Vì sao Tết thiếu nhi năm nay chỉ có phim Việt dành cho người lớn ra rạp?

Tin điện ảnh · Maii ·

Khan hiếm phim Việt dành cho trẻ nhỏ, bao giờ mới hết?

Sau ngày nghỉ 30 tháng 4 và Quốc tế Lao Động 1 tháng 5, chúng ta sắp sửa bước vào một mùa phim mới sôi động hơn bao giờ hết: mùa phim hè, được đánh dấu và khởi động bằng ngày Quốc tế Thiếu Nhi 1 tháng 6.

Quốc tế Thiếu Nhi đang đến gần, nhưng điện ảnh Việt không có phim nào dành cho thiếu nhi?
Quốc tế Thiếu Nhi đang đến gần, nhưng điện ảnh Việt không có phim nào dành cho thiếu nhi?

Để đón chào ngày hội dành cho các em nhỏ trên toàn thế giới, phim ảnh các nước cũng chuẩn bị rục rịch ra lò nhiều phim hoạt hình, phim thiếu nhi dành cho mọi lứa tuổi như Chú Gà Không Gian, Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng, Giải Cứu Tí Nị, Đảo Của Những Chú Chó, Phù Thủy Grump và Vương Quốc Màu Sắc… Tuy nhiên, trong khi không khí phim hè thiếu nhi ở các nước đang nóng như mặt trời Sài Gòn giữa trưa, điện ảnh Việt có vẻ như đang nằm ngoài cuộc đua ấy khi không thấy bóng dáng một phim thiếu nhi nào chuẩn bị ra rạp, ngoại trừ 2 phim tình cảm, ngôn tình là Em Gái Mưa (khởi chiếu đúng 1.6)  Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè (dời lịch chiếu sớm từ 25.5).

Tràn ngập phim ngoại, điện ảnh thiếu nhi Việt lép vế
Tràn ngập phim ngoại, điện ảnh thiếu nhi Việt lép vế

Trong những năm gần đây, một trong những phim hè dành cho thiếu nhi gây được sự chú ý nhiều nhất phải kể đến các phim của đạo diễn Lê Bảo Trung như Bảo Mẫu Siêu Quậy 1 và 2, Anh Em Siêu Quậy… Tuy nhiên, người ta ngạc nhiên khi năm nay, đạo diễn Lê Bảo Trung không công bố sẽ ra mắt bộ phim trẻ em nào khác như mọi năm. Nhưng vấn đề không nằm ở việc Lê Bảo Trung không làm phim trẻ em trong năm nay, mà quan trọng là chẳng lẽ ngoại trừ anh ra, không ai ở Việt Nam muốn làm một bộ phim dành cho thiếu nhi?

Phim ảnh là một phần không thể thiếu trong sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ em. Nhiều quá thì có hại, nhưng nếu ở một mức độ vừa phải và có chọn lọc, phim ảnh thực sự có ảnh hưởng tích cực lên không chỉ trẻ nhỏ, mà còn ở mọi lứa tuổi.

Doraemon - Một trong những tựa phim hoạt hình mang tính giáo dục đến từ Nhật Bản
Doraemon - Một trong những tựa phim hoạt hình mang tính giáo dục đến từ Nhật Bản

Cuộc sống hối hả, nhộn nhịp và phức tạp của người lớn có thể khiến chúng ta quên mất việc suy nghĩ đơn giản đi, tìm được niềm vui trong những điều bình dị và đôi khi chỉ cần cười một chút nhằm quên đi nhọc nhằn. Để thu hút trẻ nhỏ, phim ảnh dành cho đối tượng khán giả đặc biệt này thường có nội dung đơn giản, hình ảnh đẹp, hài hước, dễ thương, âm thanh vui nhộn, có thể thêm vào một chút kịch tính, và đặc biệt phải mang tính giáo dục nhưng không giáo điều. Những bộ phim làm tốt được các đặc điểm này thường không chỉ dành cho trẻ em, mà còn dành cho người lớn, làm giàu thêm cuộc sống tinh thần của khán giả và truyền tải thông điệp nhân văn một cách có ý nghĩa. Thêm vào đó là việc cha mẹ dẫn con cái đi xem, vì thế mà số lượng khán giả luôn có thể gấp đôi, gấp ba bình thường, nên không thể nói phim dành cho thiếu nhi là phim kén khán giả hoặc không có lời.

