Đánh giá Thích Khách Nhiếp Ẩn Nương – cái tôi của chính đạo diễn

Tin điện ảnh · ZinNguyen ·

Danh tiếng của đạo diễn gốc Hoa vĩ đại Hầu Hiếu Hiền có lẽ không mấy xa lạ với khán giả yêu điện ảnh.Phim của Hầu Hiếu Hiền luôn được giới chuyên môn đánh giá cao, ông thể hiện một ngôn ngữ hình ảnh mang đậm dấu ấn cá nhân, trau chuốt trong từng khung hình, tinh tế trong từng nét diễn và nặng về chiều sâu xúc cảm. Tuyệt tác Nhiếp Ẩn Nương đã giúp Hầu Hiếu Hiền nhận được giải Đạo diễn xuất sắc nhất của liên hoan phim Cannes, khiến ông trở thành đạo diễn gốc Hoa vĩ đại nhất của Trung Quốc.

The Assassin - “Thích khách Nhiếp ẩn nương” lấy bối cảnh thế kỷ thứ 9 ở Trung Hoa (vào khoảng năm 809) triều đại nhà Đường với nhiều biến động lớn. Nhiếp Ẩn Nương (Thư Kỳ), con gái một vị quan trong triều được đào tạo thành sát thủ máu lạnh nhằm mục đích thanh trừng đám quan tham thối nát trong triều đình. Nhưng định mệnh đã bắt cô đối mặt với tình huống éo le khi phải ám sát người từng được hứa hôn từ lúc chào đời – Tiết độ sứ Nguỵ Bác - Điền Quý An.

Trung thành với lối kể chuyện của mình, Hầu Hiếu Hiền tiết chế tối đa những cảnh hành động mà sử dụng những cú máy rất chậm, dùng cái "tĩnh" để thể hiện cái "động" nội tâm của từng nhân vật trong phim. Người ta cảm thấy được sự tĩnh lặng đến đáng sợ của thời cuộc trong từng cú lia máy chậm chạm, cảm nhận được những toan tính trong lòng của mỗi con người khi nhìn sâu vào từng khuôn hình, biểu cảm của từng nhân vật. Điều mà Bộ phim Nhiếp Ẩn Nương mang lại không phải là những pha hành động đẹp mắt, những chiêu thức đậm chất kĩ xảo khoa trương hay những màn đấu trí dồn dập đến nghẹt thở...Nhiếp Ẩn Nương mang đến cho người xem cái tâm trạng bị đè nặng, bị dồn ép đến tận cùng của mỗi con người trước thời cuộc rối ren, bản thân mỗi cá nhân trong phim đều không thể thoát khỏi vòng xoáy của thế cuộc, họ không thể mưu cầu hạnh phúc cho chính mình mà chỉ biết vùng vẫy trong nỗi cô độc đến đáng sợ.

Hầu Hiếu Hiền không làm phim vì khán giả, ông làm phim cho chính ông. Ông là bậc thầy đạo diễn duy nhất còn lại của Trung Quốc vẫn còn giữ lại được cái chất riêng của mình, và phát huy nó đến đỉnh điểm trong Nhiếp Ẩn Nương. Những đạo diễn tài danh khác như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Ngô Vũ Sâm, Lý An...đều đã và đang mất dần đi nét riêng của mình trong các tác phẩm điện ảnh sau này, họ vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của thành công trước đây. Khán giả xem phim của Hầu Hiếu Hiền, không phải thoả mãn tính giải trí tầm thường như bao người, mà để thưởng thức và suy ngẫm câu chuyện mà Hầu Hiến Hiền đang muốn kể. Sự sâu sắc, sự nghiêm khắc và một góc nhìn sâu vào bản ngã của mỗi nhân vật luôn khiến người xem cảm giác được sự chân thật đến vô lý của câu chuyện...đó dường như không phải là một câu chuyện hư cấu được sáng tác mà chính là quá khứ, là lịch sử, là những gì thật sự đã diễn ra.

Thư Kỳ trong vai Nhiếp Ẩn Nương, xuất hiện xuyên suốt bộ phim trong những góc tối, hay ẩn hiện như ảo ảnh qua những lớp màn nhung và những ánh nến lập loè. Sự hiện diện của cô không phải là một thích khách hợp cách mà chỉ giống như một người quan sát, một người nhìn ngắm nhân sinh, có lẽ cô dùng những giây phút này để cảm nhận tình người, tình cảm gia đình vốn đã bị tước đoạt khi đạo cô huấn luyện cô trở thành một sát thủ máu lạnh. Tạo hình của nhân vật Nhiếp Ẩn Nương cũng đại diện cho bản thân Hầu Hiếu Hiền, dùng đôi mắt của cô để thể hiện cảm nhận của ông về thời cuộc thời bấy giờ. Có lẽ chính vì thế nên Nhiếp Ẩn Nương là nhân vật duy nhất thành công đi ngược lại số phận thích khách và giải phóng mình thoát khỏi sự u ám trầm uất của thời đại.

Nhiếp Ẩn Nương kén khán giả, nên mặc dù thành công tạo được tiếng vang lớn trong giới chuyên môn, nhưng bộ phim chỉ mới thu về được 9.5 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với khoản kinh phí 15 triệu USD và 8 năm dài đằng đẵng thực hiện bộ phim. Khán giả bình thường sẽ không thể chê bai bộ phim nhưng cũng khó có ai đủ kiên nhẫn ngồi xem hết tác phẩm của ông ngoài giới đánh giá và người hâm mộ. 

Xem lịch chiếu The Assassin - Thích khách Nhiếp ẩn nương tại đây.