Vương Gia Vệ và "vũ trụ tình yêu" đậm nét Á Đông làm rung động cả thế giới

Tin điện ảnh · SarahTran ·

Các tác phẩm của Vương Gia Vệ vẫn còn sức ảnh hưởng mạnh mẽ, thường xuyên được nhắc đến và vẫn luôn nằm trong danh sách những phim Hoa ngữ hay nhất mọi thời đại.

Nếu như những đạo diễn Steven Spielberg, James Cameron, Quentin Tarantino, Woody Allen, Clint Eastwood... được xem là những tên tuổi huyền thoại ở phương Tây, thì phương Đông cũng không hề kém cạnh khi có những cái tên như Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Ngô Vũ Sâm, Lý An, Từ Khắc, Phùng Tiểu Cương, và chắc chắn không thể thiếu cái tên Vương Gia Vệ - vị đạo diễn nổi tiếng với những bộ phim điện ảnh tình cảm lãng mạn đậm chất Á Đông. Mặc cho đã hàng chục năm trôi qua và ngày càng có nhiều lớp đạo diễn cũng như nhiều tác phẩm điện ảnh mới ra đời, các tác phẩm của Vương Gia Vệ vẫn còn sức ảnh hưởng mạnh mẽ, thường xuyên được nhắc đến và vẫn luôn nằm trong danh sách những phim Hoa ngữ hay nhất mọi thời đại.

Bước đầu hoàn thiện phong cách làm phim nghệ thuật đặc trưng 

Vương Gia Vệ được sinh ra tại Thượng Hải, Trung Quốc vào năm 1958. Năm ông 5 tuổi, mầm mống của cuộc Cách mạng Văn hoá bắt đầu nảy nở ở Trung Quốc, vì thế gia đình ông quyết định chuyển đến Hồng Kông. Tại đây, ông phải trải qua quãng thời gian khó khăn, bị cô lập trong suốt thời thơ ấu bởi ông chỉ có thể nói tiếng Trung phổ thông. Sau đó ông đã cố gắng học tiếng Quảng Đông và tiếng Anh, và thành thạo cả hai thứ tiếng này khi còn rất trẻ.

Lúc còn nhỏ, Vương Gia Vệ hay được mẹ dắt đến rạp chiếu bóng và được thưởng thức rất nhiều thể loại phim. Thời đó, sở thích duy nhất của Vương Gia Vệ là xem phim, có lẽ niềm đam mê phim ảnh và nghệ thuật của ông được nuôi dưỡng từ đây. Lớn lên, ông yêu thích Đồ hoạ và theo học ngành này tại Đại học Bách Khoa Hồng Kông. Sau khi tốt nghiệp, Vương Gia Vệ tham gia khoá đào tạo sản xuất phim của hãng TVB và được giữ lại làm biên kịch truyền hình cho hãng, sự nghiệp nghệ thuật của ông bắt đầu từ đây.

Từ giữa những năm 80, Vương Gia Vệ làm biên kịch cho hãng phim The Wing Scope Co. and In-gear Film Production Company của nhà sản xuất nổi tiếng Đặng Quang Vinh. Những bộ phim đầu tiên trong sự nghiệp của ông với vai trò biên kịch là Thái Vân Khúc (1982), Không Tâm Đại Thiếu Gia (1983), Y Nhân Tái Kiến (1984), Long Phượng Trí Đa Tình (1985), Giang Hồ Long Hổ Đấu (1987)... Tuy những bộ phim này không gây tiếng vang lớn nhưng trong quá trình thực hiện chúng, ông đã dần dần định hình và hoàn thiện phong cách làm phim nghệ thuật đặc trưng để áp dụng cho những bộ phim về sau. 

Năm 1988, Đặng Quang Vinh quyết định đầu tư cho Vương Gia Vệ thực hiện bộ phim đầu tiên với vai trò đạo diễn - Vượng Giác Tạp Môn (As Tears Go By) với sự tham gia của ba ngôi sao điện ảnh Hồng Kông lúc bấy giờ là Trương Mạn Ngọc, Lưu Đức Hoa và Trương Học Hữu. Vượng Giác Tạp Môn ra đời trong bối cảnh phim xã hội đen đang thịnh ở Hồng Kông sau khi có sự xuất hiện của Bản Sắc Anh Hùng (A Better Tomorrow - 1986) của Ngô Vũ Sâm. Mặc dù tác phẩm đầu tay của đạo diễn họ Vương cũng lấy chủ đề xã hội đen, nhưng lại khác hẳn so với các phim cùng thời bởi nó đậm chất lãng mạn và tình yêu mới là thứ nuôi dưỡng mạch phim. Thay vì phác hoạ thế giới xã hội đầy máu và súng đạn như các phim khác trong phong trào "tam kiệt", Vương Gia Vệ lại phác hoạ một thế giới xã hội đen rất lạ lùng. Ông tập trung vào nhân vật chính là Hoa (Lưu Đức Hoa) - một tay xã hội đen có tiếng là cực kỳ liều lĩnh và những giằng xé giữa tình yêu và thế giới xã hội đen đầy nguy hiểm.

