[TỔNG HỢP] 7 bộ phim phơi trần mặt tối của mạng xã hội

Đánh giá phim · miduynph ·

Những bộ phim giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn trong việc sử dụng mạng xã hội.

Với sự phát triển của internet, con người đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều phương tiện hiện đại và tân tiến. Từ đó, mạng xã hội cũng ngày càng trở nên thịnh hành và là cầu nối tiện lợi giúp gắn kết mọi người trên khắp thế giới. Đây cũng là nơi con người có thể giải trí và thể hiện cá tính bản thân mình với bạn bè và những người xung quanh. Dần dà đã tạo nên một thế giới ảo đầy hào nhoáng nhưng cũng chứa đựng vô vàng mối nguy hại với những người sử dụng. Thấu hiểu điều đó, các nhà làm phim đã cho ra đời nhiều tác phẩm nhằm lên án những hành vi tiềm tàng nguy hiểm trong thời đại công nghệ số.

Cùng Moveek điểm qua 7 bộ phim dưới đây để có cái nhìn đa chiều hơn trong việc sử dụng mạng xã hội cũng như cách đề phòng những hiểm họa có thể phát sinh từ nơi vốn được xem là thế giới ảo nhưng ảnh hưởng thì rất chân thật và tàn khốc.

1. Unfriended (2015)

Unfriended kể về câu chuyện độc đáo khi một hồn ma tìm cách trả thù qua trang mạng xã hội. Như thường lệ, cuộc gọi Skype của cô nữ sinh Blaire Lily (Shelley Hennig) cùng nhóm bạn thân vẫn diễn ra vui vẻ. Nhưng mọi chuyện lại kỳ dị khi có 1 tài khoản lạ luôn muốn kết nối với họ. Không chỉ thế, bỗng dưng tài khoản Facebook của cô bạn Laura Barnes (Heather Sossaman) lại bắt đầu online trò chuyện trở lại dù cô đã mất hơn 1 năm sau vụ tự sát. Tiếp theo đó là hàng loạt những yêu cầu ghê rợn mà kẻ bí ẩn kia bắt cả nhóm phải thực hiện, từ ấy những bí mật ghê tởm của từng cá nhân cũng được phơi bày và cái chết của Laura dần được sáng tỏ.

Bộ phim gây ám ảnh cho người xem bởi những âm thanh rất đỗi quen thuộc như tiếng chuông cuộc gọi từ Skype, tiếng hiện thông báo Facebook, tiếng Messenger lại trở nên nguy hiểm và đáng sợ đến thế.

2. Friend Request (2016)

Có thể thấy việc chấp nhận lời mời kết bạn của Laura khiến Marina quá kỳ vọng vào một tình bạn bền chặt ngoài đời nên khi bị từ chối lời mời tiệc sinh nhật, Marina đã trở nên cực đoan về mặt cảm xúc. Đó cũng là bài học cho giới trẻ khi phụ thuộc quá nhiều vào những tương tác trên mạng xã hội, các mối quan hệ ảo mà quên mất đi việc kết nối ở đời thực.

3. The Circle (2017)

The Circle đưa người xem theo chân Mae Holland (Emma Watson), một nhân viên làm việc tại Circle - Tập đoàn công nghệ lừng danh do Eamon Bailey (Tom Hanks) sáng lập. Công ty đã liên tục nghĩ ra nhiều dự án để thu thập, lưu trữ và trục lợi từ những thông tin của người dùng mạng xã hội. Công ty có số lượng khổng lồ những số liệu về tất cả mọi lĩnh vực và nếu bạn cần những con số đó thì đổi lại bạn sẽ phải gắn camera trực tuyến 24/7 để cho cả thế giới dõi theo cuộc sống của bạn. Dần dà, Mae cũng nhận thức được những việc làm của công ty đang xâm phạm tự do cá nhân của người sử dụng, và dẫn đến hệ lụy khủng khiếp.

Phim cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về việc phụ thuộc và lạm dụng mạng xã hội. Những hậu quả tiêu cực sẽ ập đến bất cứ lúc nào và chúng ta sẽ bị dễ dàng trở thành con mồi béo bở để những kẻ gian lợi dụng và điều khiển như nô lệ.

