5 bộ phim về LGBTQ+ khiến bạn rơi nước mắt
Góc Nghệ Thuật · tranbaoduy ·
Sau các bộ phim về các chàng trai yêu nhau, các cặp đôi đồng tính nữ và cộng đồng chuyển giới vẫn rốt cuộc cũng nhận được sự chú ý đáng có từ giới làm phim. Nhân dịp Pride Month, hãy cùng Moveek điểm lại 5 bộ phim LGBTQ+ về các cặp đồng tính nữ và chuyển giới lay động nhất.
Xã hội phát triển đồng nghĩa với việc nhận thức của con người ngày càng tiến bộ. Mặt khác, nghệ thuật chính là tấm gương phản ánh cuộc sống. Bao năm nay cộng đồng LGBTQ+ luôn phải sống trong bóng tối do sự kì thị của xã hội. Chính vì vậy, những bộ phim lấy chủ đề này cũng tương đối hạn chế. Trên màn ảnh chúng ta thường thấy những bộ phim khai thác hình tượng người đồng tính nam với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Trong những năm gần đây các nhà làm phim dần tiếp cận với những chủ đề mới hơn như: đồng tính nữ hay chuyển giới. Hôm nay chúng ta cùng điểm lại 5 kiệt tác điện ảnh thế giới về chủ đề thú vị này.
5. Transamerica (2005)
Transamerica là một trong những bộ phim hiếm hoi về người chuyển giới lấy yếu tố hài hước làm chủ đạo khi mà những tác phẩm có cùng đề tài thường gắn với sự bi kịch và đau khổ.
Bộ phim kể về người đàn ông đồng tính mang tên Bree, sau cuộc phẫu thuật chuyển giới đã trở thành phụ nữ. Nhưng bi kịch đến với anh ngay sau đó khi anh phát hiện ra mình có một đứa con trai thất lạc, là kết quả của mối tình chớp nhoáng khi xưa của mình. Quá trình Bree quay về bảo lãnh cho con trai khỏi trại tạm giam đã kéo theo những tình huống dở khóc, dở cười, bởi rất khó khăn để anh có thể giải thích với mọi người về hoàn cảnh của mình. Transamerica được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất về đề tài đồng tính bởi nội dung đặc sắc, hài hước nhưng lại đưa đến cho người xem một góc nhìn rất đặc biệt về cuộc sống của một người đồng tính
4. The Danish Girl (2015)
"Ngọt ngào, dịu dàng mà tinh tế" là những từ mà người ta dành cho tác phẩm xúc động về một trong những người chuyển giới đầu tiên trong lịch sử: Lili Elbe, của đạo diễn Tom Hooper.
Phim lấy bối cảnh ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch vào thập niên 1920, kể về cuộc sống của họa sĩ nổi tiếng Einar Wegener (hay Lili Elbe khi đã là phụ nữ), một trong những người chuyển giới đầu tiên trên thế giới. Einar, một họa sĩ Đan Mạch chuyên vẽ phong cảnh và tranh minh họa tài năng, từng có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc với họa sĩ Gerda Wegener, cô họa sĩ vẽ chân dung người Mĩ. Gerda vô tình kéo chồng mình vào một cuộc chơi, khiến anh nhận ra giới tính thật của mình.
Khi nữ người mẫu không đến, Gerda nhờ chồng Einar giả gái để cô thực hiện bức họa dang dở. Từ giây phút chạm vào chiếc váy, thoa lên môi son đỏ, Einar có những thay đổi đến không ngờ và cuộc sống vợ chồng của họa sĩ nổi tiếng gặp phải nhiều sóng gió.
Sau The King’s Speech, Les Misérables, đạo diễn Tom Hooper tiếp tục khẳng định khả năng dẫn dắt khán giả hết sức nhịp nhàng, chắc chắn vào mạch chuyện bằng lối kể chừng mực, tiết chế. Đặc biệt diễn xuất của Eddie Redmayne và Alicia Vikander đã đưa bộ phim lên một tầm cao mới.
3. Carol (2015)
Bên cạnh The Danish Girl thì năm 2015 còn chứng kiến sự lên ngôi của Carol, một bộ phim khác về cộng đồng LGBTQ+.
Lấy bối cảnh New York thập niên 1950 – thời kỳ xã hội Mỹ chưa chấp nhận quan hệ đồng tính, Carol kể về mối tình lãng mạn giữa Carol và Thesere. Họ là hai người phụ nữ thuộc về hai tầng lớp cách biệt trong xã hội, sống hai cuộc đời khác xa nhau – kẻ giàu sang, quyền quý, từ cử chỉ đến nói năng đều toát lên vẻ quyết đoán, tự tin và kiêu hãnh, trong khi người kia lại mơ mộng, khép mình và lặng lẽ. Họ gặp nhau khi Therese đang phục vụ trong một cửa hàng bán đồ chơi và Carol đến mua quà tặng cho con gái nhỏ. Kể từ lần gặp gỡ đó, họ kết bạn và thường xuyên gặp nhau dưới ánh mắt nghi kị của người chồng mà Carol sắp ly dị. Người chồng giàu có không ngừng tìm cách cản trở mối quan hệ, hòng kéo Carol về bên mình. Sự phản đối đó tạo nên rào cản cho mối quan hệ chớm nở giữa Carol và Therese.
