A Werewolf Boy:Sói - Hồi kết - Câu chuyện của những người cô đơn

Tin điện ảnh · PhucDu ·

Sói vẫn là một tác phẩm điện ảnh rất đắt giá mà bạn nên xem lại nếu đã từng xem.

Sói là một trong những bộ phim điện ảnh rất đáng lưu ý của Hàn Quốc. Ra mắt công chúng vào năm 2012, Sói không chỉ giành được nhiều giải thưởng và khá nhiều đề cử tại các Liên hoan phim mà còn trở thành một trong những phim điện ảnh ăn khách nhất tại xứ Kim Chi. Đến năm 2016, sau khi Hậu Duệ Mặt trời tạo ra "cơn sốt" Song Joong-ki trên diện rộng, Sói một lần nữa trở lại rạp chiếu với một đoạn kết được thêm vào so với bản phim cũ. Có thể nhiều người sẽ nghĩ đây là một trò câu khách ăn theo Song Joong-ki (mà có thể đúng là thế thật) nhưng công bằng mà nói, Sói vẫn là một tác phẩm điện ảnh rất đắt giá mà bạn nên xem lại nếu đã từng xem.

Nội dung của Sói khá đơn giản: bà Suni, đang định cư tại Mỹ cùng gia đình, khi nghe tin có người muốn mua lại mảnh đất nơi mình từng sinh sống ở Hàn Quốc đã tức tốc về nước. Đứng trước căn nhà cũ, ký ức ngày xưa khi bà còn là một thiếu nữ mới lớn chợt ùa về, lúc gia đình bà (gồm mẹ và em gái) vừa dọn đến nơi đó. Tại ngôi nhà ở vùng nông thôn này - nơi mà những tòa nhà chọc trời, khói bụi đô thị, con người xô bồ hối hả là những thứ hoàn toàn không tồn tại - Suni đã gặp một chàng trai mồ côi bị nhốt trong căn nhà kho cũ. Chàng trai không tên, không gia đình, không lý lịch, không có tất cả mọi thứ ngoài bản năng sinh tồn của loài sói dữ đã chạm vào cuộc sống buồn chán của Suni, biến nó thành một quãng trời ấm áp nhất trong cuộc đời của cả hai.

Điều khiến Sói trở thành một bộ phim đậm chất thơ chính là sự phát triển tình cảm của Suni và Cheol-Su (tên của gia đình Suni đặt cho chàng trai sói). Tuy nhiên, tình-cảm của họ không hẳn là tình cảm trai gái ở tuổi mới lớn. Dù cũng có những lúc Suni cảm thấy rung động hay Cheol-Su muốn gần gũi Suni nhiều hơn thì nó cũng chỉ là những giây phút thoáng qua. Điều đọng lại nhiều nhất giữa hai người họ là một tình thương đầy cảm thông. Giữa một cô gái mắc bệnh phổi, lúc nào cũng chán ghét bản thân vì phải sống trong sự bảo bọc của mẹ và em gái, và một chàng trai mồ côi xa lạ với con người. Có lẽ cả hai đều cảm thấy cô độc trước khi gặp được nhau. Để rồi bằng sự thấu cảm, họ đã thắp sáng cả vùng trời ở miền nông thôn ấy bằng thứ hạnh phúc ấm áp và dung dị, cho đến khi những biến cố xảy ra khiến họ phải chia xa suốt quãng đời còn lại. Tình cảm Suni và Cheol-Su dành cho nhau nồng ấm và tinh sơ như những người bạn không toan tính, khắng khít như cô chủ và một chú chó trung thành, tinh khiết như một giọt nước cất nhỏ xuống cuộc đời nhiều mưu toan khiến mọi thứ bất ngờ trở nên trong vắt.

