Trương Nghệ Mưu chia sẻ về những ý tưởng khi thực hiện Shadow (Ảnh)
Trương Nghệ Mưu đã biến Ảnh thành một tác phẩm đầy nghệ thuật bằng cách mang đến một phần nhìn cực kỳ đặc sắc.
Trương Nghệ Mưu đã từng được đạo diễn Alberto Barbera gọi là nhà tiên phong và là “một trong những đạo diễn quan trọng nhất của nền điện ảnh đương đại.” Quả thật, qua những tác phẩm của mình, Trương Nghệ Mưu đã liên tục mở rộng tầm nhìn và phá vỡ nhiều ranh giới trong nghệ thuật làm phim đương đại.
Đến với Shadow (Ảnh), Trương Nghệ Mưu đã bóc trần những lớp khác nhau của sự đen tối, sự hiểm nguy và dục vọng. Ông nói rằng bộ phim này là câu chuyện của “sự đấu tranh và sinh tồn”, nơi mà những con người bình thường và những người phụ nữ yếu ớt phải đối mặt với những con người quyền lực. Đây là những chủ đề mà Trương Nghệ Mưu đã khai thác dưới những góc độ khác nhau qua nhiều thập kỷ làm phim, đồng thời liên tục mở rộng tầm nhìn của việc làm phim Trung Quốc đương đại.
Ảnh lấy bối cảnh thời kì giả tưởng (220 – 280 sau Công Nguyên) của Trung Quốc cổ đại. Lúc bấy giờ, Trung Quốc đang bị chia thành nhiều nước nhỏ và bị tranh giành giữa nhiều thế lực. Giữa chiến tranh, loạn lạc, để bảo vệ tính mạng của mình, các bậc đế vương và quý tộc dùng những "ảnh tử" để thế thân. Những ảnh tử này phải xả thân để cứu chủ, nhưng hành tung bị chôn vùi, tên tuổi không bao giờ được ghi vào sử sách.
Những sự kiện trong phim được kể từ góc nhìn của vị vua, em gái của vị vua đó, tướng quân, những người phụ nữ bị giam cầm trong cung điện và một người dân thường. Đạo diễn Trương đã giải thích phim theo hướng đơn giản hơn:
“Đây là bộ phim về một thế thân. Tôi đã luôn hứng thú với đề tài này. Mặc cho có rất nhiều phim cổ trang được ra mắt mỗi năm, nhưng vẫn chưa có bộ phim Trung Quốc nào khai thác đề tài này. Và giờ tôi đã có cơ hội để làm điều đó.”
Đặng Siêu vào cả 2 vai – chủ nhân và ảnh tử, 2 người đàn ông với ngoại hình giống nhau nhưng tính cách hoàn toàn khác. Một người có thân phận quyền quý, người còn lại là một người bình thường.
Tôn Lệ vào vai vợ của vị tướng và cũng là một nhân vật quan trọng trong phim. Tuy nhiên, Trương Nghệ Mưu nói rằng “Số phận của hai nhân vật nam chính là chủ đề trung tâm của bộ phim này.”
Ông giải thích:
“Đây là bộ phim về sự đấu tranh, sinh tồn, hiện thực tàn khốc và tham vọng điên cuồng – về cái cách mà một người đàn ông bình thường không chỉ xoay sở để sinh tồn giữa trò chơi vương quyền của những vị vua, mà còn chiến thắng một cách vẻ vang.”
Chủ đề này chắc hẳn sẽ khiến các nhà phê bình phim và các nhà phân tích điện ảnh liên tưởng đến tình hình xã hội và chính trị đương đại.
Nhưng Ảnh không phải là một bộ phim cứng nhắc. Trương Nghệ Mưu đã biến Ảnh thành một tác phẩm đầy nghệ thuật bằng cách mang đến một phần nhìn cực kỳ đặc sắc.
“Phần nhìn trong Ảnh được truyền cảm hứng từ phương pháp vẽ tranh thuỷ mặc của nghệ thuật Trung Hoa. Tôi luôn muốn được thử nghiệm với phong cách vẽ tranh độc đáo này. Đối với tôi, nó mang một thứ gì đó rất Trung Hoa. Đặc biệt là những cảnh dưới mưa, có bố cục rất mượt mà, tạo ra được không khí rất độc đáo, rất riêng.”
Sau khi hoàn thành Ảnh, Trương Nghệ Mưu nói rằng ông có ý định lấn sân sang lĩnh vực truyền hình.
“Chương trình truyền hình nhiều tập sẽ cho phép tôi kể được một câu chuyện đầy đủ hơn, giàu ý nghĩa hơn. Thời lượng của phim truyền hình cũng có thể cho phép nhân vật được phát triển nhiều hơn. Chính vì thế tôi luôn muốn được thử sức mình ở lĩnh vực này. Tôi đang tìm cách chuyển thể một tiểu thuyết và nếu như kịch bản ổn, tôi có thể sẽ thực hiện một phim truyền hình về tác phẩm này.”
Shadow (Ảnh) dự kiến sẽ được khởi chiếu ở Việt Nam vào tháng 01.2019
Nguồn: Variety