Câu chuyện kịch bản - Phần 1: Tìm “hồn” cho phim Việt

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Thật khập khiễng nếu so sánh và bắt buộc phim Việt phải đạt được tầm vóc như những nền điện ảnh trên. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép ngừng suy ngẫm về thực trạng hiện tại và con đường cần được mở ra cho phim Việt.

Một mùa hè nữa đang tới, trong lúc các phim của Mỹ như Civil War, X-men: Apocalypse bắt đầu công cuộc càn quét của mình, thì phim Việt vẫn đang cố gắng “chen chân” vào khoảng giữa của các phim bom tấn của Mỹ nhằm kiếm đủ doanh thu.

Nhìn sang thị trường Nhật, một phim siêu anh hùng của Mĩ khác là Deadpool từng gây bão các phòng vé trên thế giới trong mùa Valentine vừa rồi phải đợi đến 4 tháng sau (1.6) để chiếu ở Nhật. Không phải vì ở Nhật không có fan comic, mà đơn giản, thị trường phim Nhật đã quá mạnh mẽ để hút hết khách nội địa thay vì chịu sự “thống trị” của các nền văn hóa khác.

List các phim ra mắt vào tháng 2 năm 2016 tại Nhật.

Bên cạnh Nhật Bản có “chất”, nếu nói về ‘lượng”, thì điện ảnh Ấn Độ có sức sản xuất kinh hồn: khoảng hơn 1000 phim 1 năm (riêng năm 2012 là 1602 phim). (Nguồn: Forbes)

Thật khập khiễng nếu so sánh và bắt buộc phim Việt phải đạt được tầm vóc như những nền điện ảnh trên. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép ngừng suy ngẫm về thực trạng hiện tại và con đường cần được mở ra cho phim Việt.

Điểm lại các bộ phim đình đám vừa qua

Tính đến thời điểm này (05. 2016), thì phim Việt đã chứng kiến được một số thành công thực sự như: Em Là Bà Nội Của Anh (hơn 100 tỉ đồng doanh thu và được khen ngợi từ giới chuyên môn lẫn công chúng) và Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (hơn 77 tỉ đồng doanh thu và được công chúng yêu thích). Bên cạnh đó là một số tác phẩm “có nét” nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa thỏa mãn như: Siêu Trộm (15 tỉ đồng doanh thu), hay gần đây thì có Bao Giờ Có Yêu Nhau của Dustin Nguyễn.

Nếu nói về doanh thu thì những phim như Tía Tui Là Cao Thủ (50 tỉ đồng), 49 Ngày (15 tỉ đồng) cũng không kém mấy so với các phim trên.

Vậy sự khác biệt đến từ đâu?

Đó chính là sự đầu tư nghiêm túc cho kịch bản để bộ phim thực sự “có hồn”.

Trên quan điểm cá nhân, Em Là Bà Nội Của Anh chỉ là một phim “tầm trung” so với các nền điện ảnh châu Á. Điều khiến khán giả yêu thích và phát “cuồng” vì nó, chính là vì lần đầu họ được xem một kịch bản chỉn chu, “tôn trọng” người xem chứ không phải chỉ là một câu chuyện hài được các nghệ sĩ hài diễn lại trên màn ảnh rộng. Đồng dạng, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh được yêu thích là vì khả năng dựng phim “đẹp như mơ” của Victor Vũ cộng với kịch bản gốc là truyện ngắn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh.

Vậy 1 kịch bản tốt đến từ đâu?

Về cơ bản, phim là một loại hình nghệ thuật kể lại 1 câu chuyện (hư cấu hoặc có thật). Thông qua bộ phim, đạo diễn sẽ truyền tải những thông điệp của mình và tạo nên những cảm xúc mà khán giả ít có cơ hội trải nghiệm trong đời thực (lo sợ, hồi hộp, kích thích v.v.). Thế nên một  kịch bản là hay, tạo được sự đồng cảm nơi khán giả (nói nôm na là “có hồn”) là không thể thiếu.

Còn nhớ năm 2003, chỉ với chủ đề về các cô gái nhảy trong vũ trường, Lê Hoàn đã thắng lớn với bộ phim Gái Nhảy (12 tỉ đồng). Bộ phim thu hút khán giả chỉ vì sau 1 thời gian dài khủng hoảng, thị trường Việt Nam mới có một bộ phim với 1 câu chuyện “khác lạ” so với chủ đề chiến tranh quá đỗi quen thuộc (và dĩ nhiên yếu tố cảnh nóng cũng là một sức hút khác) .

Nhưng đây là năm 2016, yêu cầu của khán giả không còn ở cái mức “Có phim coi là được”, “phim coi vui là được” v.v. (Xem thêm bài: Phim Tết 2016 - Gì cũng có, chọn thật khó).

Ý thức được điều đó, nhưng  các nhà làm phim Việt Nam dường như vẫn đang “loay hoay” tìm kịch bản tốt lẫn tìm cách khai thác chúng. Vì dù chủ đề của họ chọn có thể nói là đa dạng: tình cảm tâm lý (Lạc Giới, Yêu Là Phải Xài Chiêu), kinh dị (Bóng Ma Học Đường, Chung Cư Ma), hành động (Dòng Máu Anh Hùng, Truy SáT), cổ trang (Thiên Mệnh Anh Hùng, Tây Sơn Hào Kiệt)… thì buồn thay, thật sự có rất ít phim Việt tạo được sự hưng phấn cho khán giả, khiến họ phải nhắc đến nó với sự yêu thích thật sự.

Vậy thì, kịch bản thế nào là hay?