4. Searching (2018)

Searching lấy bối cảnh tại thành phố San Jose, bang California, Mỹ. Sau khi người vợ Pamela (Sara Sohn) qua đời vì bệnh tật, David Kim (John Cho) phải một mình nuôi dưỡng cô con gái Margot (Michelle La) và ngày đêm lao vào công việc. Cho đến một ngày Margot bị mất tích, nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm từ phía cảnh sát lại dần bế tắc. David đã tự mình truy lùng tung tích của Margot dựa trên thông tin mà anh thu thập từ những trang mạng xã hội mà con gái tham gia.

Ngoài thông điệp gia đình về sự quan tâm mà cha mẹ dành cho con cái, bộ phim còn là lời cảnh tỉnh tinh tế về lối sống của giới trẻ trên thế giới ảo. Margot dường như đã hoàn toàn sống một cuộc đời trên mạng xã hội khi mọi thói quen, hành động, suy nghĩ đều được cô để lại trên các tài khoản ấy. Vì vậy, có thể thấy bất cứ kẻ lạ mặt nào cũng có thể tiếp cận chúng ta bằng việc tìm được mọi thông tin riêng tư đó. Việc ngày càng chìm đắm sau màn hình laptop và tách mình ra khỏi thế giới thực cũng sẽ hạn chế khả năng giao tiếp và thấu hiểu nhau ngoài đời.

5. Dream Man (2018)

Bộ phim có motif khá tương đồng với Friend Request khi những ai có kết bạn với tài khoản Facebook tên Dream Man đều nhận được cái chết bất ngờ. Mở đầu là cái chết của hot girl Thảo Nara (Thanh Tú), sau đó là Thắng (Lý Bình) chết trong khách sạn và tiếp đến là Như (Đàm Phương Linh) cũng mất tích bí ẩn. Giờ đây chỉ còn lại 2 thành viên trong nhóm bạn là Phong (Thanh Duy) và Cường (Anh Tú) sống sót, họ tìm cách lẩn trốn đồng thời truy tìm danh tính của kẻ bí ẩn kia.

Là một tác phẩm khá mới lạ và được đánh giá cao của điện ảnh Việt, khi bộ phim có kịch bản logic và phản ánh đúng xã hội và giới trẻ hiện giờ khi chỉ trau chuốt hình tượng ảo của mình qua mạng xã hội. Phim cũng gửi gắm những thông điệp về tình bạn, về cuộc sống rất đáng suy ngẫm.

6. The Hater (2020)

The Hater bắt đầu bằng hình ảnh chàng sinh viên khoa luật Tomasz Giemza (Maciej Musialowski) ở thủ đô Warsaw, Ba Lan bị kết tội đạo văn và buộc thôi học. Với khả năng nổi trội trong việc theo dõi, bám đuôi, Tomasz đã vào làm việc cho Best Buzz PR – một tổ chức dùng những chiêu trò PR hèn hạ thao túng đám đông nhưng lại đội lốt một công ty cung cấp dịch vụ truyền thông mạng. Từ một “anh hùng bàn phím” định hướng dư luận, Tomasz càng dấn thân và lún sâu vào thế giới đầy rẫy sự dối trá, ngụy trang, thậm chí là những mưu đồ chính trị đầy thâm độc.

7. The Social Dilemma (2020)

Bộ phim tài liệu lột tả những mặt tối mà con người phải đánh đổi khi sử dụng mạng xã hội và tìm kiếm lời giải cho câu hỏi "Mạng xã hội đang kiểm soát con người như thế nào?" Tác phẩm đưa ra lời cảnh báo từ chính những người đầu ngành trong lĩnh vực lập trình, công nghệ dữ liệu. Họ là cựu giám đốc điều hành, chủ tịch, nhà đầu tư, quản lý, nhà phát triển sản phẩm, nhà đạo đức thiết kế ở các công ty công nghệ hàng đầu thung lũng Silicon: Facebook, Google, Twitter, Instagram, Pinterest, Snapchat...

Bên cạnh cuộc phỏng vấn thực tế, phim còn tạo nên tuyến nhân vật hư cấu giúp người xem dễ hình dung được các chiêu trò và phương thức “gây nghiện” mà mạng xã hội mang đến cho người dùng. Cái giá phải trả cho sự tiện lợi, giải trí lại còn miễn phí khi truy cập các phần mềm, không gian mạng là việc bị một đội ngũ phía sau vận hành các thuật toán phức tạp để điều khiển hành vi, suy nghĩ và cuộc sống.