Khác với nhiều tác phẩm lấy cùng chủ đề, phim không có nhiều cao trào hay kết thúc bi kịch. Carol hết sức nhẹ nhàng và chỉ phảng phất nét u buồn. Bên cạnh diễn xuất đã được ca ngợi quá nhiều của Cate Blanchett và Rooney Mara thì điểm sáng của phim còn đến từ những cảnh quay đẹp đến nao lòng từ những con đường phủ đầy tuyết trắng cho đến những cửa hàng rực rỡ ngày giáng sinh. Tất cả đã cùng nhau tạo nên một bản thánh ca ngọt ngào và ấm áp. Qua đó, người xem hiểu được những khao khát, buồn vui của họ, những cảm xúc mà đời người ai cũng từng trải qua, dù có là đồng tính hay dị tính.
2. Blue is the Warmest Colour (2013)
"Tranh cãi" dường như luôn là cụm từ dành cho những tác phẩm đến từ điện ảnh Pháp nhất là khi bộ phim đó có tới 15 phút quan hệ thật sự trên màn ảnh. Tất cả những điều trên đều đang nói về Blue is the Warmest Colour, tác phẩm xuất sắc nhất Cannes 2013.
Bộ phim bao quát cuộc sống riêng của Adele (Adele Exarchopoulos đóng), cô nữ sinh 17 tuổi loay hoay với bản năng của mình. Là một trong những cô gái xinh xắn và học giỏi nhất trường, cô thỏa hiệp với bản thân khi lên giường với một chàng trai có tình cảm với cô, chỉ để thấy sự hờ hững của mình trong mối quan hệ này và chia tay ngay sau đó. Cuộc sống và con người Adele dần trở nên mất phương hướng khi vô tình gặp cô gái học mỹ thuật Emma (Lea Seydoux đóng) có mái tóc xanh nổi loạn ở giữa ngã tư đường.
Vật lộn giữa bản năng giới tính và các mối quan hệ xã hội, Adele vẫn quyết định dấn thân vào, khám phá và nếm trải mối tình đồng tính này từng bước một, giống như mọi chuyện tình yêu trên thế gian. Không tách biệt rõ ràng nhưng bộ phim vẫn tạo cảm giác được chia thành hai phần riêng biệt, như thể hai chương của cuộc đời Adele: chương một nói về cách hai con người tiến dần đến tình yêu còn chương hai nói về cách họ nuôi dưỡng mối quan hệ ấy ra sao. Nếu chương trước tiên đầy rẫy giây phút vô tận của tình ái và dục tính đẹp như giấc mơ thì phần hai lại tụ hội những cảm xúc thảm khốc của chủ nghĩa hiện thực.
Blue is the Warmest Colour chạm được tới trái tim người xem theo một cách tự nhiên nhất và để lại nhiều vấn vương trong lòng họ về một câu chuyện tình yêu giàu cảm xúc, chân thật rất hiếm gặp.
1. Boy Don't Cry (1999)
Nhắc tới những vai diễn xuất sắc nhất lịch sử điện ảnh, chúng ta không thể không nhắc tới Hilary Swank trong Boy Don't Cry. Khi cô đã hoàn toàn trở thành một người đàn ông chuyển giới với vô vàn những cảm xúc từ hạnh phúc tới đau đớn tột cùng.
Chuyện phim kể về Teena Brandon (Hilary Swank), sinh ra với cơ thể của phụ nữ nhưng luôn nghĩ rằng mình là một chàng trai. Phim bắt đầu bằng cảnh Brandon, cắt tóc ngắn, bó ngực, ăn vận như nam giới và bước vào một quán bar, nơi cô thử tán tỉnh những người phụ nữ khác như một người đàn ông thực sự. Brandon đã thành công, thậm chí phụ nữ còn nghĩ rằng cô "đàn ông hơn bất kỳ người đàn ông thực thụ nào".
Chuyển tới sống ở Falls City, Nebraska, Brandon kết thân với một nhóm bạn gồm hai người đàn ông là John và Tom, cùng hai cô bạn gái Candace và Lana. Chẳng mấy chốc, Brandon và Lana đã có tình cảm với nhau. Lana yêu Brandon mà không biết rằng người cô yêu chính là phụ nữ. Cho tới một ngày, bí mật của Brandon bị phát hiện, mối quan hệ của họ bị ngăn cấm. Bộ phim kết thúc giống như câu chuyện trong thực tế: Brandon bị Tom và John bắn chết trong lúc đang tính chuyện bỏ trốn cùng Lana để xây dựng cuộc sống mới mà hai người từng mơ ước.
Ra mắt vào năm 1999, Boys Don't Cry được giới phê bình tán dương như một tác phẩm xuất sắc nhất năm, đặc biệt với những lời khen ngợi hướng tới diễn xuất của nữ chính Hilary Swank và nữ phụ Chloe Sevigny (đóng vai bạn gái của Brandon – Lana). Swank đã nhận giải Oscar dành cho vai diễn Brandon vào năm 2000, trong khi Sevigny cũng được đề cử giải Nữ phụ xuất sắc nhất. Mặc dù kết thúc với cái chết của Brandon nhưng bộ phim không phải một tác phẩm bi luỵ mà nó là một bản anh hùng ca dành cho những con người dám sống với bản năng của chính mình. Nó giống như một đôi cánh bay quá gần mặt trời, dẫu bị thiêu đốt thì tinh thần đó vẫn toả sáng để dẫn lối cho những tâm hồn đồng điệu.
Còn bạn, đâu là những phim về chủ đề LGBTQ+ bạn muốn giới thiệu cho mọi người? Hãy chia sẻ cùng Moveek nhé.