“Thuỷ quân” và vai trò trong truyền thông phim ở Trung Quốc

Tin điện ảnh · SarahTran ·

"Thuỷ quân” là gì và có sức ảnh hưởng như thế nào trong truyền thông phim ở Trung Quốc?

Nếu thường xuyên theo dõi tin tức phim ảnh Hoa ngữ, chắc hẳn bạn đã từng thấy từ “thuỷ quân” gắn liền với những bộ phim “flop dập mặt”. Vậy “thuỷ quân” là gì và có sức ảnh hưởng như thế nào trong truyền thông phim ở Trung Quốc?

Thuỷ quân, trong tiếng Trung là wanglou shuijun, là những người được trả tiền để “làm ngập” các trang blog, diễn đàn, mạng xã hội hoặc group chat bằng những bình luận không trung thực, mang tính bôi nhọ, những tin đồn hoặc thông tin không chính xác về một sản phẩm, nghệ sĩ hoặc một bộ phim. Gia nhập thuỷ quân đa số là những người vô gia cư, những bà nội trợ, và thậm chí là học sinh, sinh viên cần kiếm thêm thu nhập.

Những người “gia nhập” thuỷ quân đa số là những người vô gia cư, những bà nội trợ, và thậm chí là học sinh, sinh viên cần kiếm thêm thu nhập (Ảnh: Sixth Tone)
Những người “gia nhập” thuỷ quân đa số là những người vô gia cư, những bà nội trợ, và thậm chí là học sinh, sinh viên cần kiếm thêm thu nhập (Ảnh: Sixth Tone)

Đội quân này được sinh ra vào đầu những năm 2010, ban đầu xuất hiện trên các trang web bán hàng như Taobao và eBay Trung Quốc. Trong những năm gần đây, nền công nghiệp giải trí đã trở thành địa bàn hoạt động chính của họ - nơi mà các công ty đại diện của những người nổi tiếng và những fan cuồng sẵn sàng trả hàng triệu nhân dân tệ chỉ để lan truyền tin đồn. Các công ty giải trí có thể thuê thuỷ quân từ vài người đến vài trăm người ở những công ty đội lốt online marketing, để nâng rating phim, giúp một nghệ sĩ có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội hay thậm chí là bôi nhọ danh tiếng của đối thủ.

Weibo – mạng xã hội lớn nhất ở Trung Quốc, là một trong những diễn đàn bị thuỷ quân tấn công dữ dội nhất. Đối với các nghệ sĩ, mọi thứ trên mạng xã hội, từ người theo dõi, bình luận cho đến các chủ đề đang được nhiều người bàn luận, đều có thể được quy đổi thành tiền. Theo trang Sixth Tone, mỗi ngày có khoảng 40% hashtag thịnh hành trên Weibo là được thuỷ quân tạo ra.

(Ảnh: Sixth Tone)
(Ảnh: Sixth Tone)

Không chỉ “thống trị” trên Weibo, thuỷ quân còn được cho là hoạt động rất sôi nổi ở các trang web review phim như Douban và Maoyan, khiến nhiều bộ phim lỗ nặng. Vụ việc tai tiếng nhất là bộ phim sử thi Asura được ra mắt trong hè này.

Với 6 năm thai nghén và thực hiện, kinh phí hơn $100 triệu, 20 đơn vị tham gia phối hợp sản xuất, Asura được mong đợi là bom tấn lịch sử lớn nhất màn ảnh Hoa ngữ trong năm 2018. Thế nhưng, chỉ sau 3 ngày công chiếu, phim bị khán giả chê thậm tệ, nhà sản xuất phim công bố rút phim khỏi rạp mà không hề đưa ra lý do cụ thể. Sau đó, nhà sản xuất lại tiếp tục công bố rằng sẽ chỉnh sửa phim và chiếu phim lại, nhưng bẵng đi một thời gian vẫn không thấy động tĩnh gì.

(Ảnh: Sina)
(Ảnh: Sina)

Nhà sản xuất của Asura khẳng định những đánh giá chê phim thậm tệ trên mạng đều là giả. Họ cho rằng ai đó đã tạo ra 4000 tài khoản giả mạo trên mạng xã hội để chấm điểm thấp cho Asura. Trên Douban, phim chỉ nhận được số điểm 6.4/10, còn trên Maoyan thì chỉ có 3.1/10.

