[Tổng Hợp] 10 phim tài liệu về môi trường giúp bạn thêm trân trọng Mẹ Trái Đất
Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·
Việc thiếu hiểu biết và vô cảm của con người trước việc giữ gìn tự nhiên đã dẫn đến nhiều thảm họa. Nhưng điều đó không có nghĩa là đã quá muộn để nâng cao nhận thức ngay từ bây giờ.
Biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu tác động thế nào đến môi trường? Hai vấn đề này thật hay giả? Rác nhựa và tái chế, chăn nuôi, chủ nghĩa tiêu dùng tác động như thế nào đến tự nhiên? Nếu chưa bao giờ biết Mẹ Trái Đất đẹp đẽ như thế nào và con người đã ăn mòn người mẹ chung này ra sao, mời bạn nhanh chóng xem ngay 10 bộ phim tài liệu này để trân trọng hành tinh này hơn nhé!
Một lời khuyên dành cho người xem là hãy sẵn sàng tinh thần trước khi xem chúng và đừng vừa ăn vừa xem đấy. Không, đây không phải là lời khuyên bảo vệ bao tử của bạn đâu!
1. Our Planet (2019)
Chúng ta hãy bắt đầu danh sách bằng việc chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ và thế giới động vật tuyệt diệu qua series Our Planet.
Bao gồm 8 tập phim, đội ngũ xây dựng Our Planet mất đến 4 năm và đi qua 50 quốc gia chỉ để thực hiện những tập phim dài chưa đến 1 giờ. Mục đích của Our Planet là phô diễn những cảnh tượng tuyệt diệu chưa từng thấy trước đây của thế giới động vật, từ trận đọ vuốt trên không của đại bàng cho đến những sinh vật sống hàng ngàn dặm dưới đáy đại dương. Series cũng nhắc nhở nhẹ người xem thiên nhiên đáng được trân trọng và ngày càng cần được bảo vệ đến thế nào.
2. Night on Earth (2020)
Về cơ bản, Night on Earth là một phiên bản về đêm của Our Planet và cũng được xây dựng kỳ công như vậy. Series gồm 6 tập này là thành quả của những đêm dài lăn lộn trên những thảo nguyên, thác nước, biển và thành phố của những nhà quay phim kết hợp với công nghệ quay đêm tân tiến đến mức có thể biến đêm thành ngày, làm thành những cảnh quay đẹp như tranh vẽ.
3. Terra (2014)
Terra là câu chuyện về Trái Đất và hơn thế nữa.
Thay vì được tường thuật theo ngôi thứ ba thông thường (như hai series trên), Terra được dẫn dắt bởi con người. Trong dự án phim tài liệu này, người xem sẽ được trực tiếp lắng nghe tự sự của loài người về vai trò và mối quan hệ của họ đối với tự nhiên.
4. Chasing Ice (2012)
Chasing Ice theo chân nhiếp ảnh gia James Balog và nhóm Extreme Ice Survey. Vốn nghi ngờ về cái gọi là “Biến đổi khí hậu”, cả nhóm đã dành một thời gian dài chụp và quay phim các tảng băng, sông băng và núi băng ở Greenland, Iceland và Alaska để tìm bằng chứng xác thực cho hiện tượng nóng lên toàn cầu lẫn biến đổi khí hậu. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, niềm tin của họ nhanh chóng bị lung lay.
Khi những trận tranh cãi về tính xác thực của vấn nạn biến đổi khí hậu ngày càng nóng lên, sự xuất hiện của Chasing Ice chẳng khác nào một gáo nước lạnh dội lên những lời khẳng định biến đổi khí hậu không tồn tại.
5. Chasing Coral (2016)
Mặc dù là loài động vật tối quan trọng đối với hệ sinh thái biển, san hô hiếm khi nhận được sự quan tâm của giới khoa học và những người thường. Đến nay, mọi chuyện đã đổi thay. Khi san hô biến mất với tốc độ chóng mặt, các nhà khoa học phải chạy đua với thời gian để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này. Vì nếu san hô tận diệt, những gì còn lại cho con người là những vùng biển trống rỗng và điêu tàn.
