơi mà nhà công nghệ Tristan Harris tiết lộ “hướng đi mới dành cho công nghệ.” Harris, cựu Googler (người làm việc cho Google), vì lo lắng về tính đạo đức của truyền thông xã hội và thời gian sử dụng thiết bị công nghệ (screen time) thành một tổ chức phi lợi nhuận, Center for Humane Technology (Trung tâm Công nghệ Nhân đạo).
Nhiều người trong chúng ta có thể hiểu được nỗi lo lắng này bởi những hiện trạng chẳng mấy xa lạ diễn ra trên mạng xã hội: tin giả, thao túng truyền thông, viral, nghiện “lướt", hiệu ứng đám đông, hội chứng tâm lý FOMO (Fear of missing out/Hội chứng sợ bị bỏ rơi, bỏ lỡ).
Harris ở đây là để cải thiện điều đó. Chúng ta đang bị điều khiển, bị mổ xẻ, buôn bán và "xử lý" như những thớ thịt trong nhà máy. "Đây không chỉ là cuộc chiến thu hút sự chú ý của chúng ta", Harris nói. Nếu chúng ta không làm gì hết, đây sẽ là kết thúc của nhân loại mà chúng ta biết. Sau bài thuyết trình của Harris, người nghe thật khó mà tự tóm tắt được cụ thể công nghệ thực sự sai trái ở chỗ nào hay chính xác là chúng ta phải sửa chữa nó ra sao.
Cảm giác tương tự cũng trỗi dậy sau khi xem The Social Dilemma. Bộ phim tài liệu tập trung vào ảnh hưởng mang tính huỷ diệt loài người của truyền thông xã hội, với những đoạn footage ghi lại bài thuyết trình của Harris ở SFJazz Center thỉnh thoảng được chèn vào.
Bộ phim tài liệu đưa ra tình huống và liên tục bày ra dẫn chứng, muốn nhấn mạnh tính trầm trọng của vấn đề khi nhắc đến nhiều cái tên như Tim Kendall, cựu giám đốc kiếm tiền của Facebook; Justin Rosenstein, người phát minh ra nút Like; Guillaume Chaslot, người tạo ra hạ tầng gợi ý-video của Youtube - tất cả họ đều quay đầu phê phán công việc trước đây của mình, cảnh báo, kêu gọi sự thay đổi để giải phóng con người khỏi sự thao túng của truyền thông xã hội.
Nhưng mặc dù The Social Dilemma có thể cho thấy vấn đề, nhưng lại chật vật trong việc chỉ ra nguồn gốc của vấn đề đó. Bộ phim mở đầu với một câu hỏi gợi đề và kết thúc với việc những nhà công nghệ cho chúng ta biết dự đoán của họ về tương lai loài người như thế nào.
Theo họ, vấn đề nằm ở chỗ: Chúng ta dành quá nhiều thời gian sử dụng các sản phẩm thuộc truyền thông xã hội. Chúng ta làm vậy, cơ bản vì chúng ta không có lựa chọn khác. Những người làm việc tại các công ty công nghệ đã đầu tư số tiền khổng lồ, thời gian và sức mạnh máy móc để thiết kế ra một hệ thống thu hút sự chú ý của chúng ta, dự đoán mỗi hành động của chúng ta. Đấy là cách mà họ kiếm tiền: “Chúng ta không phải người sử dụng, chúng ta là sản phẩm” (câu nói sáo mòn quen thuộc này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong phim).
Mark Zuckerberg và Susan Wojcicki là tỷ phú, trong khi đó, tất cả những người khác đã từ bỏ hạnh phúc, kiến thức, thời gian, sự thân mật, tính tự nguyện, thời gian dành cho gia đình, tự do ý chí. Chúng ta là con tốt trong một mưu đồ kinh khủng. Chúng ta là 2.7 tỷ cá nhân trong The Truman Shows. Chúng ta đang sống trong một Ma Trận.
Nghe có vẻ hơi quá, chắc chắn rồi. Orlowski nhấn mạnh những mặt tối mạng xã hội với cách kể chuyện có khi hơi kịch xuyên suốt bộ phim. Chẳng hạn như cảnh các diễn viên trong một gia đình tưởng tượng được diễn tả theo kiểu rất khuôn mẫu (stereotype) là đang có những vấn đề xung đột với công nghệ. Không có giao tiếp bằng mắt trong suốt bữa ăn, đứa con gái tuổi teen thì được mô tả theo hướng bị mạng xã hội làm cho trở nên tự ti, và đứa con trai thì bắt đầu dành thời gian xem càng lúc càng nhiều video trên điện thoại. Ở thời điểm đứa con trai dính vào chiếc điện thoại thì bộ phim cắt qua một cảnh ẩn ý “trung tâm điều khiển" với những con người đang thao túng newfeed của đứa trẻ, trong khi nhạc nền bài I Put a Spell on You đang phát. Phòng trường hợp bạn không chú ý lắm.
