Vincent Thương Mến – Nhận ra mình thật nhỏ bé!
Góc Nghệ Thuật · Grewi ·
Gửi Vincent, người đã ra đi từ cuối thế kỷ XIX ở độ tuổi 37 – từ một thằng nhóc sinh ra trong những năm cuối thế kỷ XX.
Gửi Vincent, người đã ra đi từ cuối thế kỷ XIX ở độ tuổi 37 – từ một thằng nhóc sinh ra trong những năm cuối thế kỷ XX.
Tôi biết bản thân mình không phải là một con người của nghệ thuật, không say mê thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật hay, cũng chẳng phải là một người nghệ sĩ làm ra những tác phẩm đó. Tôi dành nhiều thời gian cho những bộ phim truyền hình chính kịch Mỹ và thỉnh thoảng thả mình trong vài bộ phim độc lập kén khán giả. Tôi viết những dòng lan man này xuất phát từ tâm trạng của một thằng nhóc từng thấy một bức tranh xấu hoắc được ca ngợi rồi chính thằng nhóc ấy lại thấy nó thật rạng ngời và cuốn hút.
Tôi đang nói về Hoa Diên Vĩ (Irises), bức tranh mà tôi từng được thấy trong cuốn sách nào đó hồi tiểu học. Bằng trí nhớ kém cỏi của mình, tôi nhớ ai đó đã nói rằng đấy là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của một trong những họa sĩ thiên tài của thế giới, Vincent Van Gogh. Khi ấy, tôi chẳng hiểu nghệ thuật là gì, chẳng biết thế nào là cái đẹp, không một cảm xúc hay suy nghĩ khi ngắm nhìn, lắng nghe những thứ được gọi là tác phẩm của những người nghệ sĩ.
Năm qua tháng lại, thời gian cứ như chiếc thoi đưa, chớp nhoáng, xoành xoạch mà tiến về phía trước. Thằng nhóc ấy lớn dần, nghiền ngẫm một vài bài thơ trong những cuốn sách cũ của chị hai để lại, thích thú trước những ca khúc trong chương trình Bài Hát Việt khi mà những đứa bạn đồng trang lứa đang say mê những bài hát thị trường. Một lần, cậu trai mới lớn lại nhìn thấy Hoa Diên Vĩ trên chiếc TV cũ của gia đình, chỉ khác biệt, cậu ta thấy nó đẹp hơn nhưng rồi lại quên đi nhanh chóng.
Hai năm đầu đại học, những năm tháng xa nhà đúng nghĩa của một chàng sinh viên tỉnh trên Sài Gòn, là những chương trình đoàn hội, là những hoạt động tình nguyện. Cũng chẳng bao lâu, chàng trai trẻ lại mất đi cái nhiệt huyệt của mình hoặc đang chôn giấu nó ở đâu đó để đến với thế giới của truyền hình Mỹ và thỉnh thoảng là những bộ phim độc lập kén khán giả và bắt đầu chia sẻ những gì cậu ấy biết bằng vài dòng ngắn ngủi. Một ngày nào đó vài tháng trước, cậu đọc được tin tức về bộ phim hoạt hình làm từ 65.000 bức tranh sơn dầu ghép lại về cuộc đời của một người họa sĩ tài năng nhưng bạc mệnh, tác giả của bức tranh Hoa Diên Vĩ năm nào.
Cậu háo hức và chờ đợi bộ phim ấy như một kẻ yêu phim trông chờ tác phẩm mới từ gã đạo diễn yêu thích. Cậu ấy thích cái đẹp, cậu ấy thích những bộ phim mà trông chúng thật đẹp. Tất nhiên, cậu ấy cũng là một người thích những bộ phim được làm thật kỳ công, được những người tạo ra nó đã hết mình vì thứ được gọi là tác phẩm nghệ thuật. Loving Vincent là một điều như thế. Một tác phẩm nghệ thuật được những người nghệ sĩ dựng xây kể về một người nghệ sĩ đã từng sống và cống hiến cuộc đời ngắn ngủi của mình cho nghệ thuật.
Trong trailer của Loving Vincent có trích dẫn một bức thư mà Van Gogh viết “Bằng những bức tranh của mình tôi muốn cho cả thế giới biết rằng trái tim kẻ vô danh này ẩn chứa những điều đẹp đẽ gì.” Khi ấy, liệu có bao nhiêu người trân trọng và thấy được vẻ đẹp những tác phẩm nghệ thuật mà ông tạo ra. Sau khi Van Gogh mất, những tác phẩm của ông mới bắt đầu trở nên nổi tiếng và có giá. Vài chục năm sau người ta bắt đầu nghiên cứu về ông và rồi phải cả thế kỷ sau, tranh của ông liên tục tạo nên những kỷ lục đấu giá trên thế giới.
