[Tổng Hợp] 10 phim chuyển thể từ game tệ nhất theo Rotten Tomatoes

Tin điện ảnh · Calvinnn ·

Không phải cứ thứ gì đưa lên phim cũng đều hay, điển hình là game.

Kéo xuống để xem tiếp

Cứ mỗi lần có một bộ phim chuyển thể từ game, giới game thủ lại lo "sốt vó" vì tựa game yêu thích của mình bị đem lên bàn "tế". Chẳng phải nói quá khi mỗi bộ phim chuyển thể về game như vậy lên màn ảnh, ta lại chứng kiến sự tệ hại về mặt nội dung lẫn hình ảnh. Đến mức mỗi khi nhắc đến phim về game, ai cũng đều lắc đầu ngán ngẩm và chuẩn bị sẵn tinh thần để xem nó.

Vì thời lượng trung bình để trải nghiệm đầy đủ nội dung của game tầm khoảng 20 tiếng, gói gọn cả 20 tiếng nội dung đó cho một bộ phim điện ảnh dài 2 tiếng là một điều không hề dễ, nếu không làm thật tốt ở khâu xây dựng kịch bản thì chắc chắn sẽ không đảm bảo truyền tải đầy đủ nội dung của game lên phim. Đồng thời, trải nghiệm khi chơi game và xem phim cũng khác nhau, nên dù cho có chung một cốt truyện nhưng cách thực hiện cũng phải khác nhau, có thể bao gồm thay đổi tình tiết, nhân vật để phù hợp hơn với phim. Thế nhưng thay đổi... chưa chắc gì đã thành công.

Trong danh sách bên dưới, đa số đều là những tựa game nhiều người biết tới vì cốt truyện và lối chơi, nhưng lại khiến người hâm mộ dòng game lẫn khán giả đại chúng đều thấy thất vọng khi được chuyển thể thành phim. Cùng điểm qua danh sách xếp hạng 10 bộ phim tiêu biểu cho việc "làm xấu" mặt game thủ theo đánh giá từ trang Rotten Tomatoes.

1. Alone In The Dark (2005) - Đạo diễn: Uwe Boll - Điểm RT: 1%

Một bộ phim chuyển thể về game dở có thể là do phim không truyền tải được hết nội dung của game, không đáp ứng được những gì mà người hâm mộ của dòng game mong mỏi ở bộ phim, chứ chưa chắc đã là nội dung phim tệ. Thế nhưng, Alone In The Dark không những không làm được những điều đó mà còn chả phải là một bộ phim có thể "nuốt trôi" được với khán giả thông thường. 

Bộ phim của vị đạo diễn Uwe Boll (một vị đạo diễn khá kiên trì với việc chuyển thể game thành phim dù chả phim nào ra hồn) vừa không làm hài lòng fan dòng game thì đã đành, lại còn chẳng phải một bộ phim "xem được" nếu bỏ cái mác tựa game ra. Diễn xuất thì tệ hại, lời thoại máy móc, tình huống khiên cưỡng, cốt truyện thì rập khuôn vớ vẩn dù có được chuyển thể từ game, cho đến CGI cũng tệ hơn so với mặt bằng chung những phim năm đó. Một cú "vả" cực mạnh cho giới game thủ khi họ vẫn còn đang hi vọng cho dòng phim chuyển thể từ game vào thời điểm đó.

2. Mortal Kombat: Annihilation (1997) - Đạo diễn: John R. Leonetti - Điểm RT: 2%

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Sau phần đầu tiên (Mortal Kombat) tạm ổn, tạo được hiệu ứng tốt từ giới game thủ, nhưng vẫn bị yếu kém về mặt nội dung, thì 2 năm sau, Mortal Kombat: Annihilation ra đời. Phim tiếp tục kể câu chuyện về nhóm chiến binh tham dự giải đấu Mortal Kombat nhằm bảo vệ trái đất dưới sự xâm lược của một kẻ thù mới. Tưởng rằng chúng ta sẽ thấy một bộ phim hoàn thiện hơn phiên bản đầu tiên, thì phim lại ném chúng ta vào một mớ hổ lốn tệ cả về mặt nội dung lẫn hình ảnh.