Không có Lê Bảo Trung, phim điện ảnh Việt dành cho thiếu nhi im hơi lặng tiếng
Không có Lê Bảo Trung, phim điện ảnh Việt dành cho thiếu nhi im hơi lặng tiếng

Nếu thế thì tại sao điện ảnh Việt lại hiếm có phim thiếu nhi nào được ra mắt chứ chưa nói đến thành công trong việc chinh phục khán giả?

Các phim dành cho thiếu nhi trong dịp này thường là phim hoạt hình, mà tình hình hoạt hình Việt Nam ai cũng hiểu và đã được nhắc đi nhắc lại khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Vấn đề đầu tiên vẫn luôn nằm ở phần kinh phí. Làm một phim hoạt hình ngắn 30 phút đã khó, huống chi làm đến cả một phim 90 phút hoặc 120 phút chiếu ngoài rạp, chưa kể đến việc cạnh tranh với các phim hoạt hình bom tấn khác. Nếu không làm hoạt hình, người ta luôn có thể làm phim thiếu nhi người đóng. Tuy nhiên, kiểu làm phim này quả thật không dễ, không chỉ riêng đối với điện ảnh Việt Nam mà còn đối với điện ảnh thế giới.

Tết Thiếu Nhi, người lớn đi xem phim ngôn tình/tình cảm...
Tết Thiếu Nhi, người lớn đi xem phim ngôn tình/tình cảm...

Tính logic của phim không phải vấn đề quan trọng nhất. Nhiều phim dành cho thiếu nhi của các nước như Anh, Mỹ, Trung… vẫn đầy rẫy các lổ hỗng logic to như con voi nhưng vì đấy là phim thiếu nhi, và cũng vì những mặt khác của phim như hình ảnh, âm thanh, diễn xuất, bài học nhân văn đều tuyệt vời nên sẽ chẳng ai bắt bẻ quá nhiều một bộ phim dành cho trẻ em ở độ tuổi đó cả, miễn sao mọi thứ kết hợp với nhau hài hòa nhất có thể để tạo nên một bộ phim hay. Bất cứ một bộ phim nào, cho dù là phim thiếu nhi hay là phim dành cho người lớn thì vẫn cần nội dung chỉn chu, hợp lý ở một mức độ chấp nhận được, nghe nhìn tốt…

Tuy nhiên, làm việc với các diễn viên nhỏ tuổi trong một bộ phim thiếu nhi là thử thách lớn đối với bất cứ vị đạo diễn nào. Trẻ con có giờ sinh hoạt riêng, có suy nghĩ và cảm xúc rất khác với người lớn. Chúng ta không thể trông đợi chúng quay phim từ sáng đến chiều và làm việc liên tục không ngơi nghỉ như người lớn được. Chưa kể các vấn đề khác như làm sao để các bé đi đúng kịch bản nếu các bé không biết đọc, biết viết, ứng biến trong những tình huống xấu, diễn xuất thế nào cho đúng ý đồ đạo diễn.

... Trẻ em xem gì?
... Trẻ em xem gì?

Có lẽ vì quá nhiều bất cập nên làm một bộ phim ngôn tình vẫn dễ hơn là một bộ phim thiếu nhi chăng? Dù sao cũng không đúng lắm khi "đổ thừa" cho một vị đạo diễn về đề tài phim ảnh họ muốn làm. Tuy nhiên, điện ảnh Việt hiện giờ vẫn rất cần ai đó ngoài Lê Bảo Trung, dám đi đầu trong việc thực hiện phim dành cho mọi lứa tuổi để cạnh tranh với phim ngoại. Việc khan hiếm phim Việt dành cho thiếu nhi vẫn là một bất cập đã được bàn luận trong nhiều năm, nhưng có vẻ vẫn chưa tìm được giải pháp.