[TỔNG HỢP] 5 Bộ phim kinh dị độc lập ấn tượng bạn có thể đã bỏ lỡ
Phim Kinh Dị · Ivy_Trat ·
5 phim kinh dị độc lập ít người biết nhưng hay ho không kém dành cho các "mọt" phim kinh dị.
Hiện nay, khi nhắc đến phim kinh dị, đại đa số khán giả chỉ nhớ đến The Conjuring nhờ vào độ phủ sóng sâu rộng của thương hiệu này. Nhưng cũng có các mọt sẽ nhắc đến vài cái tên đặc biệt ấn tượng của thể loại kinh dị độc lập (indie) như Midsommar (2019), The Babadook (2014), Hereditary (2019)…
Bên cạnh những bộ phim kinh dị mang tính đại chúng, dòng phim kinh dị độc lập là một nơi mà thể loại horror như được giải thoát khỏi các lối mòn hù dọa và các “trope” nhân vật quen thuộc. Từ đó, trở thành một thứ gì đó mới lạ hơn trong phương diện sáng tạo lẫn truyền tải ý nghĩa.
Hầu hết các bộ phim trong danh sách sau đều được xếp vào danh sách phim kinh phí thấp. Tuy nhiên, các câu chuyện trong đây vẫn đáng cho bạn bỏ thời gian. Chính vì không có nhiều tài nguyên, các bộ phim này phải sáng tạo với những phương tiện có sẵn. Trên tinh thần đó, các bộ phim phải kể một câu chuyện kinh dị đang nhớ mà không cần vận dụng quá nhiều kỹ xảo cũng khiến người xem ớn lạnh như Hereditary hoặc The Babadook đã từng làm trước đó.
Điều đáng tiếc là vì không có độ phủ sóng cao, nên phim kinh dị độc lập dễ bị lạc trôi trong hằng hà sa số các bộ phim được ra mắt hằng năm. Dưới đây là 5 tên phim kinh dị độc lập hay ho mà các “mọt phim” đã có thể bỏ lỡ trong những năm gần đây.
1. Last Shift (2014)
Last Shift là một phim kinh dị hạng B ra mắt năm 2014. Thật không may là năm ấy, hào quang lại thuộc về các tên tuổi có tiếng hơn như Annabelle hay The Babadook. Nhưng bộ phim này vẫn có nhiều ưu điểm bất ngờ. Vì kinh phí thực hiện eo hẹp, Last Shift phải tận dụng triệt để những gì có thể kiểm soát được. Đó là bối cảnh rùng rợn và các pha hù dọa “có tâm”. Trên hết, câu chuyện trong đây không phải chỉ đơn thuần đi theo công thức “ngôi nhà ma ám”, mà được xây dựng như một câu đố với lời giải chính là cú plot-twist của phim. Kết hợp với nhau, bộ phim thực sự làm nên một trải nghiệm kinh dị đáng bỏ thời gian.
“Ngôi nhà ma ám của” Last Shift là một đồn cảnh sát sắp đóng cửa. Cảnh sát mới vào nghề Jessica Loren (Juliana Harkavy) nhận nhiệm vụ đầu tiên trong sự nghiệp là canh giữ nơi đây cho đến khi đội dọn dẹp cuối cùng đến. Ca trực của cô bắt đầu vào buổi tối và kết thúc vào sáng hôm sau. Nhưng không khí yên tĩnh không kéo dài được bao lâu thì các hiện tượng lạ xuất hiện, khiến nữ cảnh sát nhận thức được cô không chỉ một mình, và những kẻ đang hiện diện quanh cô không phải người.
2. The Devil’s Candy (2015)
The Devil’s Candy xoay quanh họa sĩ đang tuyệt vọng Jesse Hellman (Ethan Embry). Một ngày, gia đình anh gồm hai vợ chồng Hellman và con gái Zooey dọn về một ngôi nhà mới. Jesse bắt đầu nghe thấy những giọng nói lạ, thôi thúc anh ta vẽ một bức tranh. Trong cơn mê, anh ta đã vẽ nên kiệt tác vô cùng sống động và đáng sợ, mô tả chi tiết cảnh những đứa trẻ bị thiêu đốt và bị nuốt chửng bởi sinh vật giấu mặt đến từ địa ngục. Ngoài ngôi nhà của gia đình Hellman, một kẻ lạ mặt đang lởn vởn.
The Devil’s Candy là sự kết hợp tuyệt vời giữa kinh dị, giật gân, bạo lực và nhạc rock metal. Đúng như thứ âm nhạc đã cảm hứng cho phim, The Devil’s Candy nhiều lúc ồn ào, hỗn loạn, sống động. Câu chuyện của phim ấn chứa nhiều bất ngờ và mang tính sáng tạo về cách lột tả hiện tượng quỷ ám và sự chỉ lối của Chúa. Từ đầu đến cuối, người xem không thể phân định ranh giới giữa 2 hiện tượng này, vì phim đã làm mờ tất cả các “dấu hiệu” truyền thống mà kiểu phim về đức tin hay dùng. Từ đó, phim đưa người xem vào sâu trong tâm trí của những kẻ đang dần bị nhấn chìm vào điên loạn. Câu hỏi mà phim để cho khán giả trả lời là trong sự điên loạn đó, họ tìm thấy Chúa hay Ác quỷ?