Lần này không những giới phê bình chỉ trích mà cả người hâm mộ dòng game cũng quay lưng, phim ôm đồm quá nhiều nhân vật, nhiều hơn bản đầu gấp đôi khiến cho tuyến nhân vật nào cũng mờ nhạt, nông cạn cộng với diễn xuất sến sẩm mang từ phần đầu khiến bộ phim trông rất đáng thương. Cảnh chiến đấu vốn là điểm ăn "tiền" của phần đầu thì nay lại thiếu sức sống, thiếu lực. CGI cũng không khá khẩm hơn khi gián tiếp giết chết cảm xúc người xem ở những phân cảnh hành động, đặc biệt là đoạn cao trào cuối phim, khiến phim trở thành một cột mốc mà không game thủ nào muốn nhớ tới, thậm chí khán giả đại chúng còn không biết phim này tồn tại.

3. Hitman: Agent 47 (2015) - Đạo diễn: Aleksander Bach - Điểm RT: 9%

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Nếu Hitman năm 2007 làm thất vọng giới game thủ vì làm hình ảnh của đặc vụ 47 siêu ngầu trở thành một kẻ đa tình, yêu đương nhăng nhít, thì ở bản reboot này, lại biến anh ta thành một siêu chiến binh có khả năng chiến đấu thượng thừa. Hitman: Agent 47 đưa chúng ta một câu chuyện rập khuôn nhất có thể, sặc mùi siêu anh hùng, đi quá xa với sự thực tế mà dòng game mang lại.

Có thể nói chưa một bộ phim nào về đặc vụ 47 mà làm chính xác được tinh thần của game, từ một sát thủ chuyên ám sát lén lút, phim chuyển sang hành động dồn dập với người anh hùng chúng ta cân chục mạng lính mà không cần phải dùng bất kì sự mưu mẹo nào. Nhắc tới cảnh hành động, thì phim lại làm người xem khó chịu vì những cảnh chiến đấu màu mè cùng với việc chuyển cảnh liên miên để nhân vật chúng ta trông "có vẻ" nhanh hơn. Một nỗ lực vô nghĩa nữa của nhà làm phim khi không chịu hiểu được cốt lõi của dòng game, mang lại cho chúng ta một bộ phim hành động đáng quên nhất năm 2015.

4. Silent Hill: Revelation 3D (2012) - Đạo diễn: Michael J. Basset - Điểm RT: 10%

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Silent Hill trở thành bộ phim chuyển thể từ game tiềm năng trong việc xây dựng bối cảnh, mang cái "chất" kinh dị của tựa game lên phim, dù vẫn còn vài điểm không ổn như lời thoại sến súa và cốt truyện rối rắm. Năm 2012, một phần hậu truyện đáng quên của bộ phim đó lại ra đời, và lần này dưới định dạng 3D.

Trái ngược với sự rùng rợn đến từ tạo hình kì dị của quái vật và bối cảnh thế giới "bên kia" (Otherworld) trong phim ở phần trước, do phần lớn đều được tạo nên bởi hóa trang và đạo cụ thật, thì phim lần này mang cho chúng ta những sinh vật vô hồn, cùng với những khung cảnh được dựng lên bằng CGI, khiến những màn rượt đuổi hay biến đổi thực tại trông thiếu sức sống, không còn bầu không khí ngột ngạt, u ám vốn là thế mạnh của phần đầu nữa. Vì dòng game này vốn đã rất khó hiểu và lằng nhằng nhiều tầng lớp ý nghĩa trong cốt truyện nên khi đem lên phim, chúng vô cùng hỗn độn và rối rắm, thêm vào đó là những nhân vật thiếu chiều sâu khiến bộ phim là thất bại thảm hại về mặt doanh thu lẫn đánh giá phê bình.

