[Cảm Nhận] Phantom Thread – Khi nổi loạn hoà quyện cùng thanh lịch tạo nên một chuyện tình thật thú vị

Đánh giá phim · VLynd ·

Phantom Thread là một bộ phim về câu chuyện tình thanh lịch và tinh tế.

Phantom Thread (Bóng Ma Sợi Chỉ) là bộ phim tình cảm do Paul Thomas Anderson đạo diễn và viết kịch bản. Phim có sự tham gia của các diễn viên gồm Vicky Krieps, Daniel Day-Lewis và Lesley Manville. Ra mắt vào năm 2017, Phantom Thread nhận được 6 đề cử Oscar và thắng giải Thiết kế trang phục đẹp nhất. Cảm nhận của người viết sau khi xem xong bộ phim chính là có một sự nổi loạn hoà quyện cùng sự thanh lịch để tạo nên một chuyện tình thật thú vị. Phải chăng khi yêu nhau, chẳng ai muốn làm người bình thường?

Phantom Thread là câu chuyện tình cảm của nhà thiết kế phục trang danh tiếng Reynolds Woodcock (Daniel Day-Lewis) và cô nàng Alma (Vicky Krieps). Không chỉ là người tình, Alma còn là “nàng thơ”, là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm của ông. Ngoài điểm chung là tình yêu, Alma và Reynolds như hai cực trái dấu hút lấy nhau. Một người thì lớn tuổi, mãi vùi đầu vào công việc thiết kế những bộ váy áo đẹp mắt và người còn lại vẫn còn trẻ, với lửa tình rực cháy. Trước Alma, những mối tình của Reynolds cứ đến và đi, để rồi khi cô xuất hiện, cuộc sống của Reynolds và người chị Cyril (Lesley Manville) gần như bị rối tung.

Sự nổi loạn

Ngay từ đoạn mở đầu, Phantom Thread đã khiến người xem tò mò khi Alma chia sẻ rằng cô đã trao cho Reynolds từng chút một của cô, về một chuyện tình mà người trong cuộc sẵn sàng yêu hết lòng. Là một NTK danh tiếng tại London, Reynolds không thiếu những thiếu nữ, tiểu thư sẵn sàng xếp hàng dài để được khoác lên mình bộ trang phục do ông thiết kế. Thế nhưng, Reynolds trót phải lòng “nàng thơ” của ông tại một quán ăn tại vùng quê, nơi cô đang làm bồi bàn. Một thiếu nữ hồn nhiên, không e dè đã thổi luồng gió mới vào cuộc đời Reynolds và không lâu sau đó, ông nhận ra tình cảm của bản thân qua cái nắm tay thật chặt khi đi dạo cùng Alma.

Tuy nhiên, khi chuyển đến London nghiêm nghị bên người tình chỉ biết chăm chú vào công việc, Alma từ chỗ âm thần, nàng đã giành lại sự chú ý. Sự nổi loạn của Alma có thể được thấy rõ qua các đoạn nàng quấy rầy Reynolds, khi thì đưa trà vào lúc không cần thiết, khi lại ăn uống gây náo động và thậm chí là đầu độc người yêu. Người viết rất thích phân đoạn ăn uống của Alma khi Reynolds và chị gái Cyril đang cần sự yên tĩnh thì Alma không ngại khua dao, nĩa gây ra những tiếng động mất tập trung. Phân đoạn ấy trong Phantom Thread không được chèn nhạc nền mà hoàn toàn thinh lặng để làm bật lên những âm thanh ASMR đầy khó chịu. Một sự nổi loạn thông minh được đặt trong không gian sang chảnh và tương phản.

