Thông điệp giáo dục ý nghĩa qua lăng kính điện ảnh
Thông qua lăng kính của điện ảnh, những góc khuất đã phần nào được phơi bày, đồng thời nhiều thông điệp ý nghĩa cũng được truyền tải đến với người xem.
Nghề giáo luôn được xem là nghề cao cả và được xã hội tôn vinh. Nhưng có phải hết thảy những con người trong nghề này đều sống đúng với lương tâm và xứng đáng với sự tôn kính mà xã hội đã dành cho họ? Bên cạnh những người cô, người thầy luôn tâm huyết với nghề và tận tụy với công việc dạy dỗ những mầm non của xã hội thì vẫn còn có những góc khuất trong môi trường giáo dục khiến chúng ta phải kinh tởm. Thông qua lăng kính của điện ảnh, những góc khuất đã phần nào được phơi bày, đồng thời nhiều thông điệp ý nghĩa cũng được truyền tải đến với người xem.
1. Kokuhaku/Confessions (Lời Thú Tội - 2010)
Kokuhaku là tác phẩm kinh dị mang đề tài học đường từng gây chấn động Nhật Bản khi được ra mắt vào năm 2010 và là niềm tự hào của Nhật khi được đề cử cho giải Oscar lần thứ 83 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Phim được đạo diễn nổi tiếng Nakashima Tetsuya chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết tâm lý kinh dị cùng tên của nữ nhà văn nổi tiếng Minato Kanae, và đang trong quá trình chuyển ngữ ở Việt Nam. 106 phút của phim là bộc bạch của 3 học sinh chỉ mới 13 tuổi và cô giáo chủ nhiệm khiến cho người xem phải ám ảnh.
Phim mở đầu bằng bi kịch của cô giáo Yoko Moriguchi (Takako Matsu) khi chồng cô nhiễm HIV, còn đứa con gái 4 tuổi thì bị hai nam sinh 13 tuổi trong lớp cô giết chết. Để trả thù, Yoko đã tiêm máu nhiễm HIV vào sữa của chúng. Thế nhưng đây vẫn chưa phải là điều kinh khủng nhất. Naoki Shinomura (Kaoru Fujiwara) sợ hãi vì bị bạn bè cùng lớp đổ tội và bắt nạt, nên nghỉ học ở nhà, sau đó bị trầm cảm nặng rồi tự tay giết chết mẹ ruột. Shuuya Watanabe (Yukito Nishii) thì vẫn bất chấp tất cả để đến lớp và kết thân với Mizuki Kitahara (Ai Hashimoto) – lớp trưởng, người ngưỡng một việc một cô gái cùng tuổi đã tự tay giết chết cả gia đình mình khi bỏ thuốc độc vào nồi canh, nhưng do tuổi còn nhỏ nên cô được pháp luật khoan hồng. Shuuya và Mizuki sẽ chịu cái kết như thế nào?
Kokuhaku nêu lên thực trạng trong môi trường học đường với những con người dửng dưng, vô cảm, mà không hề biết rằng chính đó là mầm mống cho cái ác. Bên cạnh đó, phim còn là lời cảnh tỉnh cho cách giáo dục méo mó của các bậc phụ huynh, nhà trường và hành động sai lệch của những con người đứng ở cương vị nhà giáo. Shuuya và Naoki quả thực là có tội, nhưng sự trả thù của Yoko đã gián tiếp tạo ra nhiều bi kịch hơn nữa và hủy hoại cuộc đời của nhiều người khác. Hơn nữa, người thầy giáo mới nhận lớp cũng có một phần trách nhiệm khi không nhận thức được những gì đang xảy ra trong lớp học của mình. Có lẽ vì cái kết quá đen tối mà phim để hụt giải Oscar ở hạng mục Phim nước ngoài.
2. Silenced (Sự Im Lặng – 2011)
Silenced được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Dogani của nhà văn Kong Ji Young, dựa trên vụ án có thật về 9 học sinh khiếm thính là nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục bởi chính hiệu trưởng, giáo viên và quản lý ký túc xá. Phim kể về hành trình tìm ra sự thật và đấu tranh vì công lý của thấy giáo trẻ Kang In-ho (Gong Yoo). Bản thân In-ho đã có cuộc sống khó khăn, tài chính eo hẹp, vợ mất, con gái bị bệnh hen suyễn phải sống với bà nội. Anh được bổ nhiệm về dạy nghệ thuật cho trẻ em khiếm thính ở một ngôi trường tỉnh lị quê mùa tại Mujin (một địa danh không có thật). Nhưng chuyển đến chưa được bao lâu thì In-ho và Yoo Jin (Jung Yu Mi) – cô gái làm việc tại Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền ở thị trấn Mujin, dần phát hiện ra những bí mật khủng khiếp mà chính những người có chức trách trong trường đều thông đồng che giấu. Thế là hai người quyết tâm đưa sự thật ra ánh sáng và đòi lại công bằng cho những đứa trẻ.
