Chuyện Chưa Kể - "Lên ruột" cùng Tấm Cám
Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·
Nếu bạn đang tìm một phim giải trí để xem giết thời gian thì Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể là một lựa chọn tạm được. Còn nếu bạn là một fan phim ảnh thuần túy thì bạn sẽ có một chuyến đi tàu lượn siêu tốc dưới bàn tay phù phép của chị Vân.
Nếu bạn đang tìm một phim giải trí để xem giết thời gian thì Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể là một lựa chọn tạm được. Còn nếu bạn là một fan phim ảnh thuần túy thì bạn sẽ có một chuyến đi tàu lượn siêu tốc dưới bàn tay phù phép của chị Vân.
Phim mở đầu với những cảnh quay đẹp mắt: phong cảnh rừng núi hữu tình, anh chàng hoàng tử HIếu Long (Isaac) với khuôn mặt điển trai, giáp trụ ngon lành cưỡi ngựa hồi kinh. Đây chắc chắc là một điểm cộng cho phim.
Thế rồi điểm trừ xuất hiện ngay khi chàng Hiếu Long…mở miệng. Giọng đọc lời thoại của anh ấy làm khán giả tỉnh mộng và nhớ ra, “À mình đang xem phim Việt Nam!”. Cái chất giọng buồn ngủ của anh ấy thỉnh thoảng được thêm vào MỘT CHÚT sắc thái như giận dữ, nghiêm trang v.v. nhưng chung qui vẫn là điểm trừ.
Và rồi cũng như Tấm, bộ phim được “cứu vớt” khi ông Bụt do Thành Lộc xuất hiện. Sự nhân từ, hài hước dí dỏm và một chút “đá xoáy” các tình huống kinh điển trong truyện cổ tích khiến khán giả nhí cũng thích mê. Điểm cộng.
Câu chuyện được triển khai, có vẻ như đạo diễn Ngô Thanh Vân đã học hỏi nghệ thuật làm phim chuyển thể từ các tác phẩm điện ảnh khác. Chị xây dựng những nhân vật khác nhau để triển khai phần “chưa kể” của bộ phim này. Nhưng khổ nỗi ngay cả ở những nhân vật chính như hoàng tử Hiếu Long, thì vẫn có những hành động khá là “lạc quẻ” với tính cách mà chị Vân xây dựng từ đầu. (Xin phép không nói rõ ra để spoil phim). Điểm trừ x2.
Càng coi phim, người ta càng nhận ra rằng phần lớn điểm trừ đến từ… dàn diễn viên chính. Bởi vì nhạc phim, phục trang, bối cảnh v.v. lại khá tốt. Đây không phải là câu chuyện về Đại Việt hay bất kì triều đại nào của Việt Nam, nên trang phục và cảnh trí hoàng cung được làm “thả ga” tạo cảm giác mới mẻ thích thú. Bên cạnh đó, nhạc phim tuy chưa đến mức hớp hồn như các siêu phẩm nước ngoài nhưng thực sự mà nói nhạc phim của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể đã có được phần nào “hơi hướm” của phim fantasy.
Điểm cộng.
Và như để chứng minh Tấm của mình là “một cặp trời sanh” với Hiếu Long của Isaac, Hạ Vi đã “đánh gục” bà dì ghẻ Ngô Thanh Vân bằng việc phá banh chành cảnh cao trào của phim, bước ngoặt của mọi tình tiết. Vâng, tôi viết kĩ về đoạn này là vì nó có trong trailer, chỉ cần xem kĩ là bạn sẽ thấy “lên ruột” ngay. Một cô gái yếu đuối khi biết mình đang ngã xuống thì phản xạ thông thường nhất sẽ là nhắm mắt lại. Nhưng như các bạn đã thấy trong ảnh (trích từ trailer) thì đây là khuôn mặt có biểu cảm ngang tầm với 1 diễn viên Hollywood tên là Kristen Stewart trong loạt phim Twilight lừng danh.
Điểm trừ!
Đến cảnh Tấm chết, tôi đã quyết định “tắt” cái phần đánh giá diễn xuất mà trở thành một người đàn ông đơn giản: xem đánh nhau trong mấy cảnh chiến tranh. Rồi rồi, hoàng tử ra trận với lời dạy của vua cha. Chuẩn! Hai bên dàn quân. Chuẩn. Ờ mà khoan đã…
Tôi là một người đàn ông đơn giản, tôi muốn xem cảnh gươm đâm kiếm chém, cảnh người ta lao vào nhau trong tiếng gào thét rợp trời. Nhưng sao máy quay cứ “bay lên trên mọi người“ rồi lại lao xuống đúng chất roller coaster? (nhất là ở những đoạn đánh nhau cuối phim). Đó là chưa kể nếu để ý bạn sẽ thấy cảnh quân lính hai bên đánh nhau với những động tác quơ quào vũ khí như trẻ con đang đùa giỡn.
Lần sau nếu làm thể loại này thì chị Vân nên kết hợp với “người yêu cũ” là anh Johnny Trí Nguyễn để có những cảnh chiến đấu hoành tráng hơn.
Điểm trừ x2 (1 cái cho Tấm Cám, 1 cái cho Fan Cuồng).
Sau khi chàng hoàng tử gặp biến cố, cuộc đời của chàng xuống dốc thê thảm không kém gì tâm trạng của người xem. Nhưng quả thực Ngô Thanh Vân lại cho người ta lên ruột thêm phát nữa khi dựng một đoạn phim về việc “truyền cảm hứng” cho nhân vật chính. Trường đoạn này có chút gì đó giống trong Man of steel khi Clark Kent (Henry Cavill) gặp cha mình Kal-el (Russel Crowe) nhưng về cơ bản là tốt. Điểm cộng.
Và cũng giống như một chuyến đi roller coaster, dù bạn có “lên ruột” bao nhiêu lần thì bạn cũng biết ở đích đến là gì. Với cách dựng phim của Tấm Cám, không khó đoán ra đoạn kết là gì. Người xem chỉ việc chịu đựng những cơn nóng lạnh bất thường do cách dựng phim của đạo diễn đến hết giờ. Người dễ tính thì gật gù bỏ qua, người khó tính thì ngồi đếm lỗi và chuẩn bị một sớ Táo Quân “kể tội” bộ phim.
Xem xét thêm các yếu tố như đặc thù điện ảnh Việt Nam, sự dấn than và đầu tư của nhà sản xuất, khả năng chung của dàn cast, tôi chấm 5/10 cho Tấm Cám.
Từ rất lâu rồi, tôi xem việc bỏ tiền mua vé xem film Việt như bỏ tiền đánh bài cào vậy. Có những bộ phim mà chỉ xem 20 phút đầu bạn đã biết nó là ba lá 10 tròn trĩnh. Nhưng với Tấm Cám, tôi cảm thấy mình đã mở lá đầu tiên và nó là quân 5. Tôi đang chờ đợi những tác phẩm tiếp theo của Ngô Thanh Vân để xác định xem mình sẽ thắng hay thua trong canh bạc này.