Cái kết toàn vẹn cho huyền thoại Người Dơi
Tin điện ảnh · Moveek ·
Đạo diễn Christopher Nolan, người đã làm hồi sinh siêu anh hùng của thành phố Gotham trong Batman Begins 7 năm về trước, mang tới cho "kỵ sĩ bóng đêm" một kết thúc bi tráng và xứng đáng với The Dark Knight Rises.
Năm 2008, The Dark Knight - phần hai của loạt phim về Người Dơi do đạo diễn Christopher Nolan thực hiện - đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và đưa dòng phim về các người hùng truyện tranh lên một tầm cao mới. Joker, nhân vật phản diện trong tập này, được coi là "kẻ ác" đi vào huyền thoại và trở thành cái tên gắn với định mệnh của tài tử xấu số Heath Ledger. Mùa hè năm nay, hàng triệu người yêu điện ảnh trên khắp thế giới trông ngóng The Dark Knight Rises và chờ đợi một cái kết hoàn hảo dành cho "kỵ sĩ bóng đêm" của Christopher Nolan.
Sau cái chết của luật sư Harvey Dent từ cuối phim The Dark Knight, Người Dơi nhận trách nhiệm cho tội ác của Dent để bảo vệ danh tiếng cho kẻ được gọi là "người hùng của Gotham". Anh trở thành nhân vật bị cả thành phố săn đuổi và phải trốn chạy. 8 năm sau, Bane - kẻ tự xưng là "báo ứng của Gotham" - xuất hiện với âm mưu biến cả thành phố thành tro bụi. Cùng lúc đó, Selina Kyle - một tên trộm xinh đẹp, bí ẩn - trở thành chiếc chìa khóa mở ra một câu chuyện mới về Gotham, về Bane, về những tên tội phạm tăm tối và về Người Dơi huyền thoại...
The Dark Knight Rises là phần kế tiếp của The Dark Knight nhưng có thể nói sự liên quan, tương tác giữa hai bộ phim này không nhiều. Từ câu chuyện, cách xây dựng, các nhân vật cho tới không khí, cảm giác khi xem hai tác phẩm này là hoàn toàn khác nhau. Sợi dây chung chỉ là điểm kết nối về cái chết của Harvey Dent và các sự kiện xung quanh. The Dark Knight Rises gần gũi với phần đầu, Batman Begins, hơn khi có khá nhiều chi tiết cũ trong phần một được nhắc lại. Chính vì vậy, để có thể thẩm thấu và thực sự hòa mình vào The Dark Knight Rises, khán giả nên xem Batman Begins trước.
Phần ba xuất hiện rất nhiều nhân vật mới, từ Bane, Selina Kyle cho tới Miranda Tate, John Blake và tất cả đều góp phần khiến "bữa ăn cuối cùng" của Người Dơi trở nên thịnh soạn hơn. Bane vốn là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của Người Dơi trong truyện tranh nhưng khi được đưa vào Batman & Robin năm 1997 (một "thảm họa" của Batman trên màn ảnh), nhân vật này bị xây dựng khá mờ nhạt và đần độn. Trong The Dark Knight Rises, Christopher Nolan đã hồi sinh và phần nào "gỡ lại danh dự" cho Bane.
Tạo hình của kẻ hung ác này gợi đến hình ảnh của một con chuột cống và biểu trưng cho tội ác đến từ nơi tăm tối nhất. Sẽ thật khập khiễng khi so sánh Bane với Joker của The Dark Knight. Tuy nhiên, Bane là kẻ kế thừa tội ác và thực hiện được những điều mà Joker muốn làm nhưng còn dang dở trong phần trước. Nhân vật này có khá nhiều câu thoại ấn tượng như "bóng tối phản bội lại mày bởi nó thuộc về tao" khi nói với Người Dơi hay bản diễn thuyết kích động các tù nhân của Gotham. Nhưng đáng tiếc, Bane lại chưa phải là một nhân vật phản diện xứng tầm với Người Dơi như Joker.
Một nhân vật thú vị trong truyện tranh được đưa trở lại màn ảnh là Catwoman. Nếu như trong Batman Returns của Tim Burton năm 1992, Michelle Pfeiffer để lại ấn tượng về một Miêu Nữ quyến rũ, nham hiểm với những móng vuốt sắc nhọn trong bộ đồ đen bó sát thì Anne Hathaway tạo nên một nhân vật hoàn toàn mới. Vẫn có lớp vỏ ngoài là Miêu Nữ nhưng khi xem The Dark Knight Rises, khán giả sẽ nhớ đến Selina Kyle, một tên trộm thông minh, một tội phạm bí ẩn, một "người đẹp bóng đêm" đầy nữ tính hơn là tính "miêu" và những móng vuốt của Catwoman mà Michelle Pfeiffer hay Halle Berry từng thể hiện. Ngoài Selina Kyle, các nhân vật còn lại cũng đều mang những sự hấp dẫn riêng mà khán giả sẽ muốn tự mình khám phá khi thưởng thức trên màn ảnh rộng.
