Christopher Nolan - người biến Batman thành huyền thoại
Tin điện ảnh · Moveek ·
Với loạt phim về Người Dơi, vị đạo diễn người Anh để lại nhiều dấn ấn, bản sắc và đưa siêu anh hùng của DC Comics trở thành một nhân vật đáng nhớ trên màn bạc.
Batman Begins (2005) và The Dark Knight (2008) của đạo diễn Christopher Nolan đã thổi một luồng gió mới vào nhân vật Người Dơi, vốn chỉ là một hình tượng người hùng trên giấy và không có quá nhiều tầm ảnh hưởng bên ngoài một bộ phận thanh thiếu niên đam mê truyện tranh. Cả hai bộ phim đã gặt hái thành công đáng kể về mặt thương mại. Quan trọng hơn, Batman Begins và The Dark Knight đều vượt qua khuôn khổ những phim bom tấn mùa hè về siêu anh hùng đầy rẫy những cảnh đánh đấm vui vẻ, đơn giản và vô nghĩa.
Khi Warner Bros. bắt tay vào chuyển thể loạt truyện tranh Người Dơi thành phim năm 1989, hãng đã tin tưởng giao cho đạo diễn Tim Burton, người được biết đến với phong cách đặc trưng là sự kết hợp giữa Gothic và trường phái biểu hiện (German Expressionism), thực hiện hai phần đầu tiên là Batman (1989) và Batman Returns (1992).
Thành công rực rỡ mang tính chất đặt nền móng cho loạt phim Người Dơi mà Tim Burton đem lại, cộng với thất bại ê chề của người kế tục Joel Schumacher trong Batman Forever (1995) và Batman & Robin (1997), là những thách thức lớn cho Christopher Nolan khi bắt tay vào thực hiện Batman Begins. Nolan khi ấy là một đạo diễn trẻ nhưng đã tạo được những dấu ấn nhất định qua những bộ phim như Memento (2000) hay Insomnia (2002).
Dưới sự nhào nặn của ông, nhân vật Người Dơi đã được nâng lên một tầm cao mới, nghiêm túc hơn, người lớn hơn, thật hơn và có những trải nghiệm mang tính thời sự hơn. Ngay cả phiên bản Người Dơi của Tim Burton, vốn nhận được vô số lời khen ngợi từ các nhà phê bình, khi đặt cạnh Batman Begins và The Dark Knight cũng trở nên lỗi thời và lu mờ.
Trong thế giới đầy biến động ngày nay, các nhà làm phim Hollywood đặc biệt nhạy cảm với đề tài nền văn minh loài người bị tận diệt và thế giới đi đến hồi kết. Những bộ phim như War of the Worlds (2005) hay I Am Legend (2007) chủ yếu khắc hoạ một thế giới bị tàn phá bởi những hiểm hoạ bên ngoài (thiên tai, dịch bệnh, người ngoài hành tinh). Trong khi đó, hai bộ phim về Người Dơi của đạo diễn Christopher Nolan lại đi ngược lại xu thế chung khi cho rằng nếu có một kết cục không có hậu cho nền văn minh của con người, thì đó là lỗi của chính xã hội và bản thân chúng ta.
Cơ hội cho sự tồn tại của con người trong hai bộ phim này ít hơn, mờ nhạt hơn những bộ phim khác cùng đề tài. Nolan không muốn an ủi khán giả để rồi nuôi dưỡng sự tự huyễn hoặc của con người bằng cách khẳng định chúng ta có thể cứu rỗi thế giới. Khi The Dark Knight kết thúc, hình tượng hiệp sĩ ra tay vì chính nghĩa của Người Dơi và hy vọng về công bằng và lẽ phải mà Harvey Dent hứa hẹn chỉ còn mang tính chất tượng trưng, xa vời.
Bắt đầu với Batman Begins, Christopher Nolan xây dựng bối cảnh một thành phố Gotham ngập chìm trong tham nhũng và bạo lực ở mọi cấp độ. Gotham không còn hiện lên đầy tính ước lệ, đậm chất Gothic và có phần kỳ dị như một thành phố mô hình trong studio như cách Tim Burton đã làm. Với Nolan, Gotham về cơ bản là hiện thân của bất cứ đô thị hiện đại nào trên thế giới, bởi thành phố này được thiết kế bằng cách kết hợp tất cả yếu tố kiến trúc tiêu biểu nhất: xa lộ kiểu Tokyo (Nhật Bản), khu ổ chuột như ở Hong Kong, thế giới ngầm giống hệt Chicago (Mỹ).
The Dark Knight thậm chí còn tiến xa hơn khi bộ phim được lấy phần lớn bối cảnh tại Chicago. Gotham của Nolan khác biệt bởi đó chính là một Chicago tăm tối, thưa thớt, không có gì ngoài những toà nhà chọc trời cao vút, sắc lẹm như lưỡi dao, lạnh lẽo bê tông và xanh xám màu thủy ngân. Những cảnh tượng như cảnh sát tuần hành trên đường phố, lính cứu hoả miệt mài làm việc bên đống đổ nát của những toà nhà bị đánh bom, xe cứu hoả bốc cháy ngùn ngụt... tất cả đều nỗ lực tái hiện ký ức đau thương của vụ khủng bố ngày 11/9. Ranh giới giữa viễn tưởng và hiện thực chỉ còn mong manh ở cái tên.
Khi chứng kiến cảnh chính quyền bất lực trong việc thực thi pháp luật, những công dân bình thường như Bruce Wayne cảm thấy mình không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bắt tay vào việc ổn định trật tự xã hội. Nhưng đôi khi, trong quá trình ngăn chặn tội ác, những người anh hùng của Gotham như Người Dơi hay thẩm phán Harvey Dent lại sử dụng cả những mánh khoé phi pháp để thực thi luật pháp. Rõ ràng là Christopher Nolan không đặt niềm tin ở những người anh hùng.
