Trong hơn một thập kỷ qua, dòng phim siêu anh hùng đã khẳng định được vị thế của mình trong thị trường điện ảnh thế giới khi mang lại cho các hãng phim mức lợi nhuận lên đến hàng tỷ USD. Đặc biệt, các nhân vật như Iron Man, Spider-Man, Captain America hay Superman… từ lâu đã trở thành những mẫu hình lý tưởng đại diện cho công lý và chính nghĩa.
Nỗi lo thoái trào
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đa phần khán giả đã không còn quá mặn mà với thể loại này. Một sự thật đáng buồn khi chỉ trong nửa đầu năm 2023, hàng loạt các bộ phim về siêu anh hùng phải liên tục nhận lấy những thất bại thảm hại về doanh thu phòng vé. Ra mắt ngày 16.06 vừa qua nhưng The Flash nhanh chóng tỏ ra “đuối sức” khi doanh thu mở màn chỉ đạt 139 triệu USD trên toàn cầu và kết thúc kỳ trình chiếu với 268 triệu USD. Con số này khá thấp so với kỳ vọng ban đầu.
Tình trạng trên tương tự ở Shazam: Cơn Thịnh Nộ Của Các Vị Thần cùng 133,4 triệu USD thu về và ngay cả Ant-Man And The Wasp: Quantumania của Marvel cũng không khá khẩm hơn. Không chỉ thất bại phòng vé, Ant-Man And The Wasp: Quantumania còn nhận lấy số điểm 45%, bị xếp loại cà chua thối trên Rotten Tomatoes. Liệu đây có phải là những tín hiệu cho thấy thời kỳ hoàng kim của vũ trụ siêu anh hùng đang dần đi đến hồi kết?
Khởi đầu của dòng phim siêu anh hùng
Xuất phát điểm của thể loại siêu anh hùng là những tập truyện tranh. DC Comics là hãng tiên phong mở ra dòng truyện tranh siêu anh hùng cuối thập niên 1930. Thời kỳ này, thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng đang mắc kẹt trong cơn khủng hoảng của cuộc Đại suy thoái. Thế nên, sự xuất hiện một siêu anh hùng đến cứu rỗi nhân loại được xem là điểm tựa về tinh thần cho con người lúc bấy giờ.
Sau này với tham vọng mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử điện ảnh, lần lượt các “ông lớn” là Marvel, DC cho ra đời các bộ phim về siêu anh hùng với nhân vật chính được mượn từ nguyên tác truyện. Tuy nhiên, cho đến khi công chiếu Spider-Man (2002) do Tobey Maguire đóng chính, bộ phim mới tạo nên tiếng vang lớn, đánh dấu bước tiến mới về thời đại của các siêu anh hùng trên màn ảnh.
Thời kỳ hoàng kim
Ban đầu khán giả tìm đến siêu anh hùng bởi tính hiếu kỳ với hình ảnh các siêu anh hùng sở hữu sức mạnh siêu nhiên cứu rỗi nhân loại. Tiêu biểu phải kể đến Iron Man ra mắt năm 2008, bộ phim mở đầu cho giai đoạn 1 của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Sau đó là The Incredible Hulk (2008), Iron Man 2 (2010), Thor (2011), Captain America (2011) và The Avengers (2012). Với Vũ trụ mở rộng DC (DCEU), đó là sự xuất hiện của Man Of Steel (2013), Biệt Đội Cảm Tử (2016), Wonder Woman (2017)...
Chất lượng phim giảm sút về hình ảnh lẫn nội dung
Sau hơn 10 năm trải nghiệm thể loại siêu anh hùng, thị hiếu của khán giả cũng dần thay đổi. Không còn là sự tò mò, hầu hết các khán giả ngày nay khi ra rạp đều mong muốn có được cảm giác của Avengers: Infinity War hay Avengers: End Game mang lại: hồi hộp, kịch tính, táo bạo và hoành tráng. Chính điều này cũng đã đặt một áp lực lên các hãng phim.
Trong khi đó, các bộ phim siêu anh hùng gần đây lại có phần “hạ nhiệt” khi kịch bản cứ lặp đi lặp lại một motif cũ, gây nhàm chán. Chính chủ tịch IMAX Entertainment Megan Colligan đã có lời phát biểu: “Khán giả muốn có xem những câu chuyện hay, được kể một cách hoành tráng”.
Những yếu kém về nội dung cũng như sự đi xuống về hình ảnh chính là nguyên nhân khiến cho dòng phim siêu anh hùng dần đánh mất lòng tin từ khán giả. Đơn cử với Thor: Love And Thunder và Doctor Strange In The Multiverse Of Madness, tuy thành công về mặt doanh thu nhưng so với những kỳ vọng mà khán giả dành cho cả hai bộ phim thì Marvel vẫn chưa thật sự làm tốt. Câu chuyện tình yêu trong Thor: Love And Thunder gần như đã cũ kỹ, lỗi thời, còn về Doctor Strange thì không có gì đổi mới.
Bên cạnh đó, Morbius lại càng thảm hại hơn khi hào quang của nam tài tử Jared Leto cũng không thể nào cứu rỗi được số phận của bộ phim. Morbius được xếp vào hạng mục các phim tệ nhất trong lịch sử Marvel khi phim lỏng lẻo ở khâu kịch bản với câu chuyện cũ, phần thoại lê thê và người xem gần như có thể đoán được hầu hết các tình tiết.
Sự ra đi của các ngôi sao điện ảnh
Còn ở DC, điều gây tiếc nuối cho The Flash một phần đến từ scandal của nam tài tử Ezra Miller với các bê bối về đời tư và gần đây nhất là hành vi trộm cắp. Việc bị "đóng băng" truyền thông thời gian dài của nam diễn viên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của bộ phim. Kết hợp với cả thành tích của Shazam: Cơn Thịnh Nộ Của Các Vị Thần và Black Adam trước đó, đây được xem là hồi chuông cảnh báo cho Warner Bros về tương lai của DCEU.
Tương lai của các siêu anh hùng
Dù vậy nhưng những gì đề cập ở trên chỉ mới là những dấu hiệu cảnh báo ban đầu cho tương lai suy tàn của kỷ nguyên phim siêu anh hùng. Bởi nếu xét về Spider-Man: Into The Spider-Verse (2018), phần phim nhận được số điểm gần như tuyệt đối với số điểm 97% trên Rotten Tomatoes tính tới thời điểm hiện tại. Đây là một tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao về chất lượng hình ảnh lẫn nội dung.
Tương tự với Spider-Man: Across The Spider-Verse (2023), bộ phim cũng đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm điện ảnh đặc sắc. Do đó, để thoát khỏi nguy cơ bị thoái trào, điều mà các nhà sản xuất cần làm bây giờ là cải thiện được lỗ hổng về kịch bản cũng như chất lượng hình ảnh.