Vượng Giác Tạp Môn là tác phẩm đầu tay của Vương Gia Vệ ở cương vị đạo diễn
Vượng Giác Tạp Môn là tác phẩm đầu tay của Vương Gia Vệ ở cương vị đạo diễn

Sau khi ra mắt, Vượng Giác Tạp Môn đã thành công về mặt doanh thu. Nhờ bộ phim này mà Trương Học Hữu đã chiến thắng giải Nam phụ xuất sắc nhất (vai Dăng) và Trần Thúc Bình chiến thắng giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 8. Vương Gia Vệ cũng tạo dựng được tên tuổi và sự nghiệp đạo diễn của ông cũng bắt đầu thăng hoa.

Xây dựng nên "vũ trụ tình yêu" với những tác phẩm điện ảnh lãng mạn và diễm tình làm rúng động cả thế giới

Cụm từ "vũ trụ điện ảnh" dùng để chỉ những bộ phim có sự kết nối với nhau về dòng thời gian, thế giới và các nhân vật. Khác với những vũ trụ phim siêu anh hùng đa số chỉ được thực hiện vì mục đích chính là lợi nhuận, và các đạo diễn, biên kịch chỉ cần chuyển thể những ý tưởng đã có sẵn vào phim, vũ trụ tình yêu của Vương Gia Vệ lại được xây dựng một cách rất tự nhiên, không nhắm vào doanh thu hay lợi nhuận và không hề có câu chuyện hay nhân vật nào làm tiền đề. Những bộ phim của ông hoàn toàn độc lập, nội dung tác bạch nhau, nhưng các nhân vật của phim này bước vào phim kia một cách trực tiếp hoặc gián tiếp và khi các phim này, người xem không cần phải nghĩ phim nào xảy ra trước, phim nào xảy ra sau. Mọi chi tiết trong phim của Vương Gia Vệ đều diễn ra một cách tự nhiên như dòng chảy của ký ức.

Nổi tiếng nhất trong vũ trụ tình yêu của Vương Gia Vệ là bộ ba tác phẩm A Phi Chính Truyện (Days of Being Wild - 1990) - Tâm Trạng Khi Yêu (In the Mood for Love - 2000) - 2046 (2004)

A Phi Chính Truyện  nhân vật chính là Yuddy/Húc Tử (Trương Quốc Vinh) - một tay playboy sành sỏi trong việc tán tỉnh gái, nhưng lại mang nỗi ám ảnh tình cảm vì bị mẹ mình bỏ rơi từ nhỏ. Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) là nạn nhân đầu tiên của Yuddy. Lệ Trân là cô gái chân chất, tin vào tình yêu lý tưởng và tương lai tươi đẹp với Yuddy, nhưng rồi lại bị Yuddy bỏ rơi và suy sụp nặng nề. Người yêu thứ 2 của Yuddy là Mimi (Lưu Gia Linh) - một vũ công với tính cách hoàn toàn trái ngược với Tô Lệ Trân, nhưng cuối cùng vẫn không giữ được trái tim của Yuddy mặc cho đã đấu tranh quyết liệt cho tình yêu của mình. Xen giữa câu chuyện này là anh chàng cảnh sát Tide (Lưu Đức Hoa) - người được Tô Lệ Trân thổ lộ về nỗi đau do Yuddy gây ra; Zeb (Trương Học Hữu) - bạn thân của Yuddy và yêu Mimi từ cái nhìn đầu tiên và nhân vật không lời thoại trong cảnh cuối của phim do Lương Triều Vỹ đảm nhận, cũng chính là Chu Mộ Văn trong Tâm Trạng Khi Yêu sau này.

Mặc dù tên phim là A Phi Chính Truyện, nhưng trong phim lại không hề có nhân vật nào tên Phi. Từ "phi" này có nghĩa là "bay", dùng để chỉ lớp thanh niên bốc đồng, sống phóng túng trong xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ, mà đại diện chính là Yuddy. Cũng giống như những tác phẩm khác của Vương Gia Vệ, A Phi Chính Truyện không hề có cốt truyện liền mạch, các tình tiết gay cấn hay cao trào. Ông phác hoạ tâm lý nhân vật để thể hiện nội dung chính cũng như tạo nên cái hồn riêng cho phim. Tuy các tác phẩm của ông đều không có cốt truyện liền mạch, nhưng chúng lại có mối liên kết lạ thường. Chỉ cần xem và "cảm" được một phim, khi xem bộ phim khác người ta sẽ nhận ra ngay đó là phim của Vương Gia Vệ.