Alma tuy không xuất thân quý phái, nhưng lại chính là “nàng thơ” mà Reynolds tìm kiếm với tỉ lệ cơ thể hoàn hảo: ngực nhỏ, phần hông và mông nở nang. Alma tuy không yêu thích những chất liệu được thời đại ưa chuộng nhưng sẵn sàng đứng hàng giờ để người yêu may đo, làm ra những bộ váy mỹ miều. Phantom Thread xây dựng một Alma như thế để rồi khi chứng kiến bộ váy Woodcock không được đặt đúng chỗ, nàng tức giận lột khỏi người của khách hàng. Quả là một sự nổi loạn đầy xuất sắc mà Anderson đã thực hiện. Có thể Alma không yêu thích thời trang, nhưng cô thấu hiểu thương hiệu Woodcock khi chứng kiến những tâm huyết mà Reynolds đặt vào từng bộ váy.

Và nổi bật nhất chính là sự nổi loạn của Alma dành cho Reynolds và bộ váy cưới mà ông thực hiện cho công chúa. Trái với suy nghĩ của người xem, Reynolds lại cần Alma hơn bao giờ hết sau vụ đầu độc. Có lẽ, con người bảo thủ đó chỉ là vỏ bọc và đam mê, nhiệt huyết cho thời trang cũng chào thua trước tình yêu điên cuồng mà ông trót trao cho Alma. “Kiss me, my girl, before I'm sick.” chính là lời tuyên bố gục ngã trước tình yêu không bình thường giữa Reynolds và Alma.

Sự thanh lịch

Là phim có yếu tố thời trang nên Phantom Thread rất chú trọng vào khâu trang phục mà bất kỳ tín đồ thời trang nào cũng đều yêu thích. Phim cho thấy cách làm một bộ váy thiết kế riêng cần được may đo tỉ mỉ như thế nào, từng đường nét trên trang phục đều được trau chuốt và tinh tế. Không chỉ ở diễn xuất của diễn viên, mà chính sự cầu kỳ của những bộ váy đó đã toát lên vẻ “passion for fashion” mà ê-kíp đã đặt vào. Hơn nữa, những người giúp việc trong nhà Woodcock đều là thợ may, hoặc làm công việc liên quan đến thời trang ngoài đời thật.

Bên cạnh đó, phần quay phim và sắp xếp bối cảnh của Phantom Thread cũng cho thấy sự thanh lịch. Người viết rất thích những đoạn lia máy xa gần, cách sắp xếp góc quay và nhiều phân đoạn kéo dài vô cùng mượt mắt, đặc biệt là ở cảnh mở đầu và trình diễn thời trang. Có thể nói từng thước phim của Anderson rất biết cách hút hồn khán giả. Không những thế, phần nhạc nền du dương, được lồng ghép hợp lý trên nền trời đầy chất thơ khi Reynolds và Alma yêu nhau thật sự khiến người xem mê đắm, hiểu rằng vì sao họ lại chao đảo vì nhau như thế.

Và sự thanh lịch lớn nhất ở Phantom Thread chính là phần diễn xuất tuyệt vời và ăn ý của cặp diễn viên chính mà Vicky Krieps và Daniel Day-Lewis đều nhận được đề cử Oscar. Họ yêu nhau, họ điên cuồng vì nhau và họ đau khổ thế nào đều được Krieps và Day-Lewis thể hiện một cách trọn vẹn, chemistry giữa họ có thể khiến khán giả lầm tưởng rằng họ là một đôi đang yêu, chứ không phải đang đóng phim. Từng ánh mắt, nụ cười ấy, cách mà họ đắm chìm vào nhau, nếu bạn đã từng yêu hay đang yêu, chắc hẳn bạn sẽ không thấy xa lạ.

Có thể Phantom Thread không phải là bộ phim phù hợp với đại chúng, nhưng đây là phim để cảm nhận sự tinh tế, thanh lịch của thời trang hoà quyện cùng sự nổi loạn thông minh của tình yêu. Và đây cũng là bộ phim để ta tự ngẫm, nếu một ngày ta hoài nghi về tình cảm của đối phương, liệu ta có thể đi xa đến đâu để có câu trả lời? Đầu độc? Hay vẫn lặng lẽ cam chịu?

Ảnh: IMDb