Với ông, họ chỉ đơn giản là những cá nhân phải chịu trách nhiệm cho những quyết định và sự lựa chọn của mình. Do đó, bộ phim tập trung khai thác sự phát triển tính cách của nhân vật chứ không lạm dụng kỹ xảo như đa số phim bom tấn về siêu anh hùng. Trong cả Batman Begins và The Dark Knight, Người Dơi liên tục rơi vào tình cảnh bị buộc phải tự vấn lương tâm, trước những bằng chứng cho thấy việc anh cố chấp tự cho mình cái quyền được phán xét và thực thi công lý ngày càng đem lại nhiều hậu quả xấu.
Kết thúc phim The Dark Knight, kẻ giết người hai mặt Harvey Dent được tôn vinh là người hùng của Gotham, trong khi Người Dơi trở thành một kẻ bị cả thành phố truy đuổi, một "kỵ sĩ bóng đêm" luôn phải chạy trốn. Bằng việc đi ngược lại nguyên tắc không giết người của chính mình, Người Dơi đã khiến cho kẻ thù phải kinh hãi. Nhưng cũng chính việc này đã khiến anh bị bạn bè và đồng minh cô lập, xa lánh.
Nhiều người đã so sánh cái kết của The Dark Knight mà Nolan cùng chấp bút đầy tinh tế với em trai của mình với cái kết của The Empire Strikes Back (1980) trong loạt phim Star Wars. Trong cả hai bộ phim này, mọi mâu thuẫn đặt ra trong phim tưởng như được giải quyết ổn thỏa khi phim kết thúc. Nhưng thực chất những người hùng của phim bị mắc kẹt trong tình cảnh có nhiều mối đe dọa phức tạp về tinh thần, còn kẻ xấu vẫn tỏ ra bất khả chiến bại.
Christopher Nolan cho rằng hình tượng Người Dơi của Tim Burton mang một tầm nhìn xa, có phong cách rất riêng của nhân vật và vì thế có sức hấp dẫn. Tuy nhiên, Burton đã tạo ra một thế giới kỳ lạ và phi thường như chính nhân vật của mình và đó là điều Nolan muốn đi ngược lại. Ông muốn miêu tả Người Dơi với tư cách là một cá nhân đặc biệt (siêu anh hùng), có xuất phát điểm bình thường (không có quyền lực siêu nhiên bẩm sinh), trong bối cảnh một thế giới tương đối bình thường và dễ nhận biết.
Chính vì Christopher Nolan muốn bối cảnh phim phải phản ánh nền tảng tâm lý của một nhân vật có cuộc sống bị bao phủ bởi bóng đen của rất nhiều bi kịch nên Batman Begins có một khung cảnh đô thị rất độc đáo, khác xa những gì xuất hiện trong các phần trước. Ví dụ như để khắc họa chuỗi ngày hạnh phúc của cậu bé Bruce Wayne trước khi cha mẹ cậu bị giết hại dã man, Nolan đã sử dụng một thứ ánh sáng mềm mại dễ chịu.
Sau đó, tác động của sự mất mát tình cảm này đã khiến Bruce Wayne trở nên cay nghiệt và luôn nung nấu ý định trả thù. Để phù hợp với sự thay đổi trong diễn biến tâm lý nhân vật, Nolan đã quyết định đặt bối cảnh tu viện trên dãy Himalaya. Những cảnh quay này được thực hiện tại Iceland bởi cảnh quan tại đất nước này, với núi lửa, sông băng, vừa đẹp như tranh vẽ, vừa vô cùng ảm đạm. Sự khắc nghiệt tận cùng đến mức gần như siêu thực của khung cảnh xung quanh chính là thước đo cho tâm lý bất ổn của Bruce Wayne.
Trước khi bắt tay vào thực hiện series phim về Người Dơi, Christopher Nolan được biết đến nhiều nhất với Memento, một bộ phim tội phạm có cấu trúc khéo léo với cách kể chuyện theo sơ đồ hình elíp và trình tự thời gian đảo ngược. Đập tan những nghi ngờ về khả năng đạo diễn thể loại phim bom tấn, Nolan đã sử dụng ngân sách khổng lồ của series phim Người Dơi để thoả sức khám phá các đề tài và hình mẫu nhân vật mà ông dày công nghiên cứu và xây dựng qua các bộ phim ít tiếng tăm hơn của mình: tội ác, bạo lực, trả thù hay bản sắc, cái tôi cá nhân, mâu thuẫn nội tâm.
Thành công lớn nhất của Nolan qua hai bộ phim là sự lồng ghép khéo léo những mâu thuẫn kinh tế, xã hội và chính trị. Không khí u ám của phim châm ngòi cho một câu chuyện ngụ ngôn sống động về một thế giới đầy bất an sau sự kiện 11/9, với khủng hoảng tài chính, bất bình đẳng, chiến tranh Iraq, khủng bố và tâm lý sợ hãi, lo lắng ngày càng phổ biến, lan rộng. Sự phức tạp, đa dạng trong từng diễn biến, chi tiết của hai bộ phim đã chứng tỏ tài năng của nhà làm phim trẻ tuổi này. Người hâm mộ điện ảnh và các tín đồ của huyền thoại Người Dơi hoàn toàn có lý do để chờ đợi phần tiếp theo của loạt phim, sẽ ra mắt vào cuối tháng 7 năm nay.
The Dark Knight Rises - tập cuối cùng trong loạt phim Người Dơi của đạo diễn Christopher Nolan - sẽ khởi chiếu tại Việt Nam vào ngày 27/7.