Trong A Phi Chính Truyện, Yuddy chết ở đoạn cuối phim, nhưng những nỗi đau và ký ức mà anh để lại cho Mimi vẫn còn kéo dài đến 2046. Cũng trong 2046, Mimi/Lu Lu gặp lại Chu Mộ Văn - người đàn ông ở cảnh cuối phim A Phi Chính Truyện và được anh đưa về căn phòng trọ 2046 vì uống quá say. Còn Chu Mộ Văn lúc bấy giờ thì đắm chìm trong dục vọng với Bạch Linh (Chương Tử Di) để có thể quên được Tô Lệ Trân trong Tâm Trạng Khi Yêu, nhưng cuối cùng vẫn không thể nào quên được cô. Và điều trùng hợp là, Tô Lệ Trân cũng là tên của người yêu đầu tiên của Yuddy trong A Phi Chính Truyện, cũng do Trương Mạn Ngọc thể hiện. Trong 2046, Củng Lợi cũng vào vai nhân vật tên Tô Lệ Trân - tay bạc sành sỏi giúp Chu Mộ Văn gỡ lại được tiền trong sòng bạc. Cũng giống như Tô Lệ Trân trong Tâm Trạng Khi Yêu, Tô Lệ Trân trong 2046 cuối cùng cũng không đến với Chu Mộ Văn mặc cho yêu anh say đắm.

Mặc dù các nhân vật trong phim của Vương Gia Vệ có xuất thân khác nhau và có câu chuyện của riêng họ, nhưng họ đều là những người không thể nào thoát khỏi quá khứ, luôn níu giữ những ký ức xưa cũ mặc cho đang hướng về tương lai, và chính ký ức là thứ liên kết các tác phẩm này lại với nhau, tạo nên vũ trụ riêng của Vương Gia Vệ. Không chỉ có các nhân vật mà ngay cả lời thoại của các phim cũng góp phần tạo nên vũ trụ tình yêu tràn ngập những ký ức này. Điển hình là câu thoại buồn da diết và đầy ám ảnh trong Tâm Trạng Khi Yêu:

"Anh ấy nhớ về những ngày tháng đã qua ấy như nhìn vào ô cửa kính bám bụi. Quá khứ là thứ người ta có thể nhìn, nhưng không thể chạm vào. Mọi thứ anh ấy thấy đều không rõ ràng, không thể nghe, cũng không thể thấy."

Hay thậm chí là câu thoại trong tác phẩm kiếm hiệp Đông Tà Tây Độc (Ashes of Time) lại trùng khớp với 2046 một cách lạ lùng:

"Cô ấy nói gốc rễ vấn đề của đàn ông là ký ức. Không có quá khứ, mỗi ngày là một sự khởi đầu mới."

Cho dù Vương Gia Vệ có vô tình hay cố tình tạo nên vũ trụ tình yêu đầy diễm tình này, thì mỗi khi xem xong phim, người xem đều cảm thấy bồi hồi và day dứt với những cái kết buồn nhưng lãng mạn và đáng nhớ. Phim của ông không khiến người xem hạnh phúc vỡ oà hay trực trào nước mắt, mà chỉ để lại cảm giác bần thần, ám ảnh và trăn trở khôn nguôi. Các tác phẩm của ông không chỉ giành được nhiều giải thưởng lớn tại Trung Quốc, mà còn vang xa khắp thế giới. Trong đó Tâm Trạng Khi Yêu chiến thắng giải Phim nước ngoài hay nhất tại Giải thưởng điện ảnh César ở Pháp, còn Xuân Quang Xạ Tiết thì mang về cho Vương Gia Vệ giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 1997. 

Xuân Quang Xạ Tiết (Happy Together) mang về cho Vương Gia Vệ giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 1997
Xuân Quang Xạ Tiết (Happy Together) mang về cho Vương Gia Vệ giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 1997

Có thể nói, Vương Gia Vệ là một trong những đạo diễn tài năng và có công lao rất lớn đối với nền điện ảnh Hồng Kông. Thậm chí ngay cả đạo diễn nổi tiếng của Hollywood Quentin Tarantino cũng phải khen ngợi:

"Vương Gia Vệ là một trong nhữg đạo diễn thú vị nhất mà tôi từng được biết kể từ khi theo đuổi nghiệp làm phim. Phim của ông, cũng giống như nhiều phim Hồng Kông khác, mang đến sự hứng thú mà phim Mỹ không hề có. Nhưng cái độc đáo của phim Vương Gia Vệ là nó có tính duy mỹ và nghệ thuật cao, khác hẳn với phim của Ngô Vũ Sâm hay Thành Long. Tôi nghĩ nó rất thu hút và độc đáo."