Bộ phim được ra mắt vào năm 2011 – đúng vào thời điểm xã hội Hàn Quốc đang nhức nhối vì nạn xâm phạm tình dục trẻ em. Nhưng điều đáng sợ hơn chính là những tội ác này lại diễn ra ngay trong môi trường giáo dục và những kẻ thủ ác lại là những kẻ mang danh nhà giáo, những kẻ có trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng những đứa trẻ bất hạnh này. Bên cạnh đó, khán giả còn căm phẫn bởi cách mà những người đại diện cho pháp luật đã hành xử. Tất cả những con người này đã tạo nên một xã hội vô nhân đạo và ích kỉ đến đáng sợ. Tuy vậy, xã hội vẫn luôn còn rất nhiều con người chính trực và tốt bụng như cô Yoo Jin và thầy In-ho, vì thế cái ác sẽ không bao giờ có thể thống trị được.
3. Dead Poets Society (1989)
Khác hẳn với hai bộ phim được giới thiệu ở trên, Dead Poets Society hoàn toàn không có không khí u ám, nặng nề hay những sự thật khiến khán giả phải sởn gai. Bộ phim như một bài thơ nhẹ nhàng nhưng thấm thía, bình dị nhưng đầy ý nghĩa về cuộc sống, về tuổi trẻ, về ý chí. Phim lấy bối cảnh năm -1959 tại ngôi trường danh giá và lâu đời Welton Vermont – ngôi trường dự bị đại học dành cho nam sinh, nổi tiếng với 4 nguyên tắc vàng: truyền thống, danh dự, kỷ luật và chất lượng. John Keating (Robin William) – giáo viên dạy môn Ngữ văn vừa mới chuyển đến, quyết định thay đổi cách dạy truyền thống cứng nhắc của trường, đồng thời mở rộng cách suy nghĩ và tâm hồn của các cậu học sinh. Tuy nhiên, tư tưởng mới này gặp phải sự phản đối từ các giáo viên khác, từ ban giám hiệu và mang đến không ít rắc rối cho John. Bên cạnh đó, phim còn phác họa sự mâu thuẫn trong ý thức hệ giữa các nam sinh và chính gia đình của các cậu, và sự đấu tranh cho đam mê, lý tưởng của bản thân.
Dead Poets Society có thể không phải là một bộ phim dễ xem bởi bộ phim chỉ có bối cảnh gói gọn trong một ngôi trường và không có những cảnh hoành tráng hay cuốn hút. Nhưng phim là một câu chuyện đầy cảm hứng và ý nghĩa. Đặc biệt là những bài thơ được trích dẫn trong phim rất hay và không hề khô khan như những lớp học đi theo lối mòn, xa rời thực tế. Đây còn là tác phẩm đánh dấu tên tuổi của diễn viên quá cố Robin William. Phim còn chiến thắng giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
4. Like Stars on Earth (Cậu Bé Đặc Biệt – 2007)
Like Stars on Earth là bộ phim Ấn Độ do Aamir Khan làm đạo diễn và đóng vai chính (nam diễn viên nổi tiếng vào vai Rancho trong 3 Idiots).
Phim kể về cậu bé 8 tuổi Ishaan Awasthi (Darsheel Safary) bị mắc chứng khó đọc. Mặc dù bộc lộc năng khiếu vẽ từ nhỏ nhưng thành tích học tập của Ishaan luôn thấp vì đối với cậu, các con chữ và bài toán rất khó khăn. Không chỉ bị giáo viên và bạn bè xem thường, khi về nhà Ishaan còn bị gia đình ghẻ lạnh bởi anh trai của cậu là Yohaan (Sachet Engineer) luôn là học sinh xuất sắc và gương mẫu. Sau khi nhận được báo cáo học tập không tốt của Ishaan ở trường, cha mẹ cậu quyết định gửi cậu đến một trường nội trú. Tại đây, Ishaan đã gặp Ram Shankar Nikumbh (Aamir Khan) – một giáo viên dạy vẽ mới chuyển đến. Nikumbh đã phát hiện Ishaan bị chứng khó đọc và giúp cậu bé vượt qua khỏi tật này, đồng thời giúp làm nổi bật khả năng nghệ thuật của cậu bé.
Với thông điệp “Mọi đứa trẻ đều đặc biệt”, bộ phim không chỉ truyền cảm hứng cho những đứa trẻ khác có cùng hoàn cảnh trên khắp thế giới, mà còn truyền tải thông điệp ý nghĩa đến với những người trong ngành giáo dục. Thế giới cần có những người thầy như Nikumbh để mọi đứa trẻ không cảm thấy mình bị tách biệt với xã hội, để tạo điều kiện cho các em phát huy năng lực của mình. Like Stars on Earth còn là bộ phim Ấn Độ đầu tiên được Disney phát hành DVD quốc tế vào năm 2010.
Ngôi Trường Ma Quái – Nỗi sợ không chấm dứt
LeMinhBao ·