3. Saint Maud (2020)
Saint Maud được coi là một bản “character study” ớn lạnh về mối quan hệ giữa con người, đức tin và tâm thần. Character study được biết đến là phim được thúc đẩy bởi những nỗi vật lộn bên trong một nhân vật, từ đó khắc họa những khía cạnh của nhân vật ấy. Ở đây, cuộc vật lộn giữa người và đức tin được truyền tải qua nhân vật Maud (Morfydd Clark). Bộ phim này đào sâu vào tâm trí của một phụ nữ giữa ranh giới tỉnh táo và điên loạn, cũng như sùng đạo và cuồng tín.
Maud là một y tá cá nhân và một tín đồ sùng đạo của Thiên Chúa giáo La Mã. Công ty chăm sóc sức khỏe cá nhân đem Maud đến với một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đang chờ chết tên Amanda. Amanda tâm sự với Maud rằng bà đang lo sợ cho linh hồn của mình ở cõi chết vì bản thân là người vô thần. Maud tin rằng Chúa đã cử cô đến để cứu vớt linh hồn của Amanda. Nhân vật này cũng liên tục nói với bản thân rằng cô có thể cảm nhận được sự hiện diện của Chúa. Nhưng liệu đó có phải là sự thật?
Saint Maud liên tục đặt người xem vào tình huống giằng co giữa ảo tưởng và hiện thực về sự hiện diện của Chúa mà Maud nói đến. Đến cuối cùng, kết phim là câu trả lời rõ ràng nhất cho các viễn cảnh mà Maud nhìn thấy, đồng thời làm lộ ra con người thật của Maud. Saint Maud không dành cho những fan kinh dị yêu thích máu me hoặc những màn hù dọa vật lý. Phim cũng không dành cho những người xem đang buồn bã. Vì bộ phim này vốn đã rất u ám rồi.
4. The Dark and the Wicked (2020)
Nếu các “mọt” từng yêu thích các phim kinh dị như Hereditary, Relic…. thì The Dark and the Wicked là một lựa chọn đúng bài. Tập trung vào quá trình bị ám đậm chất tâm lý của một gia đình, bộ phim này không làm bạn khiếp sợ bằng những cú hù dọa rẻ tiền. Đạo diễn Ryan Bertino làm người phim trở nên ấn tượng và sợ hãi bằng cách tạo nên một mối liên kết giữa người xem và cảm giác viễn cảnh trong đây một ngày nào đó sẽ là hiện thực của họ.
Thông qua bi kịch của một gia đình, The Dark and the Wicked đặt câu hỏi khó nuốt về nỗi ám ảnh chăm sóc cha mẹ tuổi già và di sản kinh hãi được truyền thừa từ thế hệ này sáng thế hệ khác, như một cách ẩn dụ về việc không phải gia đình nào cũng để lại những điều tốt đẹp cho con cháu. Đó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
The Dark and the Wicked kể về hai anh em Louis (Martin Ireland) và Michael (Micheal Abbott Jr.) dọn về với cha mẹ khi sức khỏe của cha họ ngày một sa sút. Là hai nhân vật duy nhất có tên riêng, 2 anh em bắt đầu nhận thấy sự bất thường hiện diện trong ngôi nhà thơ ấu. Một ngày, họ chứng kiến mẹ mình đang nói chuyện với một thế lực vô hình.
5. The Empty Man (2020)
Câu chuyện của The Empty Man tập trung vào vụ truy tìm Amanda. Cựu thanh tra James Lasombra (James Badge Dale) đã hứa với mẹ của cô bé là sẽ đưa con gái cô về nhà. Trong quá trình điều tra, James nhận ra Amanda đã thực hiện nghi thức triệu hồi xuất phát từ truyền thuyết địa phương về một thực thể được gọi là Người đàn ông rỗng, tức The Empty Man. Mọi dấu vết anh truy đươc đều nói lên Amanda đã bị thực thể này bắt giữ. Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy.
The Empty Man khi ra mắt đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đến nay, phim được các fan của thể loại kinh dị coi là một “cult classic” điển hình. Ý tưởng của bộ phim được xem là không có góc độ để quảng bá, nên danh tiếng của phim hầu như được truyền miệng trong cộng đồng phim kinh dị. Có vẻ như đó không phải là một sự tình cờ. Vì bộ phim này chẳng khác gì một câu chuyện dân gian hay truyền thuyết thành thị - thể loại cũng sống sót qua năm tháng nhờ truyền miệng.
Bộ phim thoang thoảng phong cách của Blumhouse khi hãng phim này còn thịnh. Phim dẫn dắt người xem vào một hành trình khám phá đức tin, tôn giáo và các nghi thức dân gian với hàm ý ẩn dụ rằng nhiều khi đi tìm sự khai sáng sẽ dẫn bạn đến một thực thể không nên đánh thức. Nhưng câu chuyện của The Empty Man không chỉ dừng lại ở chủ đề tôn giáo. Khía cạnh trinh thám nhuốm màu siêu nhiên của phim cũng là một yếu tố trọng yếu làm nên bộ phim. Cú twist của The Empty Man không nằm ở câu hỏi liệu Người đàn ông rỗng có thật hay không luôn lởn vởn sau đầu của thanh tra James, mà nằm trong chính quá trình điều tra lắt léo này.