Xin lấy ví dụ từ 5 bộ phim được đánh giá cao của trang web IMDB

  • The Shawshank Redemption
  • The Godfather
  • The Godfather: Part II
  • The Dark Knight
  • Schindler’s List

Điểm chung của 5 bộ phim trên là những kịch bản đầy hấp dẫn, đề cao mặt tốt của con người và cũng nói về những khoảnG tối trong lòng họ. Hơn thế nữa, những kịch bản đó còn mang đậm nét văn hóa của quốc gia xảy ra câu chuyện. Trong Shawshank Redemption là thực trạng đen tối của nhà tù Mỹ, hay Schindler’s List là bức tranh đẫm máu về châu Âu thời chiến tranh thế giới II.

Chuyển thể - Khởi đầu cho tiến bộ

Sẽ thật khó nếu “bắt” các nhà biên kịch của một nền điện ảnh non trẻ phải xây dựng những cốt truyện “đột phá” khi mà khán giả đã tiếp xúc với những nền điện ảnh ở đẳng cấp cao hơn. Nhưng xây dựng một cốt truyện mang nét văn hóa Việt Nam chính là khởi điểm tốt nhất cho họ.

Và ngay cả khi nói việc tạo một kịch bản “mang nét văn hóa Việt”, bạn hẳn sẽ thốt lên: Đã và đang có những bộ phim “có nhắc đến” văn hóa Việt như Em Là Bà Nội Của Anh, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh v.v... Thậm chí đến phim Vòng Eo 56 của Ngọc Trinh còn nói lên được thực trạng khó khăn ở nông thôn miền Tây Nam Bộ đó thôi.

Tôi không phủ định những phân cảnh như  “Còn tuổi nào cho em” của Em Là Bà Nội Của Anh hay những cảnh nông thôn Việt trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh có nét văn hóa Việt Nam trong đó.

Nhưng những bộ phim như thế là quá hiếm hoi trong bối cảnh những bộ phim hiện đại chủ yếu tập trung vào tính giải trí mà vô tình tạo nên một hình ảnh Việt Nam hào nhoáng nhưng cạn cợt. Phim Việt đã có những shot hình bằng flycam khoe nét đẹp của thiên nhiên Việt Nam, hay những cảnh yêu đương tại Sài Gòn, Nha Trang, Hà Nội… những đô thị nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng tôi vẫn không tìm thấy được hồn Việt, những câu thoại “để đời” trong các phim Việt Nam.

Chẳng hạn như trong list film của IMDB, chúng ta có câu nói của nhân vật Red trong The Shawshank Redemption: “Forty years I been asking permission to piss. I can't squeeze a drop without say-so.”

(Suốt 40 năm tôi đã phải xin phép để được đi tiểu. Tôi không thể đi tiểu mà không nói câu xin phép)

Hay “You either die a hero or live long enough to see yourself become the villain” (Hoặc anh chết như một anh hùng hay sống đủ lâu để thành kẻ thủ ác) của Harvey Dent trong The Dark Knight.

Những câu thoại ngắn gọn đó, lại là sự cô đọng của cả một nền văn hóa, phản ánh những luồng tư tưởng mà các nhà  biên kịch đã chứng kiến. Chẳng hạn như câu trích dẫn “You either die a hero…” ở trên chính là bắt nguồn từ tư tưởng của triết gia Đức F. Nietzsche.

“Kẻ nào chống lại quái vật (cái Ác) hãy cẩn thận nếu không hắn cũng sẽ trở thành quái vật. Và nếu ngươi nhìn chăm chú thật lâu vào vực thẳm, vực thẳm cũng sẽ nhìn lại ngươi.”

Phim Việt Nam, để làm được điều đó, thì cần những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học.

Bạn có thể cho rằng vì top 5 trong list IMDB ở trên là có đến 3 phim là phim chuyển thể mà người viết có ý kiến này. (The Godfather dựa trên tác phẩm cùng tên của Mario Puzo, The Dark Knight dựa trên truyện tranh của hãng DC, Schindler List dựa trên tiểu thuyết “Schindler's Ark” của Thomas Keneally).

Nhưng thực tế đơn giản hơn rất nhiều: hai phim trở thành hit là Em Là Bà Nội Của Anh và Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh cũng đều là phim chuyển thể hoặc mua lại kịch bản. (Em là bà nội của anh mua lại kịch bản của Hàn Quốc và đắp thêm những yếu tố Việt Nam vào như chuyện người mẹ nuôi con suốt chiến tranh, âm nhạc Việt Nam).

Rõ ràng là, với thực lực của biên kịch Việt Nam, việc tạo ra một câu chuyện mang chất riêng của họ mà vẫn đáp ứng được yêu cầu về độ hấp dẫn và gốc văn hóa, là thử thách quá lớn với họ. Trong khi đó, nền văn học Việt Nam với những câu chuyện chưa được biết đến lại là một “mỏ vàng” chờ được khai thác. Chuyển thể các tác phẩm văn học thành điện ảnh sẽ là một bước tiến lớn cho cả nền văn hóa Việt hiện đại: tăng độ hiểu biết cho khán giả về văn học Việt Nam, tăng các tác phẩm điện ảnh có giá trị, quảng bá văn hóa Việt ra thế giới (nếu đủ khả năng PR và chuyển ngữ).

Trong bài viết kì sau, Moveek xin giới thiệu tiếp về những tác phẩm văn học Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo nên thành công trong phòng vé nếu được chuyển thể.

Đón xem Câu chuyện kịch bản - Phần 2: Những kịch bản đảm bảo hay trên Moveek nhé!