Vệ Sĩ Sài Gòn - Thái Hòa "cứu" cả bộ phim

Đánh giá phim · Moveek ·

Kịch bản Vệ Sĩ Sài Gòn đi theo chiều hướng lạ, tình huống và cách giải quyết tình huống khá mới mẻ, người xem chẳng đoán được gì.

Trước khi nói về phim thì mình muốn nói 1 chút về truyền thông, vì chợt nhận ra rằng ít có phim nào hay mà truyền thông vớ vẩn. Và 1 bộ phim không tới đâu thì ekip làm truyền thông cũng chán tương đương không kém. Đại để là mình khá không thích 1 phim Việt gần đây có cái poster đã chẳng đẹp mà lại còn đi treo trên các cây, cột điện để truyền thông, nhìn cách PR này thì mình nghĩ phim dở, và cuối cùng thì phim dở thật. Vâng, và Vệ Sĩ Sài Gòn thì đáng để tin tưởng, phần vì có tên Thái Hòa làm bảo chứng và cách đi truyền thông cũng dễ chịu. Ví dụ như nhìn cái vé mời ra mắt phim cắt format hình kiếng mát, bỏ trong 1 cái hộp chỉn chu thì chưa xem đã thấy có cảm tình rồi.

Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc tiếp.

Chắc vì đạo diễn không phải người Việt nên phần truyền thông không ai nhắc tới anh. Lần đầu đi coi phim mà chả biết đạo diễn là ai. Nhưng chắc cũng vì đạo diễn không phải người Việt nên cách cắt cúp, chỉnh màu, cú máy, tình huống cũng không bị “mùi phim Việt”, rất nhanh, rất tốt và rất có cảm giác. Những pha hành động rượt đuổi trong cảnh chạy xe ban đầu phải nói là cực kỳ hấp dẫn, coi mà còn hú hồn theo nhân vật. Duy chỉ có cú (Trịnh) Kim Lý đu lên chiếc xe tải và mém bị quẹt vào bảng hiệu Spa gì gì đó thì làm không tới, không thấy sự nguy hiểm.

Kịch bản phim đi theo chiều hướng lạ, tình huống và cách giải quyết tình huống khá mới mẻ, người xem chẳng đoán được gì. Ví dụ như Khi Trịnh và Viên (Thái Hòa) đề nghị Phúc bán phở (B Trần) đóng giả cậu chủ Henry (B Trần đồng thủ vai), thông thường thì nhân vật Phúc sẽ yêu cầu rất nhiều tiền hoặc là nhân vật này sẽ có cú lật để mọi chuyện rắc rối hơn. Thì đằng này, Phúc không cần tiền, Phúc chỉ muốn trở thành vệ sĩ như Trịnh và Viên; nếu làm rõ được tâm lý nhân vật vì sao lại có sự lựa chọn này sẽ hay hơn là cứ khơi khơi như vậy.

Và cuối cùng vai trò của Phúc trong câu chuyện này cũng không đủ thuyết phục. Kịch bản đi theo chiều hướng mới là 1 điểm hay nhưng cũng dễ bị dở, vì rất khó chặt chẽ, và quả thật kịch bản không hề chặt. Lẽ ra nên có những điểm gieo để khán giả hồ nghi về cái chết của ông bố Henry, hay người đứng đằng sau giựt giây bắt cóc Henry thì đằng này mọi thứ vô cùng mập mờ. Câu chuyện được vỡ lẽ bằng phân đoạn thoại qua thoại lại của các nhân vật ở đoạn cuối, mà cũng không đủ rõ ràng để hiểu. Huyết Lan Hội là ai? Sao lại phải kéo lên du thuyền ăn chơi? Vệ sĩ mà lại đi coi bói? (trừ phi đoạn này muốn làm hài hài thì ổn, nhưng cuối cùng lại giúp giải quyết vấn đề thì hơi nhảm).

Chính vì sự lỏng lẻo trong kịch bản mà vô hình chung khiến cho phim hành động nhưng lại có những đoạn cảm giác rất chậm – do người xem đang không biết mình ở giai đoạn nào của câu chuyện, có gì để mong chờ ở những phân đoạn tới.

Về diễn xuất, B Trần tốt hơn những phim từng đóng trước đây. Nếu như Yêu và Vẽ Đường Cho Yêu Chạy chỉ thấy 1 B Trần đẹp trai kiểu Hàn Quốc, lãng tử và không có gì hơn, thì ở Vệ Sĩ Sài Gòn đã thấy 1 diễn xuất vừa đủ chín của B Trần ở cả 2 vai Henry và Phúc, tiêc là nhân vật Henry có tính cách không rõ ràng. Thái Hòa thì khỏi nói, vẫn rất duyên dáng, 1 câu thoại bình thường mà vào miệng của Thái Hòa thì tự nhiên cũng thành hài hước, thú vị.

Và ngược lại, Kim Lý đừng nên thoại, thoại toàn mấy câu “deep” mà nghe cứ sao sao, nghe như trả bài, thoại không từ bên trong mà ra. Kim Lý chỉ cần đánh đấm và nhìn thất thần xa xăm thôi là đủ. Vai của Chi Pu vốn đã khó hay, lại thêm Chi Pu diễn nên nhạt vô cùng, đôi khi tự hỏi vai trò của nhân vật này là gì? Cảnh buồn cười nhất là cảnh tình cảm của Chi Pu và Kim Lý (xem chẳng thấy 500 đồng cảm giác, bởi cách diễn khiến khán giả không tin là họ thầm yêu nhau) đâm ra tình huống yêu đương của 2 nhân vật trở nên trớt quớt. Cái này không biết là biên kịch hại diễn viên hay diễn viên hại biên kịch nữa. Khương Ngọc diễn vai quái quái thì đỉnh rồi, nhưng 1 nhân vật quái như vậy sao lại làm trong 1 công ty sữa? Kim Lý và Thái Hòa vẫn chưa tạo cảm giác cho người xem tin rằng họ là 1 đôi bạn thân, cho nên khi 2 người đang vui vẻ hay có mâu thuẫn, khán giả chưa thực sự cảm nhận được mà phải chờ đến khi âm nhạc vang lên.

Nhạc phim là 1 điểm cộng, toàn những bài cũ đã rình rang từ mấy năm trước mà đưa vào phim duyên dáng vô cùng. Nhạc thì deep, cảnh thì deep nhưng lại khiến khán giả cười banh..tư duy chèn nhạc phim siêu tốt.

Nói chung, phim duyên dáng, hấp dẫn và chỉn chu. Những gì cần chê thì chê ở trên rồi, và may mắn thay mấy điều be bé đó cũng không khiến phim dở. Cho nên là, hãy đi xem Vệ Sĩ Sài Gòn đi nha!

Nguồn: Vẫn Còn Trinh