Rất nhiều thứ trong The Social Dilemma, đặc biệt là trong những phân cảnh gia đình của phim đã quá cũ kỹ và sáo mòn trong năm 2020. Đúng là điện thoại đã thay đổi cách chúng ta tương tác với gia đình và bạn bè. Đương nhiên, những đứa trẻ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nhưng những điều này lại chẳng có gì đặc biệt mới, hay thậm chí là thú vị. Harris, cuối cùng, đã đưa ra những quan điểm này trong suốt nhiều năm, và không chỉ có mình anh cho là như thế. Kể cả Zuckerberg cũng thừa nhận rằng các nền tảng của họ cần được giám sát nhiều hơn, tương tự với các bậc cha mẹ và những nhà làm luật.
Xem The Social Dilemma trong mùa COVID-19 càng khiến người ta cảm nhận được sự trớ trêu. Bộ phim mắt trong thời đại mà rất nhiều ngôi trường đã chuyển sang dạy online, một lượng lớn người Mỹ đã phải làm việc tại nhà, đường truyền mạng thông suốt càng trở nên đáng quý. Ngay cả mạng xã hội cũng có giá trị mới, như một cách kết nối bạn bè và gia đình, những người chúng ta không thể nhìn tận mặt.
Những nền tảng này đã gần như gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Những người không tiếp xúc với điện thoại, máy tính, WiFi trong năm 2020, đa phần sẽ không cảm thấy họ đạt được Niết-bàn trong thiền, mà thay vào đó sẽ là cảm giác tách biệt với cả công việc, trường lớp và toàn bộ xã hội.
The Social Dilemma chỉ về sự khác biệt giữa công nghệ “tốt” và công nghệ “xấu", khi Harris thừa nhận rằng sự phát minh ra các app di chuyển (như Uber, Grab…) mang cảm giác như phép màu. Tuy vậy, nhìn chung bộ phim vẫn theo hướng phê bình nặng nề truyền thông xã hội nói riêng và công nghệ nói chung. Có những lúc The Social Dilemma đơn giản hoá ảnh hưởng của truyền thông xã hội lên xã hội theo một hướng duy nhất.
Ví dụ, phim cho rằng sự gia tăng hội chứng trầm cảm ở lứa tuổi teen có thể truy ngược về sự gia tăng của truyền thông xã hội. Đây là thế hệ những đứa trẻ đầu tiên ở Mỹ lớn lên cùng tài khoản Instagram, tất nhiên rồi, nhưng đồng thời chúng cũng lớn lên cùng với ảnh hưởng không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu, chủ nghĩa dân chủ đang bị lung lay, phân biệt chủng tộc, sự suy tàn của thể chế xã hội, cha mẹ trực thăng (helicopter parents: cha mẹ can thiệp vào cuộc sống của con, bảo vệ con quá mức), và rất nhiều thứ khác đều có thể trở thành nguyên nhân đóng góp vào tỷ lệ trầm cảm gia tăng.
Không phải tự nhiên mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo cần cẩn thận khi đi đến kết luận đơn giản về mối quan hệ giữa mạng xã hội và sức khoẻ tâm thần. Mặc dù mạng xã hội có thể khiến các vấn đề như bắt nạt, cô đơn, tiêu chuẩn đẹp không thực tế, trở nên tệ hơn, nhưng nó chắc chắn không phát minh ra các vấn đề này. Harris cuối cùng cũng thừa nhận điều đó ở cuối The Social Dilemma.
Bản thân mạng xã hội không phải là mối đe doạ diệt vong với nhân loại. Thực chất, mối đe doạ nằm ở việc mạng xã hội phơi bày và khuếch đại những đặc tính xấu xí của chúng ta. Chiến tranh của con người không phải là với Big Tech (tên gọi chung nhóm các tập đoàn công nghệ có ảnh hưởng nhất đối với nền công nghiệp thông tin ở Mỹ là Amazon, Apple, Alphabet, Facebook, và Microsoft), mà đúng hơn là với cái xấu trong chính bản thân mình.
Đấy là khoảnh khắc thông thái ngắn ngủi trong phim khiến nhiều khán giả hoảng sợ và thức tỉnh. Không may là, cả Harris và bộ phim này đều chẳng thể đưa ra lời khuyên nào thiết thực cho những người đã thức tỉnh. Ai dành vài phút lên mạng xã hội đều biết rằng nó hỗn loạn tới mức nào. Vậy chúng ta phải làm gì? Các nhà sản xuất nhận trách nhiệm hỏi câu hỏi quan trọng đó vào cuối bộ phim. Các nhà công nghệ đưa ra vài ý tưởng: Thay đổi thiết kế. Thay đổi mô hình kinh doanh. Đưa ra điều luật mới. Đóng cửa các công ty. Dù vậy, phần lớn thời gian, chẳng có câu trả lời nào thiết thực được đưa ra cả.
Nguồn: Wired