5. Street Fighters (1994) - Đạo diễn: Steven E. de Souza - Điểm RT: 10%

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Năm 1994 là thời điểm mà những người hùng phim ảnh lên ngôi, khi những ngôi sao hành động đáng giá như Jean Claude Van Damme liên tục công phá màn ảnh bằng những bộ phim hành động đậm chất "xôi thịt". Các nhà làm phim vì thế mà liên tục đưa những người hùng cơ bắp vào tất cả những bộ phim hành động nào nhằm thu hút được khán giả, và Street Fighters cũng không ngoại lệ với của họ

Về cơ bản, dàn diễn viên của phim đều có tiếng tăm nhất định nhưng không đồng nghĩa cứu vớt được bộ phim với nội dung trẻ con, màu mè như vậy, (khi) mỗi câu thoại, mỗi hành động của nhân vật đều sến sẩm đến ngao ngán. Jean Claude Van Damme vào vai Guile, một nhân vật "siêu phụ" của dòng game, nhưng được đẩy lên làm một nhân vật quan trọng vì có Jean vào vai, thay vào đó là dìm Ryu và Ken - hai linh hồn của dòng game đối kháng này xuống làm tuyến nhân vật phụ. Một quyết định ngớ ngẩn và đáng thất vọng của nhà làm phim chỉ vì danh tiếng của diễn viên, dẫn tới việc bộ phim bị fan của dòng game vô cùng ghét bỏ, cùng với đó là cốt truyện không được chỉn chu khiến phim bị xa lánh bởi phần lớn khán giả xem phim thông thường.

6. Max Payne (2008) - Đạo diễn: John Moore - Điểm RT: 16%

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Max Payne là một dòng game tuyệt vời khi hòa trộn giữa game và thể loại phim noir, lấy cảm hứng rất nhiều từ các tác phẩm của John Woo như nhân vật cảnh sát mẫn cán thường thấy trong phim ông cho tới những cảnh hành động slo-mo đậm chất điện ảnh. Nội dung kể về viên cảnh sát truy tìm nguồn gốc của những kẻ đã hạ sát vợ và con anh nhằm báo thù, cùng với đó là khám phá những âm mưu đen tối của thế lực tội phạm ẩn sâu trong New York. Vốn dĩ game ngay từ đầu đã mang dáng dấp của một bộ phim điện ảnh nên người ta cứ tưởng khi chuyển thể lên phim sẽ dễ dàng tạo nên một cú hit. Thế nhưng phim lại là một nỗi thất vọng cùng cực, điểm tốt duy nhất của phim là mặt hình ảnh khi tạo nên được một New York tăm tối, còn lại thì không.

Một số tình tiết trong phim được thay đổi để tạo một câu chuyện riêng cho phim, thế nhưng lại chọn những chi tiết quan trọng, dẫn đến việc phim có nội dung phi logic và nhạt nhẽo. Phân cảnh hành động slo-mo là điểm nhấn của game, giờ đây trở thành những cảnh hành động vô hồn đáng quên bởi cách dùng hiệu ứng quay chậm không đúng lúc, cùng với nhân vật thiếu chiều sâu tạo nên một bộ phim hành động chung chung, không tạo được dấu ấn của một tựa game đã quá nổi tiếng như vậy.

7. Assassin's Creed (2016) - Đạo diễn: Justin Kurzel - Điểm RT: 18%

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Với một dòng game đầy tính lịch sử, giàu câu chuyện để nhà làm phim có thể khai thác như Assassin's Creed, cộng với dàn diễn viên vô cùng thực lực, thì đáng ra đây phải là một bộ phim thành công phá vỡ lời nguyền phim chuyển thể từ game. Thế nhưng, phim lại không làm được điều đó, mà chỉ có điểm sáng duy nhất là những phân đoạn hành động kịch tính, đậm chất sát thủ, còn lại là sự chán chường đến từ câu chuyện và cách xây dựng nhân vật.

Thời lượng phim quá ngắn đối với cốt truyện triển khai hai dòng thời gian, đã vậy sự liên kết của các dòng thời gian lại quá mập mờ, dẫn đến tình tiết phim bị lộn xộn, phi logic, cộng với tiết tấu phim lúc gấp rút lúc lê thê khiến người xem vừa khó hiểu, vừa mệt mỏi. Assassin's Creed quá gấp rút trong câu chuyện nhằm tiếp tục cho ra phần tiếp theo, kết quả là chúng ta có một bộ phim lủng củng, rời rạc, thiếu cao trào. Quả là một nỗi thất vọng với vị đạo diễn đã từng tạo ra bộ phim Macbeth. 