Van Gogh sống một cuộc đời nghèo túng, bệnh tật và cô độc khi tài năng chưa được công nhận. Trong suốt dòng lịch sử, cũng đã có biết bao nhiêu người nghệ sĩ như thế. Họ cống hiến tuổi trẻ và những năm tháng đẹp đẽ đời mình cho thứ nghệ thuật mà họ yêu quý. Họ không được xã hội đương thời đón nhận và phải khi họ không còn trên cõi đời này, người ta mới trân trọng những gì họ làm ra. Tôi chợt nhớ đến một nhà thơ mà cuộc đời và mối tình của ông cùng Paul Valerine được chuyển thể lên màn ảnh qua bộ phim Total Elipse (1995) mà tôi từng được xem, người cũng chỉ trải qua 37 cái xuân xanh, Athur Rimbaud.
Có những thứ khiến tôi thật sự háo hức với Loving Vincent. Bộ phim sử dụng 94 bức họa của Van Gogh để làm nền bối cảnh và mất bảy năm để hai đạo diễn Dorota Kobiela và Hugh Welchman mang được cuộc đời của vị họa sĩ tài danh này lên màn ảnh. Thú vị hơn nữa, Kobiela và Welcheman bây giờ là một cặp tình nhân ngoài đời. Họ biết nhau khi bắt đầu dự án này và họ đến với nhau có lẽ không phải vì tình yêu dành cho đối phương mà còn vì lòng say mê nghệ thuật của cả hai.
Nếu ai đã từng xem Love (2015) của Gaspar Noé, liệu có hỏi rằng tình yêu giữa Murphy và Electra là gì. Có phải đó là sự đồng điệu về tâm hồn của những người nghệ sĩ. Họ tìm đến nhau vì cái gọi là tình yêu cho nghệ thuật, cho sự phá bỏ, cho cả bản thân họ. Ai đã từng là những kẻ khờ mộng mơ khi xem La La Land (2016) có thấy tình yêu giữa Mia và Seb bắt đầu từ đâu? Hoặc ai đó có nhớ vì sao Mathew bị thu hút bởi Isabelle và Theo trong The Dreamer (2003) của Bernardo Bertolucci? Với tôi, những con người có chút tình yêu cho nghệ thuật dễ tìm thấy nửa kia của đời mình qua những phút say mê cùng một ai đó cũng dành chút tình yêu cho nghệ thuật.
Đôi lúc, nó không chỉ là tình yêu trai gái, nó có thể là một mối tình tri kỉ giữa hai người bạn hay chỉ là những cuộc chuyện trò tâm sự hàng ngày trên mạng xã hội của mấy đứa yêu phim bình dân, một tên ở Hà Nội tĩnh lặng, còn tên kia trong Sài Gòn đầy nhộp nhịp. Nghệ thuật mang đến cho con người nhiều thứ mà khó ai đong đếm hết giá trị của nó. Có lẽ, với những người nghệ sĩ, những người dành thời gian của cuộc đời mình cho nghệ thuật, nó còn giá trị hơn biết bao nhiêu.
Tôi có đọc một vài bình luận sớm về Loving Vincent của giới phê bình Mỹ, những nhận xét về một câu chuyện không đủ chiều sâu, những lời đánh giá ở mức trung bình. Nhưng nó cũng chẳng khiến tôi mất đi sự hứng khởi với bộ phim này. Một người bạn của tôi mới đây bình luận trong một cái nhóm nhỏ xíu mê phim truyền hình:
Nhưng t vẫn quyết định đi xem vì t coi scene break down của phim này t thích quaaaaaaaaaaaaaaa, là cả 1 kì công của mấy trăm họa sĩ luôn chứ chả giỡn T_T ngồi mà ngưỡng mộ luôn á, nên quyết tâm đi coi dù xưa giờ thấy tranh của Van hơi quá tầm hiểu biết của mình :)).
Tâm trạng của tôi cũng vậy ấy. Tôi từng thấy bức tranh Hoa Diên Vĩ chẳng có gì hấp dẫn khi mình còn bé tí, rồi sau đó khi lớn lên tôi biết mình thật nhỏ bé để thưởng thức tác phẩm ấy của Van Gogh. Một lần trong đời, tôi mong mình có thể đến Santa Monica, Hoa Kỳ để ghé thăm viện bảo tàng Getty, nơi đang lưu giữ đóa hoa Hoa Diên Vĩ mà tôi say mê nhưng chẳng thể nào thấu hiểu nổi.