Trả lời phỏng vấn Sina, đại diện một đơn vị sản xuất, tập đoàn Ninh Hạ, đã nói rằng:

“Chúng tôi ngừng chiếu không phải do nội dung phim. Cho nên thông tin ngừng phim để chỉnh sửa là không chính xác. Chúng tôi đang nói đến việc phim bị các trang web đánh giá tiêu cực do lực lượng nào đó cố tình bôi nhọ phim, trong đó có trang Maoyan.”

Tuy vậy, không ai có đủ bằng chứng để xác thực nguyên nhân phim Asura bị ngừng chiếu có phải do thuỷ quân làm hay không. Nhiều người cũng khá nghi ngờ về việc này, mặc dù đúng là thuỷ quân đã ảnh hưởng đến danh tiếng của nhiều bộ phim, nhưng theo nhiều khán giả, chất lượng của Asura thật sự rất tệ, và số điểm trên Douban mà bộ phim này nhận được hoàn toàn không phải là vô lý.

Còn về nạn nhân thực sự gần đây nhất của thuỷ quân phải kể đến chính là bộ phim cung đấu Hậu Cung Như Ý Truyện được phát sóng hồi tháng 8. Phim được phát sóng gần thời điểm với Diên Hy Công Lược – một bộ phim cung đấu khác có nội dung hấp dẫn không kém, chính vì thế cả hai bộ phim không tránh khỏi sự so sánh.

Hậu Cung Như Ý Truyện (Ảnh: Sina)
Hậu Cung Như Ý Truyện (Ảnh: Sina)

Dĩ nhiên chuyện so sánh hay dở, khen chê giữa fan của hai bên là chuyện bình thường. Nhưng điều đáng nói ở đây là có tin đồn Vu Chính – biên kịch vàng của màn ảnh Hoa ngữ, người chấp bút cho kịch bản của Diên Hy Công Lược và thường xuyên “đá xoáy” Như Ý Truyện trên mạng xã hội, mua thuỷ quân để đánh giá xấu bộ phim này trên các diễn đàn, trang web khi phim chỉ mới chiếu được vài tập đầu. Đa số các tài khoản này đánh mạnh vào tạo hình, giọng nói của Châu Tấn, diễn xuất của Hoắc Kiến Hoa và phục trang của phim. Không thể phủ nhận, ở những tập đầu Châu Tấn khá “dừ” với vai Thanh Anh ở độ tuổi thiếu nữ 14 – 15, phục trang trong phim cũng có phần thua kém so với Diên Hy Công Lược. Thế nhưng phim có tới tận 87 tập, và nếu có theo dõi phim thì chắc chắn ai cũng sẽ thấy được sự đầu tư và chất lượng của phim như thế nào.

Diên Hy Công Lược (Ảnh: Sina)
Diên Hy Công Lược (Ảnh: Sina)

Không chỉ bôi nhọ hình ảnh, kéo rating của các bộ phim xuống, thuỷ quân còn được dùng để nâng điểm của những bộ phim có chất lượng kém để thu hút khán giả, đa số là phim của những diễn viên thuộc phái “tiểu sinh”, “tiểu hoa”, “tiểu thịt tươi” (hiểu nôm na là những nam/nữ diễn viên trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất).

Tháng 02.2017, nhiều cư dân mạng đã lên tiếng phàn nàn rằng họ không được trả tiền đầy đủ sau khi quảng bá bộ phim cổ trang General and I (Cô Phương Bất Tự Thưởng) dài 62 tập với dàn diễn viên nổi tiếng. Những người này cho rằng họ đã đăng các bình luận khen phim và đánh giá phim 5 sao trên Douban. Thế nhưng, tài khoản Weibo chính thức của bộ phim lại phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc này.

Cô Phương Bất Tự Thưởng (Ảnh: Sina)
Cô Phương Bất Tự Thưởng (Ảnh: Sina)

Ở thời đại khoa học công nghệ phát triển và “thứ gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền” như thế này thì không có chuyện gì là không thể xảy ra. Việc phim ảnh cạnh tranh nhau, dùng các phương thức để quảng bá là điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu các nhà sản xuất, ekip làm phim cứ tiếp tục dùng chiêu trò bẩn này để quảng cáo cho phim mình, hãm hại đối thủ, thì nó sẽ trở thành tiền lệ xấu trong cả ngành công nghiệp giải trí.

Nguồn: Tổng hợp