8. Doom (2005) - Đạo diễn: Andrzej Bartkowiak - Điểm RT: 19%

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Một nỗ lực trong việc thay đổi cốt truyện gốc của game để khiến bộ phim riêng biệt hơn, nhưng ở đây thì có vẻ Doom làm hơi quá tay. Ngoài bối cảnh Sao Hỏa và yếu tố kinh dị từ lũ quỷ, phim không có một thứ gì liên quan tới tựa game, từ việc nguồn gốc của lũ quỷ cho tới dàn nhân vật lạ hoắc... Kết quả là nếu bỏ đi cái tên Doom thì cũng chả ai biết bộ phim này có liên quan tới dòng game cùng tên, gây nên phản ứng dữ dội từ cộng đồng game thủ khi phim công chiếu.

Yếu tố kinh dị trong phim cũng làm không tới, mà hành động cũng làm không xong. Phần hay nhất của bộ phim này chắc là phân đoạn FPS (góc nhìn thứ nhất) huyền thoại mô phỏng chân thật tinh thần của dòng game, còn lại chỉ là những cảnh hù dọa đáng quên, dàn nhân vật ngầu nhưng "rập khuôn". Cho đến ngày nay, phim vẫn là một vấn đề tranh cãi, có người nói phim không đáng nhận được chỉ trích, người thì nghĩ Doom đi quá xa nguyên tác của game. Nhưng nhìn chung, nếu không phải mang mác chuyển thể từ Doom, thì đây vẫn là một bộ phim giải trí ổn, mảng hành động tốt, dù cốt truyện tuy rằng có đột phá để khác biệt nhưng không có gì đọng lại.

9. Super Mario Bros. (1993) - Đạo diễn: Rocky Morton, Annabel Jankel - Điểm RT: 23%

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Ai biết được rằng một tựa game nhắng nhít đầy màu sắc như Mario lại có thể được chuyển thể thành phim. Thành thật mà nói ở thời điểm ra mắt, ai cũng tò mò không biết phim ra sao, kết quả là ta có một bộ phim vớ vẩn với cốt truyện y hệt như một đứa trẻ lên ba biên kịch. Có cảm giác như chính diễn viên trong phim cũng không muốn diễn vai diễn đầy dở hơi như vậy.

Với một game được thiết kế cốt truyện cho có như Mario thì việc triển khai một câu chuyện lên màn ảnh là một vấn đề cực kì khó. Phim không những không có một cốt truyện đàng hoàng mà còn khiến nó vô cùng lố bịch, chưa kể đưa một nhân vật vô cùng "hoạt hình" lên để người thật thể hiện khiến người xem cũng phải... nổi da gà vì xấu hổ.  

10. Resident Evil (2002) - Đạo diễn: Paul W.S. Anderson - Điểm RT: 36%

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Với một người hâm mộ của dòng game (cùng tên), thì bộ phim này sẽ không làm hài lòng bạn, còn nếu bạn là một khán giả bình thường không biết gì về game, thì đây chính là bộ phim khá ổn. Phim làm khá tốt khi vẫn giữ được dàn nhân vật gốc, cùng với bối cảnh, nguồn gốc của vi rút cũng được giữ nguyên, các cảnh hành động thì bắt mắt, cốt truyện dễ hiểu.

Nhìn chung thì Resident Evil nhận nhiều chỉ trích do việc đưa một nhân vật không hề có trong game lên làm nhân vật chính diện, phim cũng chuyển hẳn từ kinh dị sinh tồn như game sang thể loại hành động, khiến fan dòng game lại càng ghét bỏ nó hơn. Nếu xem Resident Evil là một bộ phim hành động thông thường mà không mang danh của dòng game, thì đây chính là bộ phim tốt nhất so với những phim cùng thể loại trong danh sách này.

Nguồn: Tổng hợp, Rotten Tomatoes