Với kinh phí 250 triệu USD, đạo diễn Christopher Nolan cống hiến cho người xem phần hình ảnh mãn nhãn và xứng đáng với sự chờ đợi. Các cảnh quay hành động, cháy nổ và chiến đấu được dàn dựng công phu. Sự tham gia của hàng chục nghìn diễn viên quần chúng cho thấy độ hoành tráng và bề thế của phim. Những món đồ chơi công nghệ của Người Dơi sẽ tiếp tục khiến khán giả phấn khích. Đặc biệt hơn nữa, nhiều người sẽ phải thán phục khi biết rằng đa số cảnh quay trong The Dark Knight Rises, trong đó có cảnh máy bay nổ ở đầu phim hay cảnh đánh bom sân vận động rất ngoạn mục đã được giới thiệu trong trailer là dựng lên quay thật chứ không vin vào công nghệ CGI (dựng hình ảnh bằng máy tính).
Ngoài tính giải trí cao về mặt hình ảnh, Christopher Nolan cũng tiếp tục mang tới những triết lý ám ảnh và sự liên tưởng tới xã hội thực trong câu chuyện của The Dark Knight Rises. Cuộc cách mạng mà Bane lãnh đạo, niềm tin của Người Dơi, hy vọng của người dân Gotham về một vị anh hùng hay "lý tưởng" của Selina Kyle... tất cả đều mang lại những cảm xúc rất gần gũi. Fan của Người Dơi cũng sẽ có sự hồi tưởng mãnh liệt khi câu thoại cũ từ Batman Begins: "Why do we fall? So we can learn to pick ourselves up" (Tại sao chúng ta lại vấp ngã? Để sau đó ta có thể học cách tự mình đứng lên) được đưa lại vào đúng khoảnh khắc đẹp nhất trong phim.
Phim có độ dài 164 phút nên câu chuyện được dàn trải ra với nhiều yếu tố kết hợp, từ hành động, tâm lý, rùng rợn, lãng mạn, một chút hài hước, một chút xao xuyến, chút hồi tưởng. Phải sau khoảng gần một phần ba phim, khán giả mới lại được thấy Bruce Wayne mặc bộ đồ Người Dơi. Sự chờ đợi sẽ đem lại một kết quả xứng đáng. Các điểm chuyện và những điều bất ngờ nối tiếp nhau liên tục. Nhưng có vẻ như lần này Christopher Nolan đã hơi tham lam. Các tuyến nhân vật với mỗi câu chuyện và các mối quan hệ khi ghép vào nhau thành một tổng thể hoàn chỉnh thì rất toàn vẹn nhưng nhìn ở góc độ riêng lẻ thì lại khá vụn, sức nặng từng nhân vật chưa khai thác được triệt để.
Thành công của The Dark Knight đã tạo nên một áp lực khổng lồ cho cả đạo diễn Christopher Nolan lẫn êkíp thực hiện. Chính vì vậy, khó có thể đòi hỏi The Dark Knight Rises phải hay bằng hoặc hay hơn phần trước. Nếu như The Dark Knight đi vào lịch sử chỉ bởi riêng Joker, thì The Dark Knight Rises là sự hài hòa về mặt tổng thể và là cái kết không thể nào xứng đáng hơn dành cho cả loạt phim. Có thể khẳng định The Dark Knight Rises là một kết thúc đủ để làm hài lòng số đông người gắn bó với Người Dơi của Christopher Nolan trong suốt 7 năm qua.
Tên phim, The Dark Knight Rises, không chỉ thể hiện cho tinh thần của bộ phim - người hùng sẽ trỗi dậy trong đêm đen, ngọn lửa của niềm tin sẽ rực cháy từ nơi tăm tối - mà còn mang nhiều ý nghĩa với những người yêu mến Người Dơi. Điện ảnh thế giới chắc chắn sẽ không thể nào quên "sự trỗi dậy" của đạo diễn Christopher Nolan với bộ ba huyền thoại mang tên "Kỵ sĩ bóng đêm".
The Dark Knight Rises (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 27/7.