Đạo diễn Jo Sung-hee đã mang về cho mình hàng loạt giải thưởng và đề cử với Sói ở khá nhiều Liên hoan phim, trong đó có giải Đạo diễn mới xuất sắc và đề cử Biên kịch xuất sắc. Có điều, dù bộ phim thật sự vẽ ra được một đường dây cảm xúc   rất thơ mộng nhưng đoạn cuối vẫn khá mello, một trong những đặc trưng của điện ảnh Hàn. Và phần diễn biến dẫn đến bi kịch cũng khá gượng ép, tạo  một cảm giác như biên kịch (cũng là đạo diễn) đã quá nôn nóng đến đoạn phim đẫm nước mắt khi Cheol-Su và Suni sắp chia xa mà gồng gượng sắp đặt một bi kịch khá là không thuyết phục. Nhân vật Ji-tae của Yoo Yeon-seok cũng từ đó trở thành một nhân vật rất khó hiểu. Có thể nói Ji-tae và hành động của anh ta chính là điểm trừ lớn nhất của bộ phim. Nhưng về cơ bản, Sói vẫn là một bộ phim tình cảm lãng mạn lấy nhiều nước mắt của khán giả, đồng thời dấy lên một cảm giác ấm áp lan tỏa ngay cả khi hai nhân vật phải chia xa. Thế nên, phần nút thắt tạo cao trào dù gượng ép thì vẫn có thể du di.

Hai diễn viên chính Park Bo-young và Song Joong-ki đã có hai vai diễn rất ấn tượng. Đặc biệt là Song  Joong-ki, chẳng cần biết bạn đã trót phải lòng anh chàng điển trai này hay chưa thì với Sói, chắc chắn bạn sẽ muốn ôm và xoa đầu anh ấy thật nhiều. Những cử chỉ và biểu cảm khuôn mặt của Song Joong-ki được tính toán rất khéo léo để có thể lột ra được thần thái của một con sói, hay nói gần gũi hơn là một chú cún trung thành. Những tiếng gầm gừ, ánh mắt long lanh ngây thơ, những lúc chực chờ được bổ nhào vào lòng "cô chủ" Suni đều được chàng hậu duệ Mặt Trời xử lý rất tròn trịa. Còn Suni, dù là một nhân vật mờ nhạt hơn Cheol-Sul nhưng vẫn là một vai diễn tốt. Park Bo-young đã khoác lên Suni một tấm áo cảm xúc đa sắc màu từ lúc chán chường cuộc sống cho đến khi ngây ngất trong hạnh phúc rồi phải giằng lòng ra đi trong tức tưởi. Chưa kể ca khúc "My Prince" do chính cô trình bày cũng là một trong những điểm sáng của phim. Các diễn viên còn lại từ những cô bé, cậu bé đến những cô chú, bà lão trong làng đều nồng hậu và chất phác như một ngôi làng thật sự được đưa vào phim. Xuất sắc nhất chính là nhân vật người mẹ của hai chị em Suni, Sunja. Nữ diễn viên Jang Young-nam đã thổi vào bà mẹ mạnh mẽ nhưng cũng thật đôn hậu này một cái hồn quá tuyệt vời. Những tưởng chỉ là một nhân vật phụ không quan trọng, ấy vậy mà Young-nam lại khiến cả thế giới đều cảm thấy được yêu thương.

Nói về đoạn cuối, phần "hồi kết" mà nhà sản xuất đã quảng cáo cho lần trở lại này. Thực tế mà nói thì cũng sẽ chẳng có gì đặc biệt khiến bạn phải ngỡ ngàng. Nhưng, chính vì nó chỉ là một đoạn thêm vào để khán giả được an lòng hơn cho cặp đôi Suni và Cheol-Su, không khiến cho cái kết trước đó trở nên "quá sai" và phim vẫn giữ nguyên được giá trị nghệ thuật vốn có. Nếu đã từng rung động với Sói, hoặc chưa, bạn vẫn nên chọn một buổi tối mát trời nào đó để đến rạp, thưởng thức bộ phim rồi về nhà ôm chầm lấy chú chó của mình. Nếu bạn không nuôi chó, nhà sản xuất cũng như đạo diễn sẽ không chịu bất kì trách nhiệm nào nếu như bạn "muốn ôm" một cách không-thể-chịu-nổi sau khi xem phim nhé.