Chasing Coral nói lên tính cấp thiết của việc bảo tồn san hô, nhưng cũng không quên đem đến cho người xem thế giới tuyệt đẹp của các sinh vật biển chỉ tồn tại nếu san hô phát triển khỏe mạnh.
6. Born to be Free (2016)
Born to be Free là bộ phim tư liệu dài 74 phút theo chân 3 thợ lặn kiêm phóng viên chuyên về phóng sự môi trường là Gaya, Tanya và Julia trên hành trình đấu tranh cho tự do của loài cá heo đang bị giữ ở các thủy cung trên lãnh thổ Nga. Bộ phim bóc trần sự thật phũ phàng đằng sau những màn biểu diễn của các loài cá heo trong các khu thủy cung, đồng thời phô bày những góc tối của nền công nghiệp trao đổi, buôn bán động vật hoang dã quốc tế.
Với Born to be Free, đội ngũ sản xuất hi vọng có thể tiếp nối thành công của bộ tư liệu Blackfish (đối với người Mỹ) trước đó trong việc thay đổi nhận thức của người dân Nga trong việc bảo tồn và tôn trọng các sinh vật biển với thông điệp vị trí thật sự của chúng là ở đại dương rộng lớn.
7. Cowspiracy (2014)
Sau khi hủy hoại chuyến đi đến thủy cung của bạn, Cowspiracy sẽ làm bạn nghĩ lại vào lần sau bạn đưa một miếng thịt bò vào miệng.
Cowspiracy là một phim tài liệu nói về mảng tối của ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc đối với môi trường sống. Cụ thể ở đây là ngành chăn nuôi bò. Nền công nghiệp này đã trở thành một đế chế với quyền lực tuyệt đối thông qua việc sản xuất thứ thịt khoái khẩu của hơn 7 tỉ người, nhưng cái giá phải trả cho việc này đắt hơn những gì chúng ta có thể hình dung.
8. Broken (2019)
Đồ trang điểm, đồ gia dụng, thuốc là điện tử thời thượng, và tái chế, bạn đã nhận thức được mặt tối sau những mặt hàng này chưa? Broken sẽ giúp bạn làm điều đó. Và chúng phũ phàng như một cái tát vào mặt người tiêu dùng.
Người xem có thể chọn tập cuối cùng của series để thấy rõ sự thật của cái gọi là phương pháp tái chế, nhưng người viết khuyên bạn nên kiên nhẫn xem từ những tập đầu để có cái nhìn cẩn trọng hơn trong những lần mua sắm, nhất là những món hàng được chào mời với lời hứa giá rẻ nhưng chất lượng cao.
9. A Plastic Ocean (2016)
Khi nhà báo, nhà làm phim và hoạt động môi trường Craig Leeson tìm thấy những mẫu nhựa ở một vùng biển hoang sơ thay vì những chú cá voi, ông ngay lập tức tập hợp một đội ngũ gồm các nhà khoa học và chuyên gia lặn biển nhằm điều tra mối họa ô nhiễm biển do rác nhựa.
Đối với những người yêu biển, A Plastic Ocean là cơn ác mộng khủng khiếp thành hiện thực. Bộ phim tư liệu là hồi chuông cảnh báo mối hiểm họa đến từ rác nhựa và theo đó là chủ nghĩa tiêu dùng ưu ái sự tiện lợi hơn sự trong sạch của môi trường biển. Điều đáng buồn là giải pháp không đơn giản là tái chế.
10. Minimalism (2015)
Có 3 lý do người xem nên một lần xem Minimalism. Một là đây là một bộ phim tài liệu nhẹ nhàng nói về những lợi ích của lối sống tối giản. Hai là phim không làm chúng ta phải cảm thấy tội lỗi khi sử dụng một món đồ nào đó. Và ba là trong thế giới bị càn quét bởi chủ nghĩa tiêu dùng, lối sống tối giản có thể là một lời giải đáp không chỉ cho câu hỏi hạnh phúc, mà còn về tình